Ảnh đồ họa mô tả hành tinh mới được khám phá - Ảnh: ESO
Theo Sci-News, đây sẽ là một trong những ngoại hành tinh nhỏ nhất từng được ghi nhận. Thế giới với tên Proxima Centauri d, nằm trong hệ sao lùn đỏ Proxima Centauri cách chúng ta chỉ 4,2 năm ánh sáng.
Proxima Centauri d cũng là ngoại hành tinh sáng nhất từng được quan sát, lấp lánh như một viên kim cương vũ trụ và gần như chìm lấp vào ánh sáng của sao mẹ, bởi nó quay cực gần sao mẹ (cách 4 triệu km, 1/10 khoảng cách Mặt Trời - Sao Thủy), chỉ mất 5 ngày để hoàn tất 1 quỹ đạo.
Đó là một hành tinh đá với khối lượng chỉ khoảng 1/4 Trái Đất, đồng nghĩa với việc nó cực nhỏ.
Thông thường những hành tinh nhỏ quá gần sao mẹ như nó sẽ khó lòng được quan sát bởi bị ánh sáng của sao mẹ khỏa lấp, nhưng Proxima Centauri d là ngoại lệ bởi nó quá gần chúng ta nên dễ quan sát hơn.
Tờ Daily Mail trích lời nhà nghiên cứu João Faria từ Viện Vật lý Thiên văn và Khoa học không gian Bồ Đào Nha, tác giả chính của nghiên cứu, cho hay hành tinh mới được xác nhận vào năm 2020 khi các nhà khoa học quan sát hệ sao lùn đỏ này bằng một công cụ đo quang phổ mới là ESPRESSO, đặt trên Kính viễn vọng Very Large đặt tại Chile của Đài thiên văn Nam Âu (ESO).
Trước đó, hệ sao này nổi tiếng với Proxima Centauri b, được xác định từ năm 2016. Proxima Centauri b thuộc nhóm hành tinh "kích cỡ Trái Đất", quay trong một quỹ đạo bị "khóa" với sao mẹ, tức luôn hướng về sao mẹ với một mặt duy nhất y như cách Mặt Trăng bị khóa bởi Trái Đất.
Tuy nhiên, nó vẫn nằm trong vùng sự sống và có nhiều nghiên cứu khắp thế giới đã chỉ ra những yếu tố chứng minh Proxima Centauri b sống được, thậm chí sở hữu một nền văn minh. Các nhà khoa học kỳ vọng Kính viễn vọng không gian James Webb của NASA vừa được phóng lên quỹ đạo sẽ giúp xác nhận về sự sống ở hành tinh này.