Trên đường đời, có người luôn cảm thấy bất mãn vì bản thân gặp phải nhiều chuyện không như ý muốn. Đôi lúc, họ không thể kiềm chế được cảm xúc mà xích mích với người khác.
Trưởng thành là thôi không còn muốn tranh giành những thứ không phải của mình. Khi ấy, chúng ta sẽ bước về phía trước bằng một tâm thái thanh thản và ung dung.
Cuộc sống mà, đừng "đứng núi này trông núi nọ"!
Người ta vừa có sự nghiệp thành công, lại còn có cả vợ đẹp con khôn. Còn mình thì dù có cố gắng đến đâu cũng chẳng bằng một phần của người ta.
Hồi đi học, ám ảnh về "con nhà người ta" vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí bạn. Để rồi sau này đi làm, các đồng nghiệp khác thì liên tục được tăng lương và thăng chức. Họ đi làm thì nhàn tênh, bạn thì ngày nào cũng cắm mặt vào công việc. Bạn tự hỏi tại sao mình vẫn phải nhận mức lương bèo bọt này? Đến lúc kết hôn, vợ chồng nhà người ta ngày nào cũng ngọt ngào hạnh phúc. Còn vợ chồng mình thì suốt ngày cơm không lành, canh không ngọt.
Bạn cảm thấy đau đớn, tức giận và thất vọng. Bạn lại oán trách ông trời sao bất công với mình đến vậy? Nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mỗi người đều có nỗi khổ riêng và cuộc sống này vốn chưa bao giờ dễ dàng với bất cứ ai. Trong lúc bạn ngưỡng mộ người ta, biết đâu người ta cũng đang thầm mong được như bạn?
Có hai gia đình nọ sống cạnh nhau. Một bên là đôi vợ chồng hơn 50 tuối đã kết hôn từ lâu mà vẫn chưa có con. Một bên là gia đình trẻ, chồng là người thành đạt, còn vợ ở nhà làm nội trợ.
Điểm chung của họ là: đều ngưỡng mộ một cách thái quá gia đình đối phương. Gia đình thứ nhất luôn ao ước có hai cô gái dễ thương như gia đình thứ hai. Còn người vợ trẻ kia lại luôn ngưỡng mộ tình cảm son sắt của đôi vợ chồng già nọ. Trong mắt họ, gia đình của đối phương luôn tràn đầy tiếng cười và hạnh phúc.
Nhưng họ đâu biết, cặp vợ chồng già kia đã có biết bao trận cãi vã vì người vợ không thể sinh được con. Còn người chồng trong gia đình thứ hai lại sắp phá sản và không còn một xu dính túi.
Cuộc sống có lúc vui thì ắt có lúc buồn. Khi ngưỡng mộ người khác, bạn sẽ chỉ nhìn thấy hào quang lấp lánh, chứ không hề biết đến bóng tối phía sau lưng. Vậy nên, bạn chỉ cần nỗ lực hết mình và sống một cách trọn vẹn trong hiện tại, đừng đứng núi này trông núi nọ.
Sống để cho người khác xem, bạn sẽ tự biến mình là con rối. Ngày qua ngày, con rối này chỉ biết múa may theo sự giật dây của người khác. Bạn sẽ cảm thấy thật mệt mỏi khi cứ chăm chăm nhìn xem người khác sống thế nào. Bạn sẽ không biết cuộc sống này là của riêng ta và không hề liên quan đến người khác.
Trưởng thành là khi ta thôi không còn muốn tranh giành những hư vinh hào nhoáng. Chúng ta không còn ngưỡng mộ người khác một cách mù quáng. Con tim chỉ lặng yên mà ngắm nhìn cuộc sống. Bản thân sẽ tập trung làm tốt công việc của mình. Chỉ có như vậy, bạn mới không phí hoài cuộc đời này.
Chuyện nhỏ đúng hay sai, cũng đừng tranh cãi làm gì?
Một đồng nghiệp của tôi có năng lực làm việc tốt nên được sếp vô cùng ưu ái. Nhưng anh ta lại có một thói xấu là hay thích bớt lông tìm vết. Một lỗi chính tả trên PPT cũng có thể là lý do để anh ta phê bình chỉ trích người khác. Anh cũng sẵn sàng đỏ mặt tía tai để tranh luận với những người bất đồng ý kiến với mình. Cho dù là chuyện bé hay chuyện lớn, anh ta đều luôn muốn mình là người chiến thắng.
Lâu dần, mọi người đều xa lánh và cô lập anh ấy. Các dự án mà anh ấy phụ trách đều thất bại do thiếu đi sự hợp tác và giúp đỡ từ phía đồng nghiệp. Cuối cùng, anh ấy đã phải từ chức và chuyển đi nơi khác.
Khi tranh luận với người khác, chúng ta thường dễ bị kích động. Nếu không biết kiếm chế, bạn rất dễ gây ra tổn thương cho người khác và cả chính mình. Do đó, đừng vì nói cho sướng mồm rồi lại rước họa vào thân.
Bạn chỉ trích người khác chỉ vì một sai sót nhỏ của họ, và rồi bạn với họ cãi nhau. Điều này liệu có đáng hay không? Thay vào đó, bạn hãy cho họ một cơ hội sửa đổi. Như vậy, bạn vừa giữ được hòa khí mà lại tạo được mối quan hệ tốt.
Lúc trẻ, nhà thơ Bạch Cư Dị chỉ cần gặp điều gì không vừa ý là liền viết ngay một bài thơ châm biếm đả kích. Ông viết nhiều đến mức người ta còn phải đặt tên riêng cho trường phái thơ đó.
Đến khi có tuổi, tính cách ông cũng không còn nông nổi như xưa. Những bài thơ ông viết phần nhiều là để cổ vũ bản thân thay vì để châm biếm sự đời như trước. Ông muốn chế ngự cái tính khí nông nổi của bản thân, đối diện với cuộc đời bằng sự ung dung, thanh thản.
Trưởng thành là một ánh sáng rực rỡ mà không lóa mắt, là một thanh âm vang dội mà không chói tai. Tuổi trung niên còn ham gì những cuộc đấu khẩu, lấy thời gian đó mà tận hưởng cuộc sống có phải hơn không?
Từ nay về sau, làm chủ bản thân, an yên tự tại!
Cuộc đời vẫn luôn gắn cho ta những ràng buộc không thể gỡ bỏ. Để bản thân không còn mệt mỏi vì ham muốn và danh lợi, e là khó như lên trời.
Ngày thường, ta phải đối mặt với vô vàn những cám dỗ chốn nhân gian. Ta vì thế mà động tâm tranh giành rồi tự chuốc lấy biết bao phiền não. Cuộc đời là những chuyến đi. Trên đường, trời lúc nắng lúc mưa. Khi thì thuận buồm xuôi gió, lúc lại khúc khuỷu gập ghềnh. Ta muốn được ung dung tự tại, thì cần phải học cách làm chủ cái tâm của mình.
Chúng ta luôn khao khát được đặt chân đến mọi vùng đất để chiêm ngưỡng cảnh sắc muôn nơi. Nhưng quên mất cảnh tượng đẹp đẽ nhất chính sự bình yên trong trái tim mình. Chúng ta luôn đi tìm kiếm sự công nhận của thế giới bên ngoài. Nhưng nào biết thế giới của bản thân vốn chẳng có bất cứ liên hệ nào với người khác.
Một đời phải sống như thế nào đều do bản thân mình quyết định. Hư danh và sĩ diện cũng chỉ như bóng trăng trong nước. Thứ duy nhất có thật chính là cuộc sống này.
Sau này, hãy dành nhiều thời gian để nâng tầm bản thân và yêu thương những người bên cạnh. Giữa một đời phiền muộn, mong bạn giữ cho mình một trái tim bình yên và vui vẻ. Chúc cho bạn sẽ tỏa sáng trên hành trình đi đến ước mơ.