Phó đô đốc Aan Kurnia, người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia Bakamla, cáo buộc tàu Trung Quốc xâm nhập EEZ Indonesia hồi cuối tuần qua.
Theo Bakamla, tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu CCG 5204 bị phát hiện lúc 10h sáng ngày 12/9 (giờ địa phương) ở ngoài khơi phía Bắc quần đảo Natuna. Sau khi bị tàu Indonesia theo đuổi, tàu Trung Quốc rời đi vào 12h ngày 14/9.
Ông Aan cho biết, theo luật pháp quốc tế, tàu thuyền được phép lưu thông vô hại qua EEZ của nước khác, song chiếc tàu Trung Quốc đã "lờn vờn" quá lâu.
"Do chiếc tàu này trôi nổi, sau đó lại di chuyển vòng quanh, nên chúng tôi đã nghi ngờ và khi tiếp cận thì nhận thấy đây là một tàu hải cảnh Trung Quốc," ông nói, tuyên bố hải quân và cảnh sát biển Indonesia sẽ gia tăng hoạt động trong khu vực để gìn giữ an ninh.
Sự xâm nhập của tàu Trung Quốc vào EEZ của các nước láng giềng khu vực như Malaysia, Philippines, Việt Nam thời gian qua đã bị lên án là động thái khiêu khích, làm xói mòn lòng tin, và gây gián đoạn hoạt động đánh bắt, khai thác năng lượng của các nước.
Giữa Indonesia và Trung Quốc từng xảy ra vụ giằng co căng thẳng kéo dài một tuần vào cuối tháng 12/2019, đầu tháng 1/2020, khi một tàu hải cảnh cùng đội tàu cá Trung Quốc tiến vào vùng biển Bắc Natuna, khiến Indonesia phải điều chiến đấu cơ và huy động đội tàu cá của mình.
Reuters cho hay, hải cảnh Trung Quốc sở hữu các tàu hộ vệ của hải quân được hoán cải và thường hoạt động bên cạnh hạm đội tàu cá - lực lượng mà các nhà quan sát mô tả là "dân binh trên biển" được giới chức Trung Quốc chống lưng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho biết nước này đã liên hệ đại diện Trung Quốc tại Jakarta để yêu cầu làm rõ diễn biến mới đây.
Ông Faizasyah nói EEZ của Indonesia "không chồng lấn với vùng biển của Trung Quốc", đồng thời nhấn mạnh chính phủ Indonesia "không công nhận Đường chín đoạn của Trung Quốc bởi nó đi ngược với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982".
Đáp lại, Trung Quốc ngày hôm nay (15/9) tuyên bố các tàu của họ tuần tra một cách bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho hay song phương đã trao đổi với nhau về vụ việc.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus