Ford từng tiến hành nghiên cứu chỉ ra rằng: Những người đeo tai nghe khi lái xe trung bình chậm hơn 4,2 giây để xác định các dấu hiệu trên đường (ví dụ xe cấp cứu đến từ phía sau) so với những người không đeo - Ảnh: CNET
Đeo tai nghe khi lái xe
Lý do: Tài xế thường chọn đeo tai nghe khi loa ôtô hay radio bị hỏng. Nhưng nghe nhạc bằng tai nghe khiến tài xế như bị "cách ly" với thế giới bên ngoài, khó nghe thấy tiếng bấm còi hay cảm nhận được có chiếc xe nào đó chuẩn bị vượt lên trên.
Giải pháp: Mua loa di động.
Lái xe khi say rượu, sử dụng chất kích thích
Biển báo "Không uống rượu khi lái xe" được đặt trước một ôtô vỡ tan tành sau một vụ tai nạn để cảnh báo các tài xế - Ảnh: Wiki
Lý do: Tác hại của việc lái xe trong khi say rượu đã được chứng minh từ lâu. Nhưng sử dụng cần sa, đã được hợp pháp hóa ở nhiều nơi, khi lái xe cũng nguy hiểm tương tự, theo AAA.
Giải pháp: Không uống rượu/sử dụng cần sa nếu lái xe. Đã uống rượu/sử dụng cần sa thì không lái xe.
Lái xe khi mệt mỏi
Theo trang Seton, 1/6 các vụ va chạm dẫn đến thương vong có liên quan đến sự mệt mỏi - Ảnh: Insure The Box
Lý do: Theo thống kê của AAA, 9,5% tai nạn giao thông xảy ra do người lái xe buồn ngủ. Lái xe khi ngủ không đủ giấc cũng bị đánh giá là nguy hiểm tương tự như khi say rượu.
Giải pháp: Ngủ đủ giấc thay vì uống nước tăng lực hay cà phê. Khi có dấu hiệu buồn ngủ lúc đang lái xe, tìm chỗ dừng lại và chợp mắt 20 phút.
Không thắt dây an toàn
Mike Bristow, phát ngôn viên của Brake - tổ chức phi chính phủ về an toàn giao thông đường bộ, cho biết: "Sử dụng dây đai an toàn giúp giảm 50% khả năng tử vong khi xảy ra tai nạn" - Ảnh: Nottingham Post
Lý do: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi xảy ra tai nạn giao thông, người ngồi ghế trước sẽ giảm 20-50% nguy cơ thương vong nếu thắt dây an toàn, với người ngồi hàng ghế sau, tỉ lệ tương ứng là 25-75%.
Không thắt dây an toàn trong xe hiện đại càng nguy hiểm. Khi có va chạm, con người có xu hướng đổ về phía trước, trong khi túi khí được triển khai theo chiều ngược lại, từ đó có thể khiến người ngồi trong bị thương nặng hơn.
Giải pháp: Luôn thắt dây an toàn.
Phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống hỗ trợ lái xe
Theo IIHS, hệ thống hỗ trợ lái xe thường hữu ích, nhưng đôi khi cũng gây ra sự cố - Ảnh: CNET
Lý do: Hệ thống hỗ trợ lái xe không thể thay thế hoàn toàn con người. Những chiếc xe mang danh tự lái về bản chất vẫn cần con người luôn chú ý kiểm soát với hai tay đặt trên vô lăng và hai mắt nhìn vào đường đi.
Giải pháp: Lái xe như thể không có hệ thống hỗ trợ.
Lái xe bằng đầu gối
Nhiều người dùng đầu gối lái xe, vì những lý do khác nhau, nhưng việc làm đó tưởng dễ dàng mà có thể gây ra hậu quả không ngờ - Ảnh: Autocar
Lý do: Nhiều tài xế mỏi tay quyết định dùng đầu gối điều khiển vô lăng, thường xảy ra khi đi trên đường thẳng. Nhưng làm vậy sẽ khó lòng kiểm soát kịp thời nếu có tình huống bất ngờ xảy ra, một chiếc xe khác xuất hiện, một con vật băng qua đường, một ổ gà đáng quan ngại…
Giải pháp: Không sử dụng đầu gối điều khiển vô lăng. Nếu mỏi tay, tốt nhất là dành thời gian nghỉ ngơi thay vì tiếp tục hành trình.
Đặt chân lên bảng điều khiển
Hầu hết các túi khí bung ra ở tốc độ khoảng 322 km/h. Đặt chân lên bảng điều khiển có thể thoải mái, nhưng điều đó sẽ cản trở túi khí bảo vệ an toàn, thậm chí ngược lại gây ra nguy hiểm. Vấn đề không chỉ nằm ở lực tác động mà còn cả sức nóng từ túi khí - Ảnh: Auto Trader
Lý do: Nhiều người cho rằng khi ngồi ở ghế phụ, đặt chân lên bảng điều khiển không có vấn đề gì. Song thực tế, làm như vậy rất nguy hiểm trong trường hợp túi khí bung ra khi có va chạm.
Giải pháp: Rất đơn giản, ngồi đúng tư thế khi ở trên xe.
Sử dụng điện thoại, chỉnh hệ thống thông tin giải trí khi đang di chuyển
Điện thoại, máy tính bảng, màn hình thông tin giải trí đều là những thứ có thể gây sao nhãng - Ảnh: Brake
Lý do: Sử dụng điện thoại sẽ khiến tài xế khó tập trung. Hệ thống thông tin giải trí thậm chí còn gây mất tập trung hơn, đặc biệt với xe đời mới, khi hệ thống này có danh sách dài các tính năng.
Giải pháp: Nếu không thể tìm thấy ngay thứ mình cần, tấp vào lề thay vì dán mắt vào màn hình. Tương tự, dừng xe đỗ vào lề đường rồi mới gửi tin nhắn, trả lời email hay nghe điện thoại.
Đi sát xe phía trước
Theo The Conversation, bị chiếc xe phía sau bám quá sát là một trong những tình huống lái xe căng thẳng nhất
Lý do: Càng lái gần xe phía trước, càng khó phanh kịp nếu xe đó dừng lại/giảm tốc đột ngột.
Giải pháp: Tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn. Ở Việt Nam, khi vận tốc ôtô 60 km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m. Khoảng cách này càng tăng khi tốc độ càng cao.
Bỏ qua thông tin triệu hồi, không bảo dưỡng xe đúng cách
Ngay cả một triệu hồi với lỗi tưởng chừng như vô hại, chẳng hạn như cập nhật phần mềm, có thể là một tai họa nếu bỏ qua và sẽ làm tăng khả năng gặp phải tình trạng rối loạn chức năng trên đường, dẫn đến tai nạn - Ảnh: Steinberg Injury Lawyers
Lý do: Lái những chiếc xe có nguy cơ bị lỗi luôn có rủi ro. Triệu hồi là miễn phí, nên không có lý do hợp lý để bỏ qua. Ngoài ra, không bảo dưỡng xe thường xuyên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu không sửa chữa rò rỉ chất làm mát, động cơ có thể quá nóng. Không sửa phanh sẽ rất nguy hiểm khi có thể đâm vào xe khác mà không thể dừng lại.
Giải pháp: Các nhà sản xuất ôtô gửi thông báo triệu hồi qua email, tin nhắn, mạng xã hội hay báo chí. Đến những địa chỉ uy tín để bảo dưỡng xe thường xuyên.
Thả rông thú cưng trong cabin
Thú cưng hóa ra có thể gây phiền hơn nhiều người tưởng - Ảnh: Autocar
Lý do: Lái xe với thú cưng gây phân tâm rất lớn. Theo Hiệp hội Ôtô Mỹ, 52% tài xế cho biết họ thường cưng nựng cún cưng khi lái xe, 23% dùng tay giữ thú cưng khi phanh và 19% phải tìm cách để chúng bớt nhảy nhót lung tung.
Ngoài ra, có một vấn đề là, theo Autocar, một chú chó 4,5kg có thể trở thành một viên đạn 136kg trong một vụ tai nạn ở tốc độ 50 km/h.
Giải pháp: Sử dụng dây an toàn cho thú cưng hoặc đặt trong túi/lồng chuyên dụng.
Vừa ăn vừa lái xe
Nghiên cứu của NHTSA chỉ ra rằng hơn 70% tài xế ăn khi ngồi sau tay lái - Ảnh: The Standard
Lý do: Theo Cục An toàn giao thông đường bộ quốc gia Mỹ, vừa ăn vừa lái xe làm tăng 80% nguy cơ xảy ra tai nạn.
Giải pháp: Tìm một nơi nào đó an toàn để dừng lại khi muốn ăn.
Lái xe trong thời tiết khắc nghiệt
Ngoại cảnh cũng tác động không nhỏ đến việc lái xe an toàn - Ảnh: Forbes
Lý do: Lái xe trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt dễ gặp bất trắc do khó quan sát hơn, xe bị trơn trượt hơn hoặc bản thân tài xế dễ mệt mỏi hơn.
Giải pháp: Tránh lái xe khi thời tiết trở nên quá xấu. Nếu không thể tránh thì có một vài lưu ý an toàn:
- Nếu trời quá nắng: Đeo kính râm, chăm sóc lốp, đỗ xe trong bóng râm khi có thể.
- Nếu trời mưa dông, sấm sét: Chú ý phanh, lốp, đèn, mức dầu và xăng, đi chậm, quan sát cẩn thận, không chạm vào các bề mặt tĩnh điện, chọn con đường khác nếu đường bị ngập sâu.
Lái xe quá nhanh hoặc quá chậm
Lái xe quá nhanh là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn chết người phổ biến nhất - Ảnh: Pinterest
Lý do: Theo Hiệp hội Ôtô Mỹ, tốc độ là yếu tố gây ra 33% các vụ tai nạn chết người. Lái xe quá chậm cũng nguy hiểm như quá nhanh. Vì thế mới có các biển báo tốc độ tối thiểu trên một con đường nhất định.
Giải pháp: Đơn giản là đi ở mức quy định. Với những người chỉ có thể lái chậm, nên giới hạn lái xe trong thành phố thay vì trên những con đường tốc độ cao.
Đi tối không bật đèn
Trong hầu hết tình huống, lái xe vào ban đêm mà không có đèn pha là vi phạm pháp luật - Ảnh: Medium
Lý do: Theo Autocar, số lượng người lái xe không bật đèn đã tăng lên đáng kể kể từ khi các nhà sản xuất ôtô bắt đầu đưa đèn LED ban ngày trở thành tiêu chuẩn. Chúng nằm ở phía trước và khá sáng, nhưng không thay thế được đèn pha. Và khi đặt niềm tin vào chúng, tài xế cũng thường quên luôn cả đèn phía sau.
Giải pháp: Tìm biểu tượng ánh sáng trong cụm đồng hồ khi có nghi ngờ. Nếu không sáng thì đèn cũng vậy.
Những hành vi bất ngờ
Phanh gấp có thể gây tai họa cho chính mình và người khác - Ảnh: Florinroebig
Lý do: Phanh gấp, rẽ đột ngột, bấm còi liên tục, bấm còi quá to, chửi bới… sẽ khiến người khác khó chịu hoặc không có đủ thời gian phản ứng kịp thời.
Giải pháp: Nếu muốn người khác không làm vậy với mình thì cũng đừng làm vậy với người khác.