Trong khi các công ty khác mới chỉ theo đuổi việc tạo ra thiết bị bay cá nhân bằng cánh quạt, nhà sản xuất ô tô AeroHT – công ty con của hãng xe điện Trung Quốc XPeng – đã tận dụng hệ thống này để tạo nên chiếc ô tô bay có khả năng cất cánh thẳng đứng. Và họ hoàn toàn nghiêm túc với ý tưởng này khi tạo ra một nguyên mẫu ô tô bay chạy điện nặng đến 2 tấn nhưng vẫn có thể cất cánh thẳng đứng từ mặt đất.
Trên thực tế, nguyên mẫu mới này là một bản nâng cấp cho thiết kế từng được công ty giới thiệu vào năm ngoái. Nguyên mẫu ban đầu của chiếc ô tô bay AeroHT này sử dụng hệ thống cất cánh thẳng đứng VTOL phức tạp hơn nhiều với 2 cánh quạt có đường kính lớn và có thể gập lại dưới thân sau của chiếc xe.
Còn với phiên bản mới, chiếc ô tô bay chạy điện này giống với một chiếc drone khổng lồ hơn với 8 cánh quạt lớn được gắn trên 4 cánh tay đòn của chiếc xe. Dù trông nó cồng kềnh hơn, nhưng rõ ràng thiết kế này sẽ an toàn hơn cũng như tăng thêm lực nâng cho chiếc xe. Theo như đoạn phim quảng cáo cho nguyên mẫu xe này, các cánh tay đòn và cánh quạt cũng có thể được gấp gọn lại trên nóc chiếc xe – dù hiện tại, nguyên mẫu xe bay trên chưa có khả năng này.
Tuy nhiên, mục đích cuối cùng cho giấc mơ của AeroHT vẫn vậy: một chiếc ô tô bay mà bạn có thể lái trên đường cao tốc và cất cánh thẳng đứng để vượt qua những nơi bị tắc đường. Ngoài ra, nhà sản xuất ô tô này cũng nghiên cứu một nguyên mẫu taxi bay cất cánh thẳng đứng khác – vốn đã từng xuất hiện trước công chúng tại Dubai – nhưng thiết kế này lại không có khả năng di chuyển trên đường bộ như nguyên mẫu xe bay ở trên.
Trong đoạn video trình diễn của mình, nhóm phát triển có thể lái AeroHT X3 ra khỏi nhà để xe và sau đó cất cánh thẳng đứng, lơ lửng trên không và bay qua lại một chút trước khi hạ cánh một cách nhẹ nhàng xuống đất. Ngoài ra AeroHT cũng cho biết họ đã thực hiện nhiều bài kiểm tra về khả năng lỗi của các cánh quạt trên xe.
Nhiều thách thức đang chờ phía trước
Có thể nói nguyên mẫu ô tô bay trên của AeroHT là một trong các thiết kế táo báo nhất từ trước đến nay đối với ý tưởng này. Tuy nhiên, thật đáng tiếc công ty vẫn chưa cung cấp nhiều thông tin chi tiết về nguyên mẫu xe của họ, như thời gian và khoảng cách hoạt động, cũng như công suất động cơ.
Trong tuyên bố của mình, XPeng chỉ cho biết chiếc xe " có thể so sánh với bất kỳ chiếc xe truyền thống nào về khả năng hoạt động và các thông số đo lường " về sức mạnh cũng như tốc độ. Ngoài ra trong chế độ bay, phi công/lái xe có thể điều khiển phương tiện này bằng bánh lái và cần số.
Khối lượng chính là kẻ thù của những phương tiện bay. Trong khi đó, bản thân những chiếc xe điện đã khá nặng do phải gánh thêm trọng lượng của các khối pin Lithium. Không những thế, việc cất cánh theo phương thẳng đứng bằng cánh quạt càng làm chiếc ô tô bay này tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để bay lên so với loại dùng cánh cố định. Điều này càng làm hạn chế về tầm hoạt động và thời gian bay của những chiếc ô tô bay thiết kế theo hướng này.
Bản thân nguyên mẫu taxi bay AeroHT đã nặng đến 560kg – chưa tính hành khách bên trong – và nó cũng hoạt động được 35 phút là hết pin. Trong khi đó, nguyên mẫu ô tô bay chạy điện của AeroHT nặng đến 1.936 kg – gấp 4 lần nguyên mẫu taxi bay – bao gồm cả tài xế/lái xe để điều khiển.
Clip trình diễn khả năng cất cánh thẳng đứng của AeroHT X3
Do vậy điều đáng ngạc nhiên ở đây không phải là nó bay được hay không – mà là việc tồn tại một nguyên mẫu ô tô bay có thiết kế như vậy – không phải hình ảnh render, mà là một chiếc xe bay thực sự bay được. Nó cho thấy cả AeroHT và XPeng thực sự nghiêm túc với ý tưởng này.
Vấn đề cuối cùng mà AeroHT sẽ phải đối mặt – cũng như nhiều công ty chế tạo ô tô bay dạng thẳng đứng khác – đó là được chấp nhận hoạt động trên đường phố ngoài đời thực. Cho dù nguyên mẫu hiện tại vẫn còn nhiều điều phải khắc phục, nhưng ngay cả khi nó được hoàn thiện, vẫn chưa có gì đảm bảo một ô tô bay với thiết kế như trên sẽ được hoạt động trên các con đường giao thông đông đúc trong thành phố.
Tham khảo NewAtlas, Vice