Hãng tin Reuters dẫn lời giới chức Iran cho biết, sau khi được dỡ lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân cách đây 2 năm, Iran thu hút được lượng vốn Trung Quốc lớn chưa từng có chảy vào các dự án từ đường sắt cho tới bệnh viện.
Mới đây, công ty đầu tư quốc doanh Citic Group của Trung Quốc đã mở một hạn ngạch tín dụng 10 tỷ USD cho Iran, trong khi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) đang cân nhắc cho Iran vay thêm 10 tỷ USD nữa.
"Các công ty phương Tây nên đến Iran thật nhanh, nếu không Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh thị trường", ông Ferial Mostofi, một quan chức của Hội đồng Thương mại Iran, phát biểu tại một hội nghị đầu tư Iran-Italy diễn ra ở Rome.
Việc Trung Quốc ồ ạt rót vốn vào Iran trái ngược với sự vắng bóng của các nhà đầu tư phương Tây. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận 2015 giữa các cường quốc về chương trình hạt nhân của Tehran, càng khiến các công ty và ngân hàng phương Tây dè chừng với Iran vì lo ngại Tehran sẽ bị trừng phạt trở lại.
Giới chức Iran nói rằng các thỏa thuận được ký kết là một phần trong sáng kiến con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Đây là chiến lược của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xây dựng một tuyến thương mại xuyên suốt từ châu Á, qua Trung Đông và châu Phi, tới châu Âu dựa trên kết nối hạ tầng giữa các quốc gia.
Với dân số 80 triệu người và tầng lớp trung lưu phát triển, Iran có tiềm năng trở thành một cường quốc kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, với nguy cơ tái trừng phạt lơ lửng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn Tehran cung cấp sự đảm bảo quốc gia cho họ trong trường hợp dự án bị dừng.
Hiện đã có một vài công ty và ngân hàng châu Âu tăng cường quan hệ với Iran. Công ty đường sắt quốc doanh Ferrovie dello Stato của Italy đã trúng thầu xây một tuyến đường sắt trị giá 1,4 tỷ USD ở Iran. Ngân hàng Oberbank của Áo đã ký một thỏa thuận tài chính với Iran hồi tháng 9.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng chứng tỏ sẵn sàng đầu tư vào Iran. Hồi tháng 8, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc đã ký một hạn ngạch tín dụng 9,5 tỷ USD cho các dự án ở Iran.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất ở Iran vào thời điểm này.
Ông Valerio de Molli, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu European House Ambrosetti, nhấn mạnh rằng tỷ trọng mà Trung Quốc nắm giữ trong kim ngạch thương mại của Iran hiện cao gấp đôi so với tỷ trọng của Liên minh châu Âu (EU).
"Giờ là lúc [các doanh nghiệp châu Âu] phải hành động, nếu không những cơ hội mà họ đã nuôi dưỡng sẽ vuột mất", ông Molli cảnh báo.