Người Việt Nam ai cũng biết câu chuyện Lý Thông. Lý Thông lừa Thạch Sanh hết lần này tới lần khác.
Và nếu con chằn tinh khỏe hơn Sanh, anh sẽ bị nuốt chửng mà không biết kêu ai. Nếu công chúa không đột nhiên bị cấm khẩu, anh sẽ vĩnh viễn mất vợ vào tay người anh em đểu - Lý Thông.
Nhưng nhờ thần tiên giúp sức, nhờ niêu cơm ăn mãi không vơi, Thạch Sanh lấy lại được hết những gì đã mất. Thậm chí cuối đời anh còn kiếm được ngôi báu vạn người mê.
Kẻ tham lam, đểu cáng, lừa lọc, bất nhân là Lý Thông tất nhiên phải trả giá. Hắn ta bị biến thành con bọ hung, suốt đời chui rúc ở những nơi xú uế, bẩn thỉu.
Nhưng Lý Thông phải trả giá cũng chưa là gì so với mẹ con nhà Cám. Hai người đàn bà này hại cho cô Tấm điêu đứng, chết đi sống lại mấy lần.
Những người đã chết đi rồi sống lại như Tấm có lẽ nuôi chí căm thù gấp mấy lần người thường. Chính vì vậy, để bắt mẹ con nhà Cám trả giả, cô đã ủ mưu sâu rồi "luộc" Cám theo đúng nghĩa đen.
Nếu tiếp tục kể, chúng ta sẽ thấy rất nhiều kẻ ác phải trả giá. Bá Kiến lừa đảo, hãm hại Chí Phèo, Bá Kiến bị chính Phèo hại chết.
Hai con dê không chịu nhường nhịn nhau khi qua cầu, ruốt cuộc chúng phải trả giá cho sự hiếu thắng của mình. Cả hai rơi xuống sông chết tốt.
Thế đấy, tôi thường hay đọc những câu chuyện về sự trả giá để tự răn mình. Có thể nói, suốt đời tôi rất hiếm khi dám làm điều gì hơi xâu xấu vì sợ sẽ phải trả giá bất cứ khi nào.
Con gái tôi mới hơn 5 tuổi nhưng rất thích câu chuyện bố kể. Nó cũng nhớ rất lâu.
Và hôm qua, nó khiến tôi cứng lưỡi, khiến vợ chồng tôi đứng hình, ngơ ngác nhìn nhau. Những câu hỏi của trẻ con đôi khi khiến chúng ta vỡ ra nhiều điều và buộc phải nhìn nhận lại bản thân mình.
Hôm qua, khi đưa cả nhà về quê, tôi đi qua trạm thu giá đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng lúc dừng xe, lấy tiền trả cho cô nhân viên rất xinh, con gái tôi có hỏi, bố ơi, sao bố phải trả nhiều tiền như vậy? Tôi trả lời, bố đang phải trả giá cho người ta con ạ.
Tôi vừa nói xong thì bỗng thấy mặt con gái xịu xuống, nó kết luận xanh rờn, bố là người xấu, bố là người xấu, con không yêu bố nữa. Tôi hốt hoảng, vợ tôi bàng hoàng, sao, sao con lại nói bố như vậy, bố có làm gì sai đâu?
Con gái tôi phân tích rành rọt, chắc chắn bố là người xấu, bố phải làm những việc xấu thì bây giờ mới phải trả giá, bố đang trả giá rất đắt đấy thôi.
Nghe con nói xong, tôi thở phào rồi cố giải thích với con, bố phải trả giá nhưng không phải trả giá như con nghĩ, thực sự thì bố đang trả giá nhưng vẫn là người tốt.
Thấy tôi cứ nói mãi chưa đếm tiền xong, cô nhân viên trong trạm khẽ gắt lên, ở đây chỉ được dừng 5 phút, nếu quá 5 phút mà chưa trả giả xong thì anh sẽ phải trả giá.
Tôi toát mồ hôi, con bé con nghe vậy càng có thêm cơ sở khẳng định, bố là người xấu và đang phải trả giá. Cô xinh xinh kia nói rất nghiêm túc, chắc cô ấy không đùa.
Sau khi trả giá và qua trạm, vợ tôi dỗ dành, bố trả giá này không phải trả giá như chú Lý Thông, như cô Cám… đâu con, bố phải trả giá vì đơn giản là trả giá, à tức là trả giá mà không phải trả giá con ơi.
Cứ thế, vợ chồng tôi vận dụng hết khả năng, thậm chí nhờ ông bà khuyên nhủ con gái để nó hiểu ra, trả giá không phải là trả giá mà cũng chính là trả giá.
Sau cùng, con tôi vẫn không chịu hiểu, tôi đành chỉ ra đường và nói, con thấy không, mọi người đi oto đều đang phải dừng lại trả giá, không thể có chuyện tất cả mọi người đều là kẻ xấu nên bây giờ phải trả giá đâu con.
Con gái tôi vẫn không tin, nó vùng vằng rồi kết luận, con không biết, nếu đã phải trả giá thì đều là kẻ xấu.
Bộ Giao thông Vận tải, sao phút chốc lại có sự thay đổi rất dị thường thế này. Tiếng Việt đâu có thiếu từ, thiếu chữ. Thậm chí, các ông cứ đề các trạm này là trạm thu tiền cũng được chứ sao.
Giờ đây, các ông đang bắt tất cả phải trả giá. Tôi không phải xấu tính như Lý Thông, không độc ác như cô Cám, ấy thế mà lại ngày nào cũng đành nghiến răng trả giá.
Thật đúng là bi hài kịch thưa các ông thích dùng uyển ngữ lập lờ và tối nghĩa.