Trái đất nóng lên, băng ở 2 cực và các dòng sông băng trên thế giới đang tan chảy ngày một nhiều.
Các thống kê cho thấy hàng tỉ tấn băng mất đi chỉ trong vài ngày của mùa hè, và với tốc độ tan chảy như vậy thì chẳng sớm thì muộn, hàng triệu người sẽ mất đi nơi ăn chốn ở, phải đi di tản. Viễn cảnh ấy được dự đoán sẽ xảy ra trong vòng 80 năm tới.
Để giải quyết được câu chuyện này, chẳng còn cách nào khác ngoài việc làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, đồng thời làm sao để bảo vệ được lớp băng ở 2 cực khỏi bị tan chảy tiếp. Và mới đây, khoa học có vẻ đã tìm ra giải pháp cho vế thứ 2 rồi.
Cụ thể, công ty có tên Ice911 đã phát triển thành công một loại hạt siêu nhỏ màu trắng, mà theo lời các chuyên gia thì chỉ cần rắc nó lên băng tuyết là sẽ làm chậm được quá trình tan chảy của chúng, nhờ vào việc cải thiện khả năng phản xạ lại ánh Mặt trời.
Được biết, loại bột trắng này có cấu tạo giống như kính và thủy tinh.
Nhưng điều quan trọng là thành phần của nó được làm từ silica - thành phần cơ bản có trong đất đá, nên việc rắc ra môi trường là hoàn toàn không gây độc hại.
Khi trộn vào các lớp băng mỏng, nó sẽ làm tăng khả năng chống chịu của băng tuyết trước nhiệt lượng ngày càng tăng từ môi trường bên ngoài.
"Tôi đã phải tự hỏi một câu rất đơn giản: liệu có vật liệu nào đủ an toàn để giúp băng tuyết tăng khả năng phản xạ?" - trích lời Leslie Field, người sáng lập ra Ice911.
Theo Leslie, công ty đã thử nghiệm phương pháp mới tại Alaska, và kết quả cho thấy những hiệu ứng đáng kinh ngạc. Báo cáo chỉ ra rằng ở những khu vực được áp dụng, khả năng phản xạ của băng tuyết tăng tới 15% - 20%.
Con số này nghe có vẻ nhỏ, nhưng ở các vùng cực thì nó đồng nghĩa với mức giảm lên tới 1,5 độ C nhiệt độ không khí, 3 độ C nhiệt độ nước biển, và cải thiện độ dày của băng lên tới nửa mét.
Chưa phải lúc để mừng
Đối với trận chiến chống lại biến đổi khí hậu, giải pháp Ice911 suýt chút nữa đã trở nên quá muộn.
Chỉ riêng trong hè năm 2019, 90% bề mặt băng bị tan chảy tại Greenland chỉ diễn ra trong vài ngày từ 30/7 - 2/8. Con số tương đương với 55 tỉ tấn băng thoát khỏi hòn đảo, chuyển thẳng vào đại dương.
Nghĩa là chỉ 5 ngày thôi, Greenland đã mất 55 tỉ tấn băng.
Băng giá tại Greenland mất đi là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy quá trình biến đổi khí hậu thực sự đang bị đẩy nhanh vì hành động của con người, mà cụ thể là việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.
Với giải pháp của Ice911, chúng ta có thể tạm thời làm chậm lại quá trình tan băng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rào cản khác khiến việc áp dụng nó trên quy mô lớn trở nên khó khăn.
Đầu tiên, mấu chốt của giải pháp này là phủ lên băng tuyết một lớp hạt tương tự như thủy tinh, mà điều này thì không nhiều người tỏ ra đồng tình. Làm sao có thể tin một lớp hạt thủy tinh lại gây ít tổn hại cho môi trường?
Thứ 2, dù chi phí của Ice911 có vẻ rẻ hơn so với các giải pháp khác, nhưng việc triển khai nó cũng ngốn ít nhất là 5 tỉ USD.
Và cuối cùng, các giải pháp như Ice911 dù có hiệu quả, nhưng có thể khiến nhân loại xao nhãng đi nguyên nhân thật sự gây ra biến đổi khí hậu, đó là khí thải từ con người.
"Chúng tôi không hề muốn Ice911 thay thế cho việc cắt giảm khí thải và tạo ra nguồn năng lượng bền vững trên Trái đất," - Field cho biết.
"Đây chỉ là một phần của một bức tranh to lớn hơn. Dù vậy, đây vẫn là giải pháp an toàn nhất cho đến thời điểm hiện tại."