Nhận 112 tàu mới, Hải quân Iran lớn "quá nhanh, quá nguy hiểm"
Thiếu tướng General Hussein, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm nay vừa ra tuyên bố cho biết lực lượng Hải quân của họ vừa tiếp nhận 112 tàu chiến đấu mới tại cảng Bandar Abbas, đây là một bước đột phá chưa từng có đối với quốc gia này.
Ông tuyên bố trong một buổi lễ bàn giao 112 tàu chiến đấu tốc độ cao có khả năng bắn tên lửa Zulfiqa: "Những tàu chiến đấu này sẽ tăng cường sức mạnh phòng thủ của hải quân Iran tại vùng Vịnh".
Ông lý giải việc tăng cường tiềm lực quân sự này là nằm trong lộ trình và được thúc đẩy bởi IRGC và nhấn mạnh rằng:
" Phòng thủ là luận lý học của chúng tôi trong chiến tranh nhưng không thụ động trước kẻ thù... Iran đã sẵn sàng bẻ gãy ý đồ của bất cứ kẻ thù nào bằng việc tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự và hành động cứng rắn... Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu tới cùng với kẻ thù, và kẻ thù không còn con đường nào khác là phải lùi bức trước Iran".
Ông cũng cho biết Hải quân Iran sẽ tăng cường hiện diện trên những vùng biển xa, vượt ra khỏi biên giới của Iran và sẽ đáp trả bất kỳ sai lầm nào của Mỹ tại vùng Vịnh.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang hết sức nóng bỏng tại vùng Vịnh khi cả 2 nước đều phát đi những cảnh báo cứng rắn tại vùng Vịnh Péc-Xích.
Tàu chiến Mỹ đã được nếm mùi khi đối đầu với 11 tàu tấn công cao tốc của Iran.
Trong chúng ta chắc nhiều người đã từng đọc qua truyện ngụ ngôn "Kiến và voi", trong đó có chi tiết Voi cậy mạnh và rất kiêu ngạo, không coi ai ra gì. Gặp một đàn Kiến vàng bò qua đường. Cho rằng đàn Kiến bé nhỏ láo xược, Voi quát:
- Đàn Kiến ranh con kia! chúng bay không biết tao là ai hay sao mà chúng bay dám bò ngang qua đường tao đi? Tao chỉ khẽ dẫm lên lên một cái là chúng mày chết cả nút.
Trái với Voi nghĩ, đàn Kiến bé nhỏ đã cứng cỏi đáp lại:
– Này bác Voi, chúng tôi là những người biết mình biết người. Chúng tôi không bao giờ kiêu ngạo với ai cả. Nhưng nếu bác cậy sức muốn đánh nhau với chúng tôi thì chúng tôi cũng không sợ. Chúng tôi cũng không chịu lùi bước trước một sức mạnh nào đâu.
Voi nổi giận điên người, định dẫm đàn Kiến chết tan xác. Đàn Kiến nhỏ bé đã nhanh nhẹn tản ra, bám ngay lấy chân Voi mà leo lên lưng Voi, xúm cả vào hai mắt Voi mà cắn, chui vào hai tai Voi mà đục thủng màng nhĩ. Voi đau buốt đến tận óc. Voi cố lấy vòi để thổi và quét đàn Kiến xuống đất nhưng không xuể, Voi ngã lăn ra, kêu khóc, giãy giụa ầm trời, xin tha.
112 tàu tấn công nhanh Hải quân Iran vừa nhận
Kịch bản "kiến đấu voi", sống sao nổi?
Hình ảnh đàn Kiến này khiến chúng ta liên tưởng tới kịch bản hàng trăm tàu tên lửa tấn công cao tốc tuy nhỏ bé nhưng hết sức đông đảo của Hải quân thuộc IRGC, một khi được thi đấu ở sân nhà là eo biển Hormuz cho dù Mỹ có tung nhiều tàu chiến và máy bay cũng khó mà đối phó nổi.
Thứ nhất, Iran có lợi thế sân nhà. Thế chủ động luôn nằm trong tay Iran, một khi phát sinh xung đột (với Hải quân Mỹ), IRGC có thể tùy chọn các phương án và thời điểm để bí mật, bất ngờ tấn công tàu chiến đối phương triển khai trong khu vực, nâng cao xác suất diệt mục tiêu.
Thứ hai, chiến thuật "bầy kiến" bu bám, tàu chiến Mỹ không thể đối phỏ xuể. Chúng ta đều biết, eo biển Hormuz nhỏ hẹp, sóng yên, ít giông bão nên rất thích hợp để các tàu, xuồng cỡ nhỏ phát huy tốc độ cao, đột kích bất ngờ. Iran đã lộ rõ ý đồ sử dụng chiến thuật số lượng áp đảo chất lượng, không khác gì "biển người".
Quả vậy, các tàu, xuồng tấn công cao tốc của Iran hầu hết là loại nhỏ, tốc độ nhanh nhưng được trang bị hỏa lực mạnh.
Một khi có biến, hàng trăm tàu loại này cùng lúc xuất phát từ khu trú đóng hay khu đợi cơ, ồ ạt xông thẳng vào tấn công, thì các tàu chiến Mỹ dù có pháo lớn, tên lửa hiện đại cũng chịu, không thể diệt xuể, bởi bắn tên lửa diệt hạm ư, khó đấy.
Tàu tấn công cao tốc Iran khai hỏa pháo phản lực 107mm.
Tàu bé như thế lại cơ động nhanh, lắt léo, tên lửa bắn rất khó trúng. Mà cứ cho là xác xuất trúng đích là 100% đi chăng nữa thì việc đổi 1 quả tên lửa trị giá hàng triệu USD lấy 1 chiếc tàu bé xíu, giá rẻ, không phải là lựa chọn khôn ngoan, giới chỉ huy Hải quân chắc chắn sẽ không làm như vậy.
Còn pháo cao tốc có điều khiển hỏa lực tự động thì hiệu quả hơn, nhưng liệu tàu chiến Mỹ có đủ cơ số đạn và sức bền mà bắn diệt hết đám tàu nhỏ đông nhung nhúc đang lao vào và hệ thống chỉ huy bị "loạn thị" do quá nhiều mục tiêu trong hàng chục phút đối đầu hay không? Những khẩu súng đại liên 14,5 ly trên tàu chiến Mỹ rõ ràng là chẳng có chỗ để phát huy hỏa lực.
Không quân Mỹ thì đúng là mạnh thật, lại có cả trực thăng tấn công AH-64 Apache, nhưng cũng tương tự tàu chiến, trước một "biển tàu như vậy" rất khó để đối phó.
Một khi tàu cao tốc Iran vào đến tầm bắn hiệu quả của pháo hạm trên tàu chiến Mỹ thì cũng là lúc hàng trăm, hàng nghìn quả đạn rocket (cỡ 107mm, tầm bắn tối đa hơn 8km) của đối phương đã được khai hỏa.
Rõ ràng, chỉ cần vài chục tàu Iran lọt vào áp sát được thì Hải quân Mỹ sẽ phải trả giá cực đắt. Thậm chí, lúc này, nếu thích, Iran hoàn toàn có thể "bắt sống" tàu chiến Mỹ.
Những tàu chiến lớn của Iran chắc chắn sẽ bị đánh chìm ngay từ khi hai bên khai hỏa, chúng coi như ít có vai trò một khi xảy ra xung đột.
Thứ ba, các hệ thống tên lửa bờ của Iran khá mạnh, có thể tấn công tàu chiến Mỹ ở cự ly lên tới hàng trăm km. Các hệ thống radar bờ của Iran cũng được đánh giá là không tệ, chúng có thể kết hợp với nhiều loại UAV khác nhau để giám sát nhất cử nhất động của lực lượng Mỹ tại vùng Vịnh nhằm có phương an đối phó thích hợp nhất.
Hải quân Mỹ hùng hậu, với những chiến hạm đầy sức mạnh có thể ví như những "con Voi" nhưng dường như họ nhận thức rõ được hậu quả mà bầy "chú Kiến tí hon" của Iran có thể gây ra.
Vì thế, cho dù bị bắn rơi UAV tàng hình MQ-9 trị giá hàng trăm triệu USD, bị tập kích tên lửa đạn đạo khiến hàng trăm bị sĩ chấn động não nhưng cuối cùng thì Mỹ vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" chưa dám leo thang sử dụng vũ lực bởi Hải quân Iran "quá nhanh, quá nguy hiểm", nhất là họ lại vừa được bổ sung hơn 100 tàu chiến nhỏ vào đội tàu hàng trăm chiếc đã có trước đó.
Do vậy, nếu xảy ra xung đột quân sự, tàu chiến Mỹ chưa chắc đã dám "bén mảng" đến gần "tổ kiến" là eo biển Hormuz, mà phải triển khai từ xa hàng trăm km nhằm hạn chế sức mạnh đột kích của Hải quân Iran.