Hàng trăm nhân viên trường học bất ngờ bị ngưng lương

Ngọc Văn |

Vì công văn ban hành 6 năm trước không bảo đảm tính pháp lý, UBND tỉnh TT-Huế vừa có quyết định hủy bỏ, kéo theo hàng trăm nhân viên cấp dưỡng tại các trường học công lập có bán trú trên địa bàn, đặc biệt ở bậc mầm non, buộc bị ngưng lương kể từ sau tháng 11/2017.

Năm 2011, UBND tỉnh TT-Huế ban hành Quyết định (QĐ) 1722 quy định tạm thời mức thù lao cho hợp đồng nhân viên vụ việc và hợp đồng giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập.

Theo đó, đối với nhân viên hợp đồng vụ việc, tiền công tháng được hưởng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu chung và phụ cấp khu vực (nếu có).

QĐ 1722 của UBND tỉnh TT-Huế còn quy định, nguồn kinh phí chi trả thù lao cho nhân viên và giáo viên dạy hợp đồng thuộc dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và dự toán thu, chi quỹ học phí.

Căn cứ QĐ 1722, từ đó đến tháng 11/2017, các huyện, thị xã, thành phố tại TT-Huế dùng ngân sách, hoặc các nguồn khác để trả lương cho nhân viên vụ việc, trong đó, có hơn 1.115 nhân viên cấp dưỡng (NVCD) các trường mầm non và cơ sở giáo dục công lập có bán trú.

Tuy nhiên, việc trả lương, thù lao cho NVCD mỗi nơi thực hiện theo mức khác nhau. Cụ thể, thành phố Huế trả mức lương, thù lao tháng cho NVCD từ 3 đến 3,5 triệu đồng/người.

Thị xã Hương Thủy ở mức từ 2,2 đến 3,6 triệu đồng. Huyện Phú Vang là 1,8-2,5 triệu đồng, Nam Đông 2,2 triệu đồng, Phú Lộc 1,5-3,5 triệu đồng, Quảng Điền 1,6-2 triệu đồng, Phong Điền 1,8 triệu đồng.

Bên cạnh đó, cách dùng nguồn chi trả cũng không thống nhất giữa các địa phương.

Trong khi, tiền trả lương, thù lao cho NVCD ở thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc hoàn toàn dùng nguồn xã hội hóa từ đóng góp của phụ huynh học sinh, với mức 80.000-150.000 đồng/tháng đối với Huế, 55.000-70.000 đồng và 40.000-60.000 đồng lần lượt Hương Thủy và Phú Lộc.

4 huyện, thị xã khác là Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang và Nam Đông chủ yếu dùng ngân sách huyện, kết hợp một phần nguồn xã hội hóa để chi trả lương.

Riêng huyện Phong Điền và A Lưới hoàn toàn dựa vào ngân sách để chi trả. Về đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), mỗi nơi thực hiện một cách.

Trong đó, Phú Vang không đóng BHXH cho đội ngũ này, Phú Lộc chỉ có 3 trường đóng. Các địa phương còn lại đều đóng BHXH cho NVCD.

Sau 6 năm QĐ 1722 được thực hiện theo “cách riêng” của từng địa phương, đến ngày 30/9 vừa qua, quyết định này đã bị UBND tỉnh bãi bỏ, căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.

“Quá trình thực hiện, QĐ 1722 không còn phù hợp với các quy định hiện hành, không bảo đảm tính pháp lý, nên tỉnh ra quyết định bãi bỏ. Căn cứ theo đó, nhiều địa phương phải ngưng trả lương bằng ngân sách cho nhân viên cấp dưỡng trường học.

Các địa phương hiện lúng túng trong giải quyết chế độ lương, thù lao cho đội ngũ này”, một lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế cho biết.

Sau khi QĐ 1722 bị bãi bỏ, trừ những địa phương như Huế, Hương Thủy, Phú Lộc vẫn duy trì chế độ lương, thù lao cho NVCD như trước đây bằng nguồn xã hội hóa toàn bộ, các huyện, thị xã còn lại phải ngưng trả lương từ nguồn ngân sách kể từ tháng 12/2017.

Riêng thị xã Hương Trà đã tạm ngưng trả lương kể từ tháng 10/2017, khiến 117 NVCD chỉ còn nhận lương phần xã hội hóa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để duy trì thu nhập, tiền công, thù lao cho hàng trăm NVCD trên địa bàn, UBND các huyện hiện "xoay xở" bằng cách chỉ đạo ứng kinh phí từ quỹ lương của trường học.

"Chúng tôi chỉ đạo các trường tạm ứng kinh phí dự phòng, quỹ lương để trả thù lao, lương cho nhân viên cấp dưỡng.

Đồng thời, đề nghị Sở GD&ĐT kiến nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh xem xét, quyết định hướng giải quyết về tiền lương đối với bộ phận lao động này trong thời gian tới", ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại