Tại điểm xét nghiệm nhanh quận Long Biên, lượng người đến ít hơn so với quận Đống Đa. Người dân tại mỗi phường được hẹn đến vào các giờ khác nhau, nên quang cảnh lấy mẫu xét nghiệm khá trật tự. Hoàn Kiếm là quận chưa đặt trạm xét nghiệm nhanh, nhưng quận cũng đã chủ động lập khu lấy mẫu để đưa đi xét nghiệm. Chị Nguyễn Thu Phương (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) cho biết, do vào chăm người bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 15/3 nên chị đã chủ động khai báo y tế trên ứng dụng Hà Nội SmartCity. Ngay ngày hôm sau, y tế phường cùng cảnh sát khu vực gọi điện yêu cầu chị kê khai thông tin. Hai hôm trước, chị được gọi qua trường THCS Trưng Vương để lấy dịch họng.
Anh Nguyễn Minh Khôi (Bồ Đề, Long Biên) cho biết, dù không đến Bệnh viện Bạch Mai nhưng anh và gia đình rất mong được xét nghiệm nhanh,bởi thời gian qua anh có đi lại thăm người nhà ở nhiều bệnh viện. “Nếu được xét nghiệm theo yêu cầu thì tôi và gia đình sẽ rất yên tâm”, anh nói.Tuy nhiên, điểm xét nghiệm nhanh chỉ phục vụ những người có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Các trường hợp khác được hướng dẫn trở lại trạm y tế phường khai báo dịch tễ.
Thực hiện tại tất cả 30 quận, huyện
Bác sĩ Dũng (Trung tâm Y tế quận Long Biên) cho biết, để thành lập khu xét nghiệm nhanh, đội ngũ y bác sĩ Trung tâm cùng các lực lượng liên quan gần như trắng đêm. Ban đầu là tìm địa điểm phù hợp, phối hợp với lực lượng công an, quân đội lập trạm. Từ đầu vụ dịch đến nay, việc ăn ngủ ở ngay tại trạm đối với các y bác sĩ ở các trạm y tế địa phương là chuyện bình thường. Có những ngày cao điểm, 11 giờ đêm họ còn đến các gia đình để rà soát người có liên quan đến các ca bệnh.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, đến ngày 3/4,chín trạm test nhanh đã được đặt tại các quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình và huyện Thanh Oai. Tuy nhiên, trạm Hà Đông chưa thực hiện được do thiếu bộ test nhanh.Theo kế hoạch, CDC Hà Nội sẽ triển khai trạm xét nghiệm nhanh tại tất cả 30 quận, huyện trên địa bàn, thời gian triển khai phụ thuộc vào số lượng bộ test nhanh giao về Trung tâm.Ngoài ra, đội ngũ nhân viên y tế có chuyên môn lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm còn thiếu so với yêu cầu phủ kín trạm tất cả các quận, huyện. CDC Hà Nội đang tổ chức tập huấn bổ sung cho 800 nhân viên.
Đối với 6 mẫu test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 đến khi xét nghiệm lại là âm tính, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội, cho biết, việc triển khai xét nghiệm nhanh là hết sức cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ, những người đang thuộc diện cách ly có tiền sử dịch tế đi/đến/ở khu vực có ổ dịch COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai. Nhất là sớm khoanh vùng, khống chế, tránh mầm bệnh lan rộng ra cộng đồng.Ông Cảm nêu rõ, phương pháp test nhanh này chỉ có tính chất sàng lọc, còn đối với việc chẩn đoán người nhiễm SARS-CoV-2 thì phải được xét nghiệm khẳng định lại bằng phương pháp Realtime RT-PCR theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Lãnh đạo CDC Hà Nội khuyến cáo: “Khi test nhanh, các trường hợp tiếp xúc nguồn nhiễm bệnh trong thời giandưới 7 ngày mà kết quả âm tính thì chưa khẳng định được là có nhiễm bệnh hay không và cần tiếp tục cách ly tại nhà, khoảng 5-7 ngày sau sẽ tiến hành xét nghiệm lại”.Trường hợp tiếp xúc nguồn nhiễm bệnh từ 7 ngày trở lên mà xét nghiệm âm tính thì về cơ bản có thể yên tâm, nhưng nguyên tắc vẫn phải tiếp tục cách ly 14 ngày theo quy định và khi có biểu hiện ho, sốt cần báo cho nhân viên y tế tại địa phương để thực hiện xét nghiệm, ông Cảm nói.
Đến nay, tổng số mẫu đã xét nghiệm nhanh tại Hà Nội là 2.518, có 17 mẫu nghi ngờ được xét nghiệm bằng RT-PCR, trong đó 8 mẫu có kết quả âm tính, 9 mẫu còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.
Xét nghiệm giúp dập dịch nhanh hơn
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị là chiến lược trong giai đoạn hiện nay. Dự kiến, ngày 7/4, Bộ mua thêm 100.000 sinh phẩm nữa để xét nghiệm (nâng tổng số lên 200.000 sinh phẩm).Ngoài ra, Bộ Y tế cung cấp máy Real time RT-PCR cho một số địa phương để chủ động trong việc xét nghiệm. Phòng xét nghiệm nào có khả năng có thể thực hiện ngay mà không cần đợi tuyến trung ương, Bộ hoặc các viện cho phép. Bộ Y tế đã cho phép gần 30 phòng xét nghiệm (gồm cả tuyến trung ương và cơ sở) khẳng định mắc COVID-19. Những phòng xét nghiệm khác nếu có mẫu dương tính thì gửi cho các đơn vị này để khẳng định lại. Tính đến tối 3/4, Việt Nam đã xét nghiệm tổng số 73.164 mẫu bệnh phẩm, trong đó 237 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã hỗ trợ Hà Nội lấy mẫu 1.900 trường hợp, đã xét nghiệm gần 1.000 mẫu, tất cả đều cho kết quả âm tính. Các trạm xét nghiệm nhanh sàng lọc tại Hà Nội hiện sử dụng bộ sinh phẩm do Hàn Quốc sản xuất, thông qua lấy mẫu máu và trả kết quả trong 10 phút.
Thái Hà