Hàng trăm người chết vì làm việc quá sức: Hậu quả của văn hóa làm việc đáng sợ tại Nhật Bản

Theo thống kê, có 189 người chết vì làm việc quá sức tại Nhật Bản vào năm ngoái. Tuy nhiên, con số này trên thực tế còn cao hơn rất nhiều.

Tại Nhật Bản, từ lâu khái niệm cân bằng cuộc sống - công việc đã trở thành một điều xa xỉ. Tuy nhiên, có một điều mà người Nhật luôn nắm rõ: "karoshi" - chết vì công việc quá vất vả.

Đây được coi là hậu quả cho văn hóa làm việc đáng sợ tại đất nước này. Tuy nhiên, mỗi năm, vẫn có hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người chết vì làm việc. Kiyotaka Serizawa là một trong số những người đó.

Hàng trăm người chết vì làm việc quá sức: Hậu quả của văn hóa làm việc đáng sợ tại Nhật Bản - Ảnh 1.

Cha mẹ Kiyotaka ôm di ảnh con trai mình trên tay.

Một năm trước, vào tháng 7, người đàn ông 34 tuổi đã tự sát sau khi làm việc điên cuồng: 90 giờ trong 1 tuần. Đấy cũng là tuần cuối cùng của anh trên cuộc đời này.

"Đồng nghiệp của nó nói rằng thằng bé làm việc cực kỳ chăm chỉ", cha của Kiyotaka, Kiyoshi Serizawa chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. "Họ nói rằng chưa bao giờ thấy ai làm việc chăm chỉ như nó.

Tại Nhật Bản, việc làm việc nhiều giờ liên tục đã trở thành một điều bình thường trong xã hội.

Nó xuất phát từ những năm 1970 khi mức thu nhập của người dân còn thấp và họ muốn làm mọi điều chỉ để cải thiện cuộc sống.

Qua những cuộc khủng hoảng kinh tế và cắt giảm nhân công, lao động tại Nhật Bản càng phải cố gắng hơn để giữ chỗ đứng tại công ty.

"Trong các công ty Nhật Bản, làm việc ngoài giờ đã trở thành một điều hiển nhiên.

Nó thậm chí còn là 1 phần của thời gian làm việc", Koji Morioka, một giáo sư tại đại học Kansai chia sẻ. "Không có ai bắt buộc bạn, nhưng bạn cảm thấy cần phải làm điều đó".

Hàng trăm người chết vì làm việc quá sức: Hậu quả của văn hóa làm việc đáng sợ tại Nhật Bản - Ảnh 2.

Các nhân viên Nhật Bản luôn làm việc tới kiệt sức.

Trong khi thời gian làm việc chỉ là 40 giờ/1 tuần, nhiều người sợ rằng nếu họ chỉ làm đủ số giờ đó sẽ bị đánh giá thấp.

Vì vậy, làm ngoài giờ đã trở thành một phần trong cuộc sống của họ. Và tất nhiên, không ai trả thêm tiền cho những giờ làm đó, nếu không phải do quản lý yêu cầu.

Chính vì vậy, nhiều nhân viên nam đã gặp phải các vấn đề như trụy tim, đột quỵ, thậm chí là tự tử. Năm ngoái, có khoảng 189 người đã chết vì công việc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này còn cao hơn rất nhiều.

Hàng trăm người chết vì làm việc quá sức: Hậu quả của văn hóa làm việc đáng sợ tại Nhật Bản - Ảnh 3.

Điều làm người ta lo lắng hơn cả là đa phần các nạn nhân đều còn rất trẻ, chỉ khoảng ngoài 20 tuổi. Ở Nhật Bản, việc người trẻ bị đau tim không phải là điều hiếm gặp.

Thông thường, nếu một nhân viên được xác định qua đời do "karoshi", gia đình nạn nhân sẽ được bồi thường một khoản tiền.

Tuy nhiên, chỉ có 1/3 số đơn đề xuất tiền bồi thường được chấp nhận tại Nhật Bản. Rõ ràng, các công ty không muốn thừa nhận việc nhân viên chết do làm việc quá sức.

Kiyotaka đã được xác định là chết vì áp lực công việc vào tháng trước. Trên thực tế, dù đã xin nghỉ 1 năm trước khi diễn ra cái chết thương tâm của anh, quản đốc vẫn không cho phép anh nghỉ việc.

Vì vậy, anh vẫn phải tiếp tục công việc của mình. Thỉnh thoảng, Kiyotaka có ghé qua nhà của bố mẹ để ngủ.

"Tôi thường phải đến bên giường nó ngủ để kiểm tra xem tim nó còn đập không", Mitsuko Serizawa, mẹ của anh cho biết.

Cuối cùng, cái chết đã đến với anh khi không chịu nổi áp lực công việc, Kiyotaka đã tự tử trong xe ô tô của mình vào ngày 26/7.

Hàng trăm người chết vì làm việc quá sức: Hậu quả của văn hóa làm việc đáng sợ tại Nhật Bản - Ảnh 4.

Những trường hợp chết vì công việc không còn hiếm gặp tại Nhật Bản.

Theo quy định của pháp luật, người lao động Nhật Bản được nghỉ phép 20 ngày cho 1 năm. Tuy nhiên, phần lớn họ còn không nghỉ tới 1 nửa số ngày phép đó.

Chính phủ đang cố gắng khuyến khích người dân nghỉ ít nhất là 70% số ngày nghỉ cho phép.

Bên cạnh đó, tình trạng karoshi có xu hướng xấu đi do sự yếu kém của công đoàn khi họ chỉ quan tâm tới việc tăng lương mà không nghĩ tới chuyện giảm giờ làm cho người lao động.

Nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học xác định việc họ sẽ làm tại đó cho tới khi nghỉ hưu.

Hàng trăm người chết vì làm việc quá sức: Hậu quả của văn hóa làm việc đáng sợ tại Nhật Bản - Ảnh 5.

Thông thường, mỗi người dân Nhật Bản thường gắn bó với một công ty cho tới suốt cuộc đời.

"Tại các quốc gia như Mỹ, mọi người có sự tự do lựa chọn công việc mình thích và chuyển việc.

Tuy nhiên, ở Nhật Bản, nhân viên thường gắn bó với công ty suốt cuộc đời nên gần như họ khó có cơ hội để chuyển đi chỗ khác", ông Kurroda, giáo sư đại học Meiji cho biết.

"Rất khó để có thể hoàn toàn loại bỏ những cái chết do áp lực công việc.

Nếu chúng ta không thay đổi văn hóa làm thêm giờ và dành thời gian cho gia đình, sở thích cá nhân, những cái chết vì áp lực sẽ tiếp tục là đè nặng lên vai người dân Nhật Bản".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại