Sáng 12-8, khi chính quyền địa phương, doanh nghiệp đến "giải cứu" xe rác này thì hàng trăm người dân đã đổ ra quốc lộ 1 ngăn cản, gây tắc nghẽn cục bộ...
Người dân còn treo băng rôn, yêu cầu doanh nghiệp, UBND thị xã phải viết "giấy cam kết" không để xe chở rác chạy vào thôn, buộc nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại (đóng tại thôn Ninh Ích) ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, đòi hỏi này không được đáp ứng dẫn đến việc một số người dân chặn xe, la mắng gây náo loạn khu vực.
Ngay sau đó, hàng chục cảnh sát cơ động, trật tự, CSGT Công an thị xã Ninh Hòa đã được điều động đến để ổn định tình hình.
Búc xúc vì nhà máy xử lý rác ngay khu dân cư
Chị Trần Thị Hương (trú thôn Ninh Ích) cho biết sau khi nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại được xây dựng người dân vô cùng lo lắng cho sức khỏe, môi trường.
Nhà máy lại xây dựng quá sát khu dân cư, mỗi lần đốt rác là khói, bụi trắng bám đầy mái tôn, nền nhà người dân.
Không chỉ vậy, khi hít phải khói, bụi từ nhà máy thải ra người dân thấy khó chịu, nhấc đầu, gân mẩn ngứa. Xe chở rác qua khu dân cư thì bốc mùi hôi thôi không chịu nổi.
"Những loại rác thải được ghi là nguy hại nhưng lại đốt, xử lý ngay khu dân cư nên chúng tôi mới phản đối, ngăn cản, bắt giữ xe" - chị Hương cho biết.
Sáng cùng ngày, ông Trần Văn Minh - chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa - cho biết khi đến đưa xe đi chính quyền địa phương đã giải thích việc người dân tự ý bắt giữ xe của doanh nghiệp là vi phạm pháp luật.
Hơn nữa, trong xe là rác thải rắn, thải nguy hại nếu không được đưa vào nhà máy xử lý mà để ở khu dân cư là rất nguy hiểm.
"Trước khi đưa xe đi chúng tôi đã ban hành thông báo cho dân, lên phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Doanh nghiệp đã có đánh giá tác động môi trường và được Bộ TN-MT cấp phép đủ tiêu chuẩn hoạt động.
Tuy nhiên, người dân vẫn không hợp tác, ngăn cản không cho xe rác rời đi khiến quốc lộ kẹt khoảng 15 phút" - ông Minh nói.
137 tỉ xây dựng nhà máy
Về phương án giải quyết, ông Minh cho biết trước mắt đã đưa xe rác khỏi khu dân cư để đảm bảo môi trường và giải tỏa "điểm nóng".
"Về lâu dài thị xã sẽ báo cáo, xin ý kiến của UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo cho nhà máy hoạt động vì người ta làm đúng, đã được cấp phép và bỏ hàng trăm tỉ đồng xây dựng nhà máy" - ông Minh thông tin.
Ông Hà Quang Hòa - Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Khánh Hòa (chủ đầu tư nhà máy) - cho biết, công ty đến đưa xe bị giam giữ quá lâu để đưa rác thải nguy hại về nhà máy tại Bình Dương để xử lý nhưng bị người dân ngăn cản.
"Nhà máy của chúng tôi là để giúp xử lý rác thải nguy hại, đảm bảo môi trường chứ đầu có gây nguy hại gì như người dân nghĩ" - ông Hòa giãi bày.
Được biết, nhà máy xử lý chất thải nguy hại đầu tiên được xây dựng tại Khánh Hòa trên diện tích 6ha với tổng vốn đầu tư gần 137 tỉ đồng.
Nhà máy có 3 hệ thống xử lý chính gồm: hệ thống xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý chất thải khí và hệ thống xử lý chất thải lỏng; công suất hoạt động 100 tấn/ngày.