Cuộc tập trận được xem là động thái phô diễn sức mạnh quân sự của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục gia tăng.
Mỹ gần đây có nhiều động thái "khoe" cơ bắp để nhắc nhở kẻ thù tiềm năng của họ rằng, quân đội Mỹ có thể tiếp cận những khu vực xa xôi và đặt chân xuống một hòn đảo trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Theo đó, để chứng minh lính dù Mỹ từ Đội chiến đấu Lữ đoàn 4, Sư đoàn 25 Bộ binh đã bay từ Alaska tới Guam bằng các vận tải cơ C-17 Globemaster III.
Lính dù Mỹ đổ bộ xuống sân bay khổng lồ tại căn cứ không quân Andersen.
Theo một thông cáo của Không quân Mỹ, 400 lính dù đã được triển khai cho cuộc tập trận đổ bộ lên đảo Guam - biến nó trở thành "hoạt động trên không lớn nhất tại Guam trong thời gian gần đây".
Ít nhất 5 chiếc C-17 đã được sử dụng trong chiến dịch. Đến Guam vào sáng sớm ngày 30/6, lính dù Mỹ đã nhảy từ C-17 xuống đảo và di chuyển về bảo vệ sân bay khổng lồ tại căn cứ không quân Andersen theo kịch bản mô phỏng một cuộc đột kích.
Vận tải cơ C-17 Globemaster III
Sau khi cuộc tấn công thành công, các lính dù đã trở về Alaska. Đại tá Christopher Landers, chỉ huy Lữ đoàn 4, người lãnh đạo cuộc tập trận nhấn mạnh: "Kịch bản này đã kiểm tra khả năng của chúng tôi để thực hiện các nhiệm vụ trong thực tế và chứng minh rằng chúng tôi có thể triển khai ở bất cứ đâu trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tại bất cứ thời điểm nào".