Vào năm 2018, Nhật Bản có 282 giáo viên công lập bị kỷ luật. Đây là kỷ lục giáo viên vi phạm nguyên tắc đạo đức nhà giáo cao nhất trong lịch sử giáo dục của quốc gia này.
"Các biện pháp kỷ luật không hề cải thiện được tình hình"
Trong số 282 giáo viên công lập năm 2018 bị kỷ luật, có 84 người phạm lỗi quấy rối tình dục học sinh, 49 người quan hệ tình dục với học sinh dưới 18 tuổi, 33 người chụp và phát tán ảnh khiêu dâm. 116 người còn lại phạm các lỗi ít nghiêm trọng hơn, nhưng đều phạm quy tắc "cấm có hành vi sai trái với học sinh".
Vào tháng 3/2019, Nhật Bản công bố hình thức xử phạt với 282 giáo viên vi phạm nguyên tắc giáo dục năm 2018. Họ cho biết, có 153 người bị sa thải, 50 người bị đình chỉ giảng dạy tạm thời, 16 người bị cắt lương, 9 người bị cảnh cáo, 45 người bị khiển trách.
Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia có hệ thống và chất lượng giáo dục cao nhất toàn cầu
Tại Nhật Bản, việc xét xử giáo viên vi phạm nội quy giáo dục bắt đầu từ thập niên 1990. Tuy nhiên, số lượng các giáo viên bị tố cáo và kỷ luật cực thấp, chỉ một vài người mỗi năm. Chỉ từ năm 2012, số các vụ tố cáo đột ngột nhảy vọt lên trên 100. Vào năm 2016, sau 2 năm chiến dịch chống quấy rối tình dục toàn cầu #MeToo tới Nhật Bản, Bộ Giáo dục đột nhiên ghi nhận số giáo viên vi phạm cao kỷ lục: 226 người.
Trước số lượng giáo viên có hành vi sai trái với học sinh ngày càng tăng, Nhật Bản buộc phải đưa ra các hình thức kỷ luật nặng. Với thực tế đáng xấu hổ năm 2018, Bộ Giáo dục quyết "gạn đục" hệ thống trường công lập, hứa hẹn "không để thực trạng này tái diễn". Thế nhưng khi tổng kết năm 2019, họ nhận ra con số giáo viên vi phạm chỉ giảm đúng 9 người.
"Báo cáo này cho thấy một điều vô cùng nghiêm trọng. Đó là các biện pháp kỷ luật của chúng tôi không hề cải thiện được tình hình," – một quan chức thuộc Bộ Giáo dục Nhật Bản thừa nhận.
Nhưng số lượng giáo viên bị kỷ luật vì có hành vi sai trái với học sinh lại liên tục tăng
Bóng tối đáng ngại đằng sau sự hoàn hảo
Trên thế giới, Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia có hệ thống và chất lượng giáo dục tuyệt vời nhất. Giáo dục phổ thông Nhật Bản được chia thành 3 cấp: tiểu học (6 năm), trung học cơ sở (3 năm), trung học phổ thông (3 năm). Trẻ em Nhật Bản có quyền lợi và nghĩa vụ tốt nghiệp trung học cơ sở 100%. Bên cạnh các môn bắt buộc, các em được khuyến khích theo đuổi sở thích cá nhân. Nhà trường và giáo viên luôn tạo điều kiện cho học sinh phát triển sở trường.
Ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, học sinh Nhật Bản dùng bữa trưa tại trường cùng với giáo viên. Quan hệ giữa giáo viên và học sinh được đánh giá là vô cùng thân thiết. Theo báo cáo khảo sát từ Bộ Giáo dục Nhật Bản, 85% học sinh cảm thấy hạnh phúc khi ở trường.
Quấy rối tình dục - bóng đen núp sau hệ thống giáo dục được xem là toàn vẹn nhất
Mặc dù cấp trung học phổ thông là không bắt buộc, nhưng số trẻ em Nhật Bản theo học vẫn chiếm tới 96%. Tại các thành phố, tỷ lệ này là 100%. Đặc biệt, 91% học sinh Nhật Bản không vi phạm nội quy, luôn lắng nghe bài giảng và làm bài tập về nhà đầy đủ.
Thế nhưng cũng chính tại Nhật Bản, tỷ lệ học sinh bị bắt nạt và tự tử lại cao bậc nhất toàn cầu. Vào năm 2018, cả nước có 414.378 học sinh bị bắt nạt ở mức nghiêm trọng, và 250 vụ học sinh tự sát.
"Trong hệ thống giáo dục của chúng tôi, chỉ giáo viên là có tiếng nói," – Giáo sư Makoto Watanabe (ĐH Hokkaido Bunkyo) lên tiếng. "Dù có bị thầy cô lạm dụng, các em cũng không dám phản kháng hay kêu cứu với ai."
Học sinh Nhật Bản không có tiếng nói
Lỗ hổng lớn trong hình thức kỷ luật
Trong số các giáo viên vi phạm năm 2018, có 276 người là thầy giáo, chiếm 97,4%. Và có tới 20 vụ vi phạm xảy ra ngay trong giờ học.
Với trường hợp 273 giáo viên vi phạm năm 2019, Nhật Bản chưa có báo cáo về các hình thức kỷ luật. Bộ Giáo dục của họ đang kêu gọi và yêu cầu hội đồng các trường công lập phải trừng phạt thật nặng, lấy đó làm gương răn đe giáo viên khác.
Tuy nhiên, hình thức kỷ luật nặng nhất của Bộ Giáo dục Nhật Bản chỉ là sa thải, tước giấy phép giảng dạy 3 năm. Sau 3 năm, giáo viên bị sa thải có quyền xin hoặc thi lại chứng chỉ giáo dục, tham gia tuyển dụng công chức như bình thường.
Bộ Giáo dục Nhật Bản phải thừa nhận thất bại trong việc ngăn chặn tệ nạn giáo viên quấy rối học sinh
Ngoài ra, nếu giáo viên vi phạm quy định tự nguyện từ chức trước ngày bị đem ra kỷ luật, họ không bị tước mất chứng chỉ giáo dục. Mặc dù vẫn bị sa thải ở trường cũ, họ có thể mang giấy phép giảng dạy đi xin việc ở trường khác.
Sau buổi báo cáo thực trạng giáo viên vi phạm kỷ luật năm 2019 vào tháng 12/2020, Bộ Giáo dục Nhật Bản đề xuất nâng thời hạn tước giấy phép giảng dạy lên 5 năm. Có điều, đề xuất này vẫn chưa được thông qua. Thêm vào đó thì cũng trong năm 2019, Nhật Bản có tới 5478 giáo viên xin từ chức. Nó khiến năm 2020 rơi vào tình trạng thiếu giáo viên.
Hiện tại, Bộ Giáo dục Nhật Bản chưa có thống kê giáo viên công lập vi phạm của năm 2020. Song với Covid-19 và hàng loạt các hệ lụy từ nó, người ta lo ngại số thầy cô phạm quy còn cao hơn.
Tham khảo Japantoday