Hàng nghìn tỷ USD của Mỹ không "mua" được tình yêu của người Iraq và ngăn họ đến với Nga

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Mỹ đã tốn hàng nghìn tỷ USD cho cuộc chiến tại Iraq với mục đích giữ nước này trong vòng ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, đó có thể không phải là điều mà Baghdad mong muốn.

Dần xa rời Washington

Phó Tổng thống Iraq Nouri Al-Maliki đã thăm chính thức Liên bang Nga từ 23 đến 27/7/2017. Đây là chuyến thăm chính thức lần thứ hai của ông Nouri Al-Maliki đến Moscow. Năm 2012, ông đã thăm chính thức Liên bang Nga với tư cách Thủ tướng Iraq.

Trong chuyến thăm lần này, ông Nouri Al-Maliki đã gặp các nhà lãnh đạo cao nhất của Nga, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Valentina Matviyenko, Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov và được Tổng thống V. Putin tiếp.

Trước khi lên đường sang Moscow, Phó Tổng thống Nouri Al-Maliki đã nói Iraq không cho phép Mỹ thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình và sẵn sàng mua vũ khí của Nga.

Tuy vẫn chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng nhiều nguồn tin của Mỹ cho biết Mỹ đã chi hơn 2 ngàn tỷ đô la cho cuộc chiến tại Iraq từ 2003 đến nay.

Mục tiêu chính của cuộc chiến tranh này là lật đổ chính quyền Saddam Hussein thân Nga và lập ra một chính quyền thân Mỹ tại Iraq. Chính vì vậy, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ luôn luôn tìm mọi cách để giữ Iraq trong vòng ảnh hưởng của mình.

Iraq có diện tích 437.072 km2, dân số 39 triệu người, trữ lượng dầu mỏ 143 tỷ thùng, sản lượng khai thác 5 triệu thùng/ngày và có kế hoạch nâng lên 8 triệu thùng/ngày vào năm 2020, so với 9 triệu thùng/ngày của Ả rập Xê út là nước đứng đầu thế giới về dầu mỏ.

Hàng nghìn tỷ USD của Mỹ không mua được tình yêu của người Iraq và ngăn họ đến với Nga - Ảnh 1.

Người dân Iraq không thực sự dành nhiều cảm tình cho nước Mỹ. Ảnh: AP

Với tiềm năng to lớn như vậy, Iraq là một quốc gia có vị trí địa-chính trị cực kỳ quan trọng không những ở khu vực Trung Đông mà còn trên thế giới.

Trước cuộc can thiệp quân sự của Mỹ lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein năm 2003, Iraq là đồng minh thân cận nhất của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay.

Năm 1958, khi nước Cộng hòa Iraq tuyên bố thành lập dưới sự lãnh đạo của tướng Abdul Karim Qassem, Iraq đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Liên Xô.

Năm 1972, Iraq đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với Liên Xô, và từ đó mối quan hệ này được nâng lên thành "quan hệ đối tác chiến lược".

Cuộc chiến tranh của Mỹ chống Iraq năm 2003 đã không đem lại hòa bình, ổn định và cuộc sống tốt hơn cho Iraq mà ngược lại nó đã gây ra sự hỗn loạn, phá hủy và chia cắt đất nước.

Điều này đang dấy lên những tình cảm chống Mỹ trong cả cộng đồng người Shia cũng như người Sunni. Tôi đã làm việc ở Iraq nhiều năm nên hiểu rất rõ tâm tư, tình cảm của họ. Nói chung, người dân Iraq không có thiện cảm với Mỹ.

Hàng nghìn tỷ USD của Mỹ không mua được tình yêu của người Iraq và ngăn họ đến với Nga - Ảnh 2.

Trưởng nhóm thanh sát viên LHQ Hans Blix (phải) và giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Mohammed el Baradei (trái) bước lên hình ông Bush ở sảnh KS Al-Rashid. Ảnh: AP

Tại khách sạn Al-Rashid lớn nhất ở Thủ đô Baghdad, người ta đã vẽ hình cựu Tổng thống W. Bush trên nền cửa ra vào để khách qua lại giẫm lên. Nhiều cuộc biểu tình đốt hình nộm Tổng thống W. Bush và cờ Mỹ đã xảy ra. Trong khi đó, người dân Iraq lại rất yêu mến người Nga, Cuba, Việt Nam...

Bắt tay Nga, Iran

Iraq không còn là đồng minh quân sự tin cậy của Mỹ nữa. Họ đang tìm cách cài đặt lại các mối quan hệ quốc tế.

Trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống V. Putin tại Petersburg, Phó Tổng thống Nouri Al-Maliki đã đánh giá cao những đóng góp của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria và Iraq và nói rằng, Baghdad muốn Moscow đóng vai trò lớn hơn tại Iraq.

Iraq đang thi hành chính sách cân bằng quan hệ, không cho phép một "thực thể chính trị nước ngoài" nào áp đặt Iraq phải làm gì.

Theo hướng này, Iraq đang tăng cường hợp tác quân sự với Nga. Năm 2012, Iraq đã ký với Nga một loạt hiệp định hợp tác quân sự trị giá 4,3 tỷ đô la và tiếp theo là nhiều hợp đồng mua bán vũ khí cũng đã được ký kết với Nga.

Tháng 6/2017, Iraq đã ký hợp đồng mua xe tăng T-90 của Nga trị giá hơn 1 tỷ đô la. Iraq đang muốn khôi phục lại quan hệ với Nga, một đồng minh truyền thống của Iraq trước đây.

Một dấu hiệu khác cũng làm Washington lo ngại. Đó là sự hợp tác quân sự với Iran.

Hàng nghìn tỷ USD của Mỹ không mua được tình yêu của người Iraq và ngăn họ đến với Nga - Ảnh 3.

Cùng với chuyến thăm Nga của Phó Tổng thống Nouri Al-Maliki, ngày 22/7/2017 Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Erfan al-Hiyali đã đến Tehran và ký với người đồng cấp Iran Hosssein Dehghan‎ một Biên bản thỏa thuận về hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Có thể đánh giá sự kiện này là một bước đi có ý nghĩa to lớn khi Mỹ tuyên bố Iran là nước bảo trợ khủng bố số một trên thế giới, áp đặt những biện pháp cấm vận mới đối với nước này và kêu gọi các nước cô lập Iran.

Như vậy, có thể thấy Iraq đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ để giảm lệ thuộc vào Mỹ, trước mắt khôi phục lại những mối quan hệ với những nước bạn bè truyền thống.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại