Hàng ngàn người vây Bộ Nội vụ Gruzia, Mỹ ra "tối hậu thư": Hé lộ kịch bản chống Nga - Ông Putin lên tiếng

Nhật Minh |

Hàng nghìn người biểu tình chống Nga vây chặt Bộ Nội vụ Gruzia. Thủ tướng Gruzia Kobakhidze cảnh báo một số phía muốn lợi dụng Gruzia để "mở mặt trận số 2 chống Nga" sau Ukraine.

Hàng nghìn người biểu tình vây Bộ Nội vụ Gruzia

Hãng thông tấn AFP đưa tin, hàng nghìn người đã tham gia vào cuộc biểu tình mới ở thủ đô Tbilisi (Gruzia) trong ngày 24/5, giữa lúc các nghị sĩ quốc hội nước này đang chuẩn bị thủ tục để bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Gruzia đối với luật "đặc vụ nước ngoài".

Trước đó, Quốc hội Gruzia hôm 14/5 đã thông qua dự luật "đặc vụ nước ngoài" nhưng Tổng thống Gruzia Salome Zourabichvili phủ quyết. Đảng Giấc mơ - Đảng cầm quyền tại Gruzia - sau đó cho biết họ có đủ số phiếu để bác bỏ quyền phủ quyết của bà Zourabichvili khi vấn đề được đưa trở lại Quốc hội.

Hàng nghìn người vây Bộ Nội vụ Gruzia, Mỹ ra

Hàng nghìn người tham gia biểu tình tại thủ đô Tbilisi (Gruzia) tối 24/5. Ảnh: RFI

Đao luật "đặc vụ nước ngoài" yêu cầu các cá nhân và tổ chức nhận trên 20% tài trợ nước ngoài phải đăng ký là các tổ chức "đại diện cho lợi ích của nước ngoài", đồng thời chịu sự giám sát của Bộ Tư pháp Gruzia và có thể bị buộc phải chia sẻ thông tin nhạy cảm - hoặc phải đối mặt với những khoản phạt lớn.

Những người phản đối dự luật mới đã so sánh nó với một đạo luật tương tự có hiệu lực tại Nga từ năm 2012. Họ gọi đó là "luật Nga", đồng thời chỉ trích Đảng Giấc mơ đang muốn thông qua phương thức này để xích lại gần Moscow, phá hủy nỗ lực đưa Gruzia gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Phóng viên AFP cho biết, hàng nghìn người đã tập kết ở trung tâm Tbilisi vào tối 24/5 để thể hiện tình đoàn kết đối với những người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình trước đó.

Vẫy cờ EU và Gruzia, những người biểu tình đã tuần hành từ Quảng trường Tự do đến trụ sở Bộ Nội vụ để yêu cầu thả nhóm người đang bị giam giữ.

Nói với AFP, văn phòng báo chí Quốc hội Gruzia cho biết, ủy ban pháp lý của nước này sẽ thảo luận về vấn đề bác bỏ quyền phủ quyết trong ngày 27/5, và chính thức khởi động thủ tục để các biện pháp bác bỏ quyền phủ quyết có hiệu lực. Dự kiến, cuộc bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể sẽ diễn ra trong ngày 28/5.

Hàng nghìn người biểu tình tại thủ đô Tbilisi (Gruzia) tối 24/5. Nguồn: rferl.org

Mỹ ra "tối hậu thư" cho Đảng cầm quyền Gruzia

Theo tờ Politico, cũng trong ngày 24/5, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, các chính trị gia và quan chức Gruzia chịu trách nhiệm thúc đẩy luật "đặc vụ nước ngoài" sẽ phải đối mặt với lệnh hạn chế thị thực.

Đồng thời, Washington sẽ tiến hành "đánh giá toàn diện" về hợp tác song phương Mỹ - Gruzia. Quốc gia này đang nhận được sự hỗ trợ kinh tế và quân sự đáng kể từ Mỹ.

Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, "các hành động của Gruzia trong tương lai sẽ quyết định bước đi tiếp theo của Washington".

Hàng nghìn người vây Bộ Nội vụ Gruzia, Mỹ ra

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Đức và Pháp bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Gruzia. EU kêu gọi Tbilisi rút lại dự luật. Báo Financial Times cho biết, một số nước EU thậm chí đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với Gruzia.

Estonia, Hà Lan, CH Czech và Thụy Điển đang nằm trong số các quốc gia đang nỗ lực thúc đẩy thảo luận về cấm vận Gruzia tại cuộc họp các Ngoại trưởng EU trong tuần tới.

Phản ứng trước động thái của Mỹ, Đảng Giấc mơ Gruzia cáo buộc Washington theo đuổi chính sách "đe dọa", đồng thời gọi lệnh hạn chế thị thực mà chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa áp đặt là một "tối hậu thư".

Qua trang Facebook chính thức, Đảng Giấc mơ Gruzia cho hay, các hạn chế về thị thực "chẳng qua là nỗ lực trắng trợn" nhằm hạn chế chủ quyền và độc lập của Gruzia.

"Không một tối hậu thư nào có thể buộc chúng tôi chống lại đất nước của mình" - Thông báo của Đảng Giấc mơ nhấn mạnh.

Thủ tướng Gruzia cảnh báo kịch bản "mặt trận thứ 2 chống Nga"

Tờ EA Daily (Nga) ngày 24/5 dẫn lời Thượng nghị sĩ Nga Grigory Karasin tin rằng, áp lực của phương Tây lên chính quyền Gruzia sau khi nước này thông qua luật "đặc vụ nước ngoài" là một cuộc tấn công khác vào vị thế của Nga.

"Tôi đồng tình với Thủ tướng Gruzia và tuyên bố của ông ấy rằng, một số người muốn thông qua Gruzia để lập mặt trận thứ 2 chống Nga" - Ông Karasin nói.

Trước đó, Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze lưu ý rằng, nước này cần có "luật đặc vụ nước ngoài" để hạn chế ảnh hưởng từ bên ngoài và tránh lặp lại số phận của Ukraine.

"Một số người muốn có tình trạng nước đục ở Gruzia, chúng tôi không muốn vậy. Một số người muốn tổ chức Maidan, chúng tôi không muốn Maidan. Một số người muốn lập mặt trận thứ 2 chống Nga, chúng tôi không mong muốn điều đó" - Ông Kobakhidze nhấn mạnh.

Hàng nghìn người vây Bộ Nội vụ Gruzia, Mỹ ra

Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze cảnh báo rằng, "một số người muốn lập mặt trận thứ 2 chống Nga". Ảnh: Reuters

Đáng lưu ý, Thủ tướng Kobakhidze cho biết, trong một cuộc điện đàm gần đây, ông Oliver Varhelyi - ủy viên EU về chính sách và mở rộng khu vực lân cận đã đe dọa rằng, phương Tây có thể "thực hiện một số biện pháp" chống lại ông Kobakhidze nếu chính phủ Gruzia kiên quyết thông qua dự luật gây tranh cãi.

"Trong khi liệt kê ra các biện pháp, quan chức đó đã đề cập đến vụ việc liên quan tới Thủ tướng (Slovakia Robert) Fico và cảnh báo tôi hãy cẩn thận với kịch bản đó" - ông Kobakhidze nói.

Viện Á-Âu của Gruzia trong ngày 24/5 đồng thời kêu gọi người dân nước này "từ bỏ tư tưởng bài Nga và đoàn kết để cứu Gruzia".

"Tất cả chúng ta đều hiểu rõ phương Tây theo chủ nghĩa toàn cầu hóa và họ đang cần Gruzia làm vũ khí chống lại Nga. Gruzia là một con tốt thí trong trò chơi địa-chính trị.

Đây cũng là cách Ukraine từng được họ 'sử dụng' và là nơi phong trào Maidan được thành lập" - Tờ EA Daily dẫn báo cáo của Viện Á-Âu Gruzia đưa ra sau cuộc họp bàn tròn dành riêng để thảo luận về "các khía cạnh nhật định của hiện tượng bài Nga ở Gruzia".

Tổng thống Putin lên tiếng về tình hình Gruzia

Tờ Rossiyskaya Gazeta (rg.ru), trong ngày 24/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có phát ngôn liên quan tới tình hình Gruzia trong cuộc họp báo tại Minsk với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.

Ông Putin gọi những lời đe dọa của Ủy viên châu Âu Varhelyi đối với Thủ tướng Gruzia Kobakhidze là "một trận bão chính trị".

"Thật đáng tiếc, sự thiếu trách nhiệm của các quan chức cấp trung, đặc biệt là trong lĩnh vực này, đang tăng lên - chúng tôi phải thường xuyên tự mình đối mặt với điều này" - Ông Putin nói. "EU có rất nhiều ủy viên, họ thường xuyên thay đổi và phát ngôn những điều vô nghĩa".

Hàng nghìn người vây Bộ Nội vụ Gruzia, Mỹ ra

Ông Putin bình luận về lời "đe dọa" của Ủy viên EU Oliver Varhelyi đối với Thủ tướng Gruzia Kobakhidze. Ảnh: BBC

Trước đó, hôm 14/5, bình luận về các diễn biến tại Gruzia, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý, Nga đã nhận thấy "sự can thiệp trắng trợn từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Gruzia", đề cập tới những đe dọa về các biện pháp trừng phạt đối với Tbilisi nếu họ thông qua luật "đặc vụ nước ngoài".

"Đây gọi là gì nếu không gọi là sự can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của Gruzia? Tôi nhắc lại: Đây là vấn đề nội bộ của Gruzia, Nga không can thiệp vào đó, và cũng không có ý định can thiệp trong tương lai" - Ông Peskov khẳng định.

Trong khi đó, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky bày tỏ hy vọng Gruzia sẽ sáng suốt để không "ngả mình theo Mỹ" như Ukraine đã làm.

"Chúng tôi hy vọng nước láng giềng Gruzia sẽ đủ khôn ngoan để chống lại cám dỗ" - Ông Polyansky viết trên mạng xã hội X.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại