Hàng nghìn người trút 'cơn thịnh nộ' vào Ukraine
Hãng thông tấn AP đưa tin, các cuộc biểu tình rầm rộ của nông dân nhằm phản đối chính sách nhập khẩu nông sản từ Ukraine và chính sách nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) đang diễn biến vô cùng phức tạp.
Làn sóng biểu tình lan rộng khắp 27 nước thành viên EU đã trở thành thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo, buộc họ phải hành động trước sự phẫn nộ ngày càng gia tăng của nông dân.
"Các nhà lãnh đạo EU – từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho tới Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni – đều đã 'cúi đầu trước cơn thịnh nộ của nông dân' và đưa ra những nhượng bộ đắt giá" - Tờ Politico viết.
Chỉ riêng trong ngày 27/2 vừa qua, hàng nghìn nông dân Ba Lan đã tuần hành ở thủ đô Warsaw, trong khi nông dân Tây Ban Nha làm tê liệt giao thông trên các đường cao tốc gần biên giới Pháp. Đây mới là 2 trong rất nhiều các cuộc biểu tình tương tự diễn ra trên khắp châu Âu trong những tuần gần đây.
Bên cạnh đó, hãng thông tấn RBC-Ukraine ngày 29/2 cho biết, nông dân Ba Lan tiếp tục vây chặt biên giới Ukraine, phong tỏa 6 trạm kiểm soát, cản trở nghiêm trọng việc di chuyển của xe tải từ Ukraine vào Ba Lan. Tính đến sáng 29/2, đã có 2.200 xe tải tắc nghẽn tại các chốt biên giới giữa 2 nước.
Những người biểu tình yêu cầu chính phủ của họ ra lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc và các sản phẩm khác của Ukraine, đồng thời cáo buộc rằng các sản phẩm kém chất lượng do Kiev cung cấp đang gây tổn hại cho nguồn thực phẩm quốc gia, khiến ngành nông nghiệp quan trọng của đất nước họ gặp nguy hiểm.
Ngoài ra, người biểu tình tức giận trước việc EU dỡ bỏ thuế quan đối với thực phẩm nhập khẩu từ Ukraine, tạo điều kiện quá thuận lợi cho Kiev khi nước này đang tìm cách đưa thực phẩm của mình ra thị trường toàn cầu trong bối cảnh chiến tranh cản trở hoạt động vận tải ở Biển Đen.
Trước đó, trong ngày 25/2, khoảng 160 tấn ngũ cốc của Ukraine đã bị phá hoại, hất đổ khỏi các toa tàu tại nhà ga Ba Lan, khi đang trên đường vận chuyển tới thành phố cảng Gdansk (Ba Lan) và các nước khác.
Theo AP, không khí biểu tình ở Warsaw cũng mang "âm hưởng chống Ukraine rõ rệt".
Trong ngày 27/2, đám đông biểu tình đã kéo tới tòa nhà quốc hội ở Warsaw thổi kèn, ném bom khói màu trắng và đỏ (màu của quốc kỳ Ba Lan) trước khi tuần hành tới văn phòng của Thủ tướng Donald Tusk. Tại tòa thị chính Warsaw, ước tính có tới 10.000 người tham gia biểu tình.
"Hãy dừng cung cấp thực phẩm nhiễm độc từ Ukraine tại các cửa hàng ở Ba Lan" – một tấm biển biểu tình đặt ngay trước tòa nhà Quốc hội Ba Lan viết.
Đáng lưu ý, ông Tusk cho biết, trong đám đông biểu tình có cả những người từng giúp đỡ người tị nạn Ukraine.
Các nhà lãnh đạo EU "đã phải cúi đầu" trước cơn thịnh nộ của nông dân. Ảnh: AP/ABC News/Star and Stripes
EU vội "quay lưng" với Kiev
Theo Đài RT (Nga), trước diễn biến biểu tình phức tạp, EU đã phải lên tiếng kêu gọi Ukraine hãy "thấu hiểu" cho người nông dân EU và hãy gửi ngũ cốc sang các bên thứ 3, thay vì các nước thành viên trong liên minh.
Ủy viên Nông nghiệp châu Âu Janusz Wojciechowski cho biết, ngành nông nghiệp của EU đã chịu tổn thất lên tới 19 tỷ euro (tương đương 20,6 tỷ USD) trong năm 2022 và 2023 sau khi tự do hóa thương mại với Ukraine.
Các quốc gia thành viên EU, trong nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để Ukraine xuất khẩu nông sản ra toàn cầu, đã dỡ bỏ thuế quan và hạn ngạch cho Kiev vào năm 2022. Tuy nhiên, động thái này đã vô tình dẫn tới tình trạng dư thừa hàng hóa, chủ yếu là ngũ cốc, gây ra thách thức kinh tế cho nông dân địa phương ở Đông Âu.
Sự dư thừa các sản phẩm nông nghiệp giá rẻ của Ukraine đã dẫn tới điều mà nông dân EU coi là cạnh tranh không công bằng, dẫn tới thiệt hại đáng kể.
Cuộc biểu tình của nông dân Ba Lan ngày 27/2. Nguồn: AP
Phát biểu tại cuộc họp các bộ trưởng nông nghiệp EU tại Brussels (Bỉ) hồi đầu tuần này, ông Wojciechowski cho rằng EU cần có các biện pháp khắc phục để chuyển hướng dòng sản phẩm nông nghiệp Ukraine sang các thị trường xuất khẩu dự tính ban đầu, đó là châu Á, châu Phi và Trung Đông, thay vì các nước trong liên minh EU.
Cách đó vài ngày, các nước thành viên EU đã ủng hộ đề xuất của Ủy ban Nông nghiệp, trong đó giới hạn đối với việc nhập khẩu các "sản phẩm nhạy cảm" từ Ukraine. Đề xuất này cần phải được đưa ra Quốc hội để xem xét lần cuối.
Trong khi đó, tờ Politico cho biết, Ba Lan đang đàm phán với Ukraine về việc "tạm thời đóng cửa biên giới" giữa hai nước và dừng trao đổi hàng hóa.
"Chúng tôi đang thảo luận với phía Ukraine về việc tạm thời đóng cửa biên giới và trao đổi hàng hóa" – Thủ tướng Donald Tusk nói trên đài truyền hình trực tuyến Ba Lan RMF24.
"Chúng tôi muốn giúp đỡ Ukraine, nhưng chúng tôi không thể cho phép sự giúp đỡ này mang lại những tác động tiêu cực đến người dân của chúng tôi.
Chúng tôi đang không ngừng tìm kiếm một giải pháp để bảo vệ thị trường Ba Lan trước tình trạng tràn ngập các sản phẩm nông nghiệp rẻ hơn từ Ukraine" - ông Tusk cho hay, thừa nhận đây là "giải pháp đau đớn" cho cả hai bên những vẫn phải tiến hành.