Hơn 5.800 người Mỹ đã từ bỏ quốc tịch trong 6 tháng đầu năm nay, cao hơn gấp đôi so với con số 2.072 người được ghi nhận trong toàn bộ năm 2019, CNN dẫn nguồn nghiên cứu của công ty Bambridge Accountants cho hay.
Bambridge Accountants cho biết, họ đã kiểm tra dữ liệu công khai do chính quyền Mỹ đăng tải và tên của tất cả những người Mỹ đã từ bỏ quốc tịch.
"Đó chủ yếu là những người đã rời khỏi Mỹ và quyết định là họ đã chịu đựng đủ rồi", Alistair Bambridge - thành viên của Bambridge Accountants chia sẻ với CNN.
"Cái mà ta thấy là những người đã bỏ qua mọi việc đang diễn ra với Tổng thống Donald Trump, cách xử lý đại dịch COVID-19 và các chính sách ở Mỹ hiện tại".
Trong khi nhiều người từ bỏ quốc tịch tỏ ra bất mãn với môi trường chính trị hiện thời tại Mỹ, 1 lý do khác thường thấy dẫn đến quyết định này là vì thuế - theo Bambridge.
Công dân Mỹ sống ở nước ngoài vẫn phải khai thuế hàng năm, báo cáo các tài khoản ngân hàng nước ngoài, các khoản đầu tư và lương hưu. Mặc dù các công dân này có thể nhận khoản 1.200 USD chi phiếu khích lệ (stimulus check) và 500 USD cho mỗi đứa con nhưng với nhiều người, khai thuế hàng năm "là quá nhiều".
Những người Mỹ muốn từ bỏ quốc tịch phải trả 2.350 USD và trình diện tại đại sứ quán Mỹ ở nước sở tại nếu họ không ở Mỹ.
Mặc dù nhiều nguy cơ đi kèm với quyết định từ bỏ quốc tịch Mỹ nhưng Bambridge dự đoán rằng xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng.
"Nhiều người đang đợi tới kỳ bầu cử tháng 11 để xem chuyện gì đang diễn ra", Bambridge nói, "Nếu ông Trump tái cử, chúng tôi tin rằng sẽ có thêm một làn sóng nữa".