Theo cập nhật mới nhất trên CNN, số người mất tích trong tai nạn sập cầu Genoa vẫn thiếu 2 người trong khi các chuyên gia cảnh báo rằng hàng ngàn cây cầu khác ở Ý cũng đang có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Thủ tướng Giuseppe Conte đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 12 tháng đối với thành phố Genoa vào đêm ngày 15/8 và cung cập 5 triệu euro để giải quyết các chi phí phát sinh trong quá trình tìm kiếm và cứu nạn.
Một đám tang tập thể dành cho những nạn nhân thiệt mạng sẽ diễn ra ở Genoa vào ngày 18/8, được Thủ tướng Conte tuyên bố là ngày quốc tang.
Cũng vào ngày 16/8, Bộ Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Ý đã thông báo việc thành lập một ủy ban kiểm tra để rà soát kỹ thuật và phân tích về nguyên nhân của tao nạn. Ủy ban này sẽ có 30 ngày để cung cấp cho Bộ trưởng một báo cáo chi tiết về sự việc.
Các chuyên gia hiện đang cảnh báo rằng sự sụp đổ của cầu Morandi - một đường giao thông huyết mạch quan trọng thuộc đường cao tốc A10 nối Tây Bắc Italy với Pháp và một trong những cây cầu đông xe nhất ở Ý - là dấu hiệu của sự lơ là trong quá trình bảo trì cầu đường Quốc gia.
Settimo Martinello, giám đốc dịch vụ 4EMME - công ty thực hiện kiểm tra và rà soát tình trạng 50.000 cây cầu ở Ý, nói với CNN: "Tất cả các cây cầu của Ý được làm bằng bê tông từ giữa những năm 1950 và 1960 đã kết thúc sứ mệnh. Chúng không thể tồn tại mãi mãi".
"Có hàng trăm, hàng ngàn cây cầu khác có nguy cơ sụp đổ", ông nói và thêm rằng con số chính xác vẫn chưa được tiết lộ và vấn đề lớn nhất là không có bất cứ một báo cáo nào về chất lượng hiện tại của 1,5 triệu cây cầu ở Ý.
Theo Martinello, trách nhiệm duy trì những cây cầu này được phân chia giữa chính quyền địa phương và một số cơ quan tư nhân và công cộng - bao gồm Autostrade, phía chịu trách nhiệm bảo trì cao tốc A10.
"Vụ sập cầu lớn như ở Genoa là khá hiếm nhưng có khoảng 15 đến 20 cây cầu nhỏ sụp đổ mỗi năm ở Ý", ông cho biết.
Phần còn nguyên của cây cầu Morandi xuyên qua khu dân cư - Ảnh: CNN |
Các cảnh báo của Martinello lặp lại một phát biểu vào ngày 14/8 của Antonio Occhiuzzi, giám đốc Viện Công nghệ xây dựng tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia, cơ quan nghiên cứu công cộng lớn nhất của Ý.
"Trong thực tế, hàng chục ngàn cây cầu ở Ý đã vượt quá thời gian dự kiến trong bản thiết kế và kỹ thuật xây dựng, theo sự cân bằng giữa chi phí và nhu cầu tái thiết quốc gia sau Thế chiến II cũng như độ bền của công trình", Occhiuzzi nói.
Ông kêu gọi chính phủ thay thế các công trình hư hỏng bằng những thiết kế có tuổi thọ 100 năm, cho rằng chi phí “bảo trì bất thường” cần thiết để giữ cho các cây cầu hiện nay hoạt động trong nhiều trường hợp vượt quá ngân sách, dẫn đến sự cố đáng tiếc.
Các chính trị gia hàng đầu đang đổ lỗi cho Autostrade vì thảm họa Genoa. Ngày 16/8, Thủ tướng Conte tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ thu hồi quyền khai thác công trình của công ty. Trong khi đó, Bộ trưởng Vận tải Danilo Toninelli đã kêu gọi các nhà quản lý cấp cao tại đây từ chức. Cùng ngày, cổ phiếu của Autostrade giảm 24%.
Stefano Marigliani, một giám đốc cấp cao của Autostrade phụ trách một phần mạng lưới đường thu phí liên kết Rivieras Pháp và Ý bao gồm cây cầu, nói với Financial Times rằng cấu trúc "được theo dõi liên tục, vượt cả yêu cầu của chính phủ" và rằng "không có lý do để cho rằng có nguy hiểm".
Ngay sau vụ việc, nhiều người dân địa phương và các chuyên gia cho biết đã cảnh báo tình trạng của cây cầu trong nhiều năm nhưng không được chính phủ và công ty phản hồi.
Antonio Brencich của khoa kỹ thuật tại Đại học Genoa từng lên tiếng vào năm 2016, nhận xét cấu trúc của cầu Morandi là một "thất bại kỹ thuật" trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Primocanale.