Theo thông báo của TAND TP HCM, dù tạm hoãn xét xử nhưng HĐXX sơ thẩm vẫn tiếp tục tiếp nhận thêm cập nhật bị hại tại các dự án "ma" của Công ty CP Địa ốc Alibaba. Lý do, dù đã có hơn 4.000 nạn nhân của vụ án được xác định nhưng vẫn còn khách hàng mua đất nền tại các dự án của Công ty Alibabab vẫn chưa được Cơ quan điều tra xác định là bị hại.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (ngoài cùng bên phải) và các đồng phạm trong vụ án tại tòa (Ảnh: T.Hậu)
Do đó, các khách hàng này cần cung cấp đủ các chứng và đến nộp đơn tại toà án trước trưa ngày 16/12. Trường hợp bị hại chưa kịp nộp đơn tham dự các phiên xét hỏi vẫn có thể nộp đơn ra toà giải quyết bằng một vụ kiện dân sự khác.
Riêng vào các ngày 15 đến 16/12, tòa dự kiến sẽ tiếp tục đối chiếu số tiền các bị hại đã nộp vào Công ty Alibaba và yêu cầu bồi thường của họ đối với các dự án mà bị cáo Nguyễn Thái Luyện đặt tên.
Ngoài ra, HĐXX sơ thẩm cho biết, quá trình xét hỏi các bị hại để làm rõ hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của bị cáo Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm sẽ kéo dài đến 18/12 đối với các bị hại tại 10 dự án, bao gồm: Alibaba Tóc Tiên Residence 3, Alibaba Tân Thành Center City, Ali Aqua Nhơn Trạch, Alibaba Phước Bình Central Park 3, Alibaba Tóc Tiên Residence, Alibaba Tân Thành Center City 6, Alibaba Center Town, Alibaba Tân Thành Homy City, Alibaba Tân Thành Center City 7 và dự án Alibaba Phước Bình Golf.
Số nạn nhân tại các dự án này đã được xác định là hơn 1.700 người nhưng dự báo số khách hàng là bị hại tại các dự án của Công ty Alibaba sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.
Trước đó, HĐXX đã làm rõ nhiều chiêu trò của bị cáo Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm trong chiêu dụ khách hàng "sập bẫy" các dự án "ma" do bị cáo Luyện chỉ đạo tự thiết kế và quảng cáo, maketing để lừa bán cho nhiều người kể từ năm 2016 đến thời điểm các bị cáo bị bắt và khởi tố.
Cụ thể, lợi dụng lòng tin của khách hàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty CP Địa ốc Alibaba đã có hành vi thành lập 22 pháp nhân, sau đó tự vẽ ra 58 dự án bất động sản "ma" chưa được cấp phép dự án, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hoàn toàn chưa có cơ sở pháp lý tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận.
Các giám đốc công ty con được chỉ đạo tự phân lô, tách thửa đất nền trái phép, sau đó lừa bán cho hàng ngàn khách hàng, với số tiền thiệt hại được xác định tới nay đã lên đến hơn 2.100 tỷ đồng.
Theo lời khai của nhiều bị hại, khi bị các nhân viên công ty Alibaba dẫn dụ, mời chào đi xem đất đã được tư vấn cam kết công ty "ra hàng" với lãi suất khủng. Cụ thể, nhân viên công ty Alibaba cam kết thuê lại lô đất của khách hàng với 2%/tháng, áp dụng cho những hợp đồng thanh toán 95%. Còn nếu giữ hợp đồng sau 12 tháng sẽ được công ty Alibaba cam kết mua lại lô đất với chênh lệch từ 30% và 38% đối với hợp đồng đã mua được 15 tháng tại bất kỳ dự án nào của công ty này.
Thậm chí, cho đến khi HĐXX xét hỏi tại tòa, một số bị hại vẫn cho rằng bị cáo Nguyễn Thái Luyện không lừa đảo, dự án đất nền là có thật và đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng với Công ty Alibaba.
Một số bị hại vẫn muốn nhận lại đất, thay vì yêu cầu bồi thường bằng tiền, do tin rằng giá trị của các nền đất đã tăng lên nhiều so với thời điểm ký hợp đồng mua đất với công ty Alibaba.
Tuy nhiên, Thẩm phán Trần Minh Châu, chủ tọa phiên tòa đã phải nhắc nhở, thường xuyên lưu ý các bị hại rằng các dự án của công ty Alibaba đều là các dự án không có thật, chưa có giấy phép phân lô, tách thửa, cũng như chưa được cho phép chuyển đổi loại đất. Đây thực chất đều là các hợp đồng “ma” của Công ty Alibaba với khách hàng.
Về phía đại diện VKS khi tham gia xét hỏi cũng khẳng định, toàn bộ các dự án của công ty CP Địa ốc Alibaba đều được vẽ trái phép trên đất nông nghiệp, sau đó quảng cáo không đúng sự thật, để lừa bán và chuyển nhượng cho nhiều khách hàng.
Cũng theo đại diện cơ quan công tố, đến nay cơ quan điều tra đã làm việc được với 4.065 khách hàng tố cáo bị công ty Alibaba chiếm đoạt số tiền là 2.108 tỷ đồng từ hợp đồng mua đất nền tại các dự án "ma" kể trên./.