Hàng ngàn người ngồi nhà đổi bằng lái xe, thẻ BHYT chỉ trong 4 ngày

Thu Hằng |

Sau 4 ngày khai trương cổng dịch vụ công quốc gia, đã có 2,3 triệu người truy cập, 1.358 hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trên mạng.

Thông tin này được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao trong năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 với 9 bộ, ngành vào sáng nay.

Cấp đổi bằng lái xe nhiều nhất

Ông Dũng cho hay, đến 16h ngày 12/12, tức là sau 4 ngày khai trương cổng dịch vụ công quốc gia, đã có 2,3 triệu người truy cập với 1.358 hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý.

Hàng ngàn người ngồi nhà đổi bằng lái xe, thẻ BHYT chỉ trong 4 ngày - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Trong đó, có 581 hồ sơ đề nghị cấp mới điện hạ áp và trung áp, 693 hồ sơ đổi giấy phép lái xe và cấp giấy phép lái xe quốc tế, 51 hồ sơ liên quan đến cấp lại giấy BHYT do bị hỏng, mất.

"Đây là sản phẩm ban đầu, trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục làm giàu dữ liệu, đưa thêm các dịch vụ công khác vào tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia như khai bổ sung hồ sơ hải quan, kê khai thuế DN…", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Cổng dịch vụ công quốc gia vừa được Chính phủ khai trương ngày 9/12, bước đầu đưa 8 dịch vụ công vào áp dụng.

Trong đó, có 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố gồm: đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ DN) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.

3 dịch vụ công thực hiện tại cấp bộ gồm: cấp giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó là 2 tiện ích nộp thuế điện tử đối với DN và tiện ích thanh toán tiền điện.

Ngoài ra, TP.HCM có thêm dịch vụ đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; Hà Nội có dịch vụ đăng ký khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân và Quảng Ninh, Hải Phòng là dịch vụ đăng ký khai sinh.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số lượng hồ sơ cấp lại thẻ BHYT trung bình hàng năm khoảng 2,6 triệu. Khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến giảm thời gian đi lại 1 ngày làm việc với 4 lượt đi lại. Từ đó, chi phí tiết kiệm được sẽ là 886,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với BHXH, các thông tin được tự động điền vào mẫu đơn, tờ khai và tái sử dụng hồ sơ giúp người dân, DN không phải nộp lại hồ sơ, giấy tờ nhiều lần giúp giảm tối thiểu 1 giờ làm việc.

Từ đó, chi phí tiết kiệm được hơn 71,8 tỷ đồng, đưa tổng chi phí tiết kiệm tối thiểu khi thực hiện thủ tục này là 958,4 tỷ đồng.

Tương tự, Bộ Công thương cũng tiết kiệm tối thiểu hàng năm 1.558 tỷ đồng từ việc áp dụng làm thủ tục dịch vụ khuyến mãi qua cổng dịch vụ công quốc gia. Sẽ thống nhất quy trình, hồ sơ và các giải pháp, giảm tối thiểu việc gặp mặt giữa DN với cán bộ.

Theo tính toán của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, tổng hợp chi phí tiết kiệm tối thiểu đối với 8 nhóm dịch công thực hiện trực tuyến hơn 4.222 tỷ đồng.

80 đề án sắp hết hạn, nợ 11 văn bản và 1.223 nhiệm vụ

Nói về nhiệm vụ của các bộ ngành trong năm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong chương trình công tác năm 2019, tổng số có 511 đề án, đến nay các bộ, ngành đã trình 390 đề án, trong đó đã ban hành 197 đề án.

Như vậy mới đạt 50,5%, chưa trình 121 đề án, trong đó có 41 đề án quá hạn, còn 80 đề án khác sắp hết hạn vào thời điểm 31/12.

Với 9 bộ, ngành tham gia cuộc họp kiểm tra hôm nay, tổng số nhiệm vụ được giao là 251 đề án, tổng số nợ là 71 đề án, chương trình, trong đó 29 đề án quá hạn.

Về văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, 9 bộ phải ban hành 56 văn bản quy định chi tiết, hiện đã ban hành 45 văn bản, nợ đọng 11 văn bản, trong đó có 10 văn bản thuộc trách nhiệm của các bộ.

Riêng Bộ Công an nợ 6 văn bản, trừ 2 văn bản liên quan đến luật An ninh mạng thì còn 4 văn bản, Bộ Công thương còn 3 văn bản, Bộ GD&ĐT còn 1 văn bản… Đây là nhóm các bộ, ngành có văn bản nợ đọng, quá hạn nhiều nhất.

Về đầu mục nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, 9 bộ có 2.412 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 1.199, còn nợ 1.223.

Hiện còn 1.163 nhiệm vụ trong hạn, 50 nhiệm vụ quá hạn, chiếm 2,7 %. Tỷ lệ này được xem là khá cao khi bình quân cả nước, tỷ lệ nhiệm vụ nợ quá hạn chỉ 0,57%.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, trong tất cả các phiên họp, Thủ tướng luôn chỉ đạo các bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng chương trình công tác.

"Chỉ còn 15 ngày nữa là hết năm 2019, nếu các bộ ngành không làm nhanh, số văn bản, đề án, nhiệm vụ được giao sẽ trở thành quá hạn", Bộ trưởng nhắc nhở.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại