Hôm 27-1, ông Trump ban hành sắc lệnh cấm người dân 7 nước Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia và Yemen nhập cảnh vào Mỹ, tức khoảng 134 triệu người, dựa trên số liệu điều tra năm 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB). Lệnh cấm tạm thời có hiệu lực trong vòng 1 tháng.
Ngoài ra, chương trình tiếp nhận người tị nạn của Mỹ cũng bị đình chỉ 3 tháng. Theo đó, số lượng người tị nạn có thể vào Mỹ trong năm 2017 giảm từ 110.000 người xuống còn 50.000 người.
“Tôi đang đề ra biện pháp rà soát mới giúp chặn những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan tới Mỹ. Chúng tôi không muốn họ ở đây” - Trump cho biết khi ông ký sắc lệnh.
Bên cạnh những người hoan nghênh động thái kể trên, có nhiều người phản đối, chẳng hạn cuộc biểu tình ở Trường ĐH Harvard vào tối 27-1.
Trong thỉnh nguyện thư bao gồm chữ ký của hàng ngàn học giả hàng đầu – trong đó có 11 người từng đoạt giải Nobel, họ lên án sắc lệnh “phân biệt đối xử, làm phương hại đến an ninh quốc gia” của tân tổng thống Mỹ.
Theo ban tổ chức, mỗi phút có 10 email phản đối được gửi tới và 15-20 tình nguyện viên làm việc liên tục để bổ sung chữ ký mới vào thỉnh nguyện thư.
Giáo sư Emery Berger tại Trường Massachusetts Amherst, nói rằng các học giả nước ngoài đang lên kế hoạch tránh hoặc tẩy chay các hội nghị tổ chức tại Mỹ. “Sinh viên nước ngoài lo ngại trước viễn cảnh họ không thể quay lại Mỹ nếu về nước” – ông Berger cho biết.
Một quan chức trong bộ máy chính quyền Trump khi được báo The Washington Post liên lạc đã không bình luận về thỉnh nguyện thư nói trên.
Tân tổng thống Mỹ nhiều lần kêu gọi áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với người nhập cư vào Mỹ, đặc biệt là sau vụ tấn công khủng bố gây chết người ở TP San Bernardino, bang California.
Sau một vụ tấn công khác vào Trường ĐH bang Ohio tháng 11 năm ngoái, ông Trump nhấn mạnh nghi phạm Abdul Razak Ali Artan – kẻ lái chiếc ô tô 4 chỗ hiệu Honda đâm vào đám đông bên ngoài ngôi trường, người Somalia – đáng lẽ không nên được phép nhập cảnh vào Mỹ.