Hàng loạt vụ học sinh tự tử: Chuyên gia chỉ cách vượt nghịch cảnh, phát triển năng lực

Cung Huyền |

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - sự ra đi của hai em học sinh mới đây tại Hà Nội và Bắc Ninh cũng rung lên hồi chuông cảnh báo về chuyện những người trẻ có thể gây hại cho chính mình.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ học sinh tự tử, điển hình như vụ nữ học sinh lớp 8 ở Bắc Ninh và nam sinh lớp 10 trường chuyên ở Hà Nội đã khiến nhiều người không khỏi xót xa, thương cảm.

Điểm chung của các vụ việc này là các em học sinh đều nhận lỗi về mình, thông qua những bức thư các em để lại, chuyên gia nhìn nhận có thể các em đã phải đối diện với những áp lực vô hình, nhưng do thiếu kỹ năng vượt qua nghịch cảnh, vượt qua vùng trũng cảm xúc nên đã khiến các bi kịch đã xảy ra.

Nhiều phụ huynh đau xót và suy ngẫm

Hàng loạt vụ học sinh tự tử: Chuyên gia chỉ cách vượt nghịch cảnh, phát triển năng lực - Ảnh 1.

Trong hai vụ việc gần đây nhất, các em học sinh đã tự dằn vặt chính mình rất nhiều trước khi kết thúc cuộc đời ở độ tuổi còn quá trẻ.

Chị Nguyễn Thanh Thu (27 tuổi, Hải Dương) xúc động sau khi biết tới vụ việc của nam sinh lớp 10 ở Hà Nội mới đây: "Mình đã khóc khi đọc xong bức thư, không đủ can đảm xem clip trên mạng xã hội. Bản thân mình cũng từng trải qua tuổi trẻ bồng bột, rất nhiều lần cũng nghĩ quẩn chỉ vì không thể tìm thấy sự đồng cảm. Thương em học sinh đó quá, thương cả bố mẹ em, yêu con hết lòng chỉ là cách thể hiện đó khiến em mệt mỏi".

Chia sẻ về vụ việc này, chị Vũ Huệ (32 tuổi, Hà Nội) tỏ ra đồng cảm, chị Huệ cho biết: "Bố mẹ sẽ nghĩ đi làm vất vả để nuôi con ăn học, gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến họ đặt rất nhiều kỳ vọng vào con cái. Trong khi các con thì nghĩ không ai lắng nghe, không ai thấu hiểu, lại thêm ở tuổi dậy thì, cảm xúc lấn át…"

Nhiều phụ huynh cho biết, quá trình nuôi dạy con ở độ tuổi vị thành niên không hề đơn giản, đôi khi chính bố mẹ cũng đang bối rối. “Thật sự không trách bố mẹ của các cháu học sinh, vì làm cha mẹ nên đều muốn điều tốt đẹp cho con cái nhưng có những điều mà cả cha mẹ và con cái không thể thông suốt cho nhân nên mới đi đến cơ sự này. Một phút suy nghĩ tiêu cực có thể dẫn tới sai lầm không thể cứu vãn được. Bản thân mình cũng làm mẹ và con mình rất bướng bỉnh, nhiều khi cũng bất lực lắm”, một phụ huynh cho hay.

Đêm qua, nhiều phụ huynh tâm sự rằng họ đã phải nhìn nhận chính bản thân mình. Nỗi sợ “mình đang sai” khiến nhiều ông bố, bà mẹ bật khóc khi nhận ra rằng mình cũng từng là nạn nhân của những áp lực học đường, cũng từng tổn thương tâm lý khi không có sự chia sẻ từ cha mẹ. Điều đó khiến nhiều người cảm thấy có lỗi khi chót áp đặt với con cái.

“Vượt qua những điểm trũng cảm xúc thì chúng ta sẽ rất khác”

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chuyên gia tâm lý, chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN, sự ra đi của hai em học sinh cũng rung lên hồi chuông cảnh báo về chuyện những người trẻ có thể gây hại cho chính mình.

“Trong giai đoạn vị thành niên, sự hay đổi về hormone khiến các bạn nhìn những sự việc tiêu cực trở nên nặng nề hơn. Vì vậy, trong giai đoạn này, bạn nào thoáng có ý định tự sát thì không phải bất bình thường đâu. Đây cũng là giai đoạn các bạn cần thích ứng, tư duy ý niệm về sự sống và cái chết trong cuộc đời”, PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể về vấn tâm lý tiêu cực học đường, ông Nam cũng giải thích rằng những cảm xúc tiêu cực khi chúng ta đối diện với một nỗi thất vọng to lớn như là thất bại trong một cuộc thi sau khi chúng ta đã cố gắng rất nhiều thì điều rất bình thường.

Hàng loạt vụ học sinh tự tử: Chuyên gia chỉ cách vượt nghịch cảnh, phát triển năng lực - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chuyên gia tâm lý, chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN

Đặc biệt, những bạn học sinh đã dồn quá nhiều tâm sức, tư tưởng cho những mục đích này sẽ dễ sụp đổ, mất đi hết những giá trị cuộc sống. Các bạn ấy tự bỏ chạy ra khỏi những gì mình không thể giải quyết được, hãy nhớ rằng nó chỉ là cảm xúc nhất thời của bạn vào lúc nào đó mà thôi.

“Mỗi chúng ta sống trong cuộc đời, ai cũng xảy ra một vài khủng hoảng nhưng các bạn cần suy nghĩ rộng ra, có thể nguyên nhân thất bại nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các bạn chứ. Có một số bạn sử dụng cách thức gây hại như cách trả thù bản thân, vì các bạn quy hết trách nhiệm thất bại do bản thân mình.

Ở trong trường hợp này, một số bạn chọn cách trốn chạy, cho rằng đây là giải pháp duy nhất để thoát khỏi những khó khăn. Các bạn hãy nhớ rằng đó chỉ là cảm xúc nhất thời ở ngay thời điểm đó, bản thân các bạn không nhất thiết phải thực hiện theo chúng. Có thể những suy nghĩ này chỉ kéo dài vài giờ thôi, vượt qua những điểm trũng của cảm xúc rồi, thì chúng ta cảm thấy rất khác”. PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Áp dụng nguyên tắc dây thun tự đàn hồi

Anhxtanh hay Edison đều là những nhà khoa học trải qua nhiều thất bại, cuộc sống có nhiều con đường, người thành công, trước hết là người sống sót. Chia sẻ với PV, PGS.TS Trần Thành Nam đúc kết rằng trong bối cảnh hiện tại, không phải những cá thể mạnh nhất, thông minh nhất sẽ tồn tại mà là những người thích ứng tốt nhất sẽ thành công.

Vì vậy hãy trì hoãn mọi quyết định gây hại đến bản thân, thay vì đó suy nghĩ xem mình sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ đâu. Hãy loại bỏ tất cả những gì ở trong nhà có thể gây hại cho bạn. Ở trong những giai đoạn cảm xúc ổn định thì đừng nên ở một mình.

Hàng loạt vụ học sinh tự tử: Chuyên gia chỉ cách vượt nghịch cảnh, phát triển năng lực - Ảnh 3.

Các bạn trẻ không nên ở một mình khi trong trạng thái tâm lý không ổn định.

PGS.TS Trần Thành Nam khuyên nhủ các bạn trẻ nếu căng thẳng và áp lực nên áp dụng nguyên tắc dây thun tự đàn hồi. Ông Nam nói: “Các bạn giống như những dây thun thôi, nếu áp lực vượt quá giới hạn đàn hồi thì dây thun sẽ đứt. Chúng ta khó có thể hồi phục lại thể chất và tinh thần, vì vậy chúng ta có thể căng nhưng ở trong giới hạn thôi. Một giải pháp để tăng năng lực phục hồi sau nghịch cảnh, giống như dây thun căng ra thì bây giờ mình phải trùng lại, cần phát triển năng lực tự phục hồi để vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh”.

Chuyên gia tâm lý Trần Thanh Nam cũng dẫn chứng những việc làm cụ thể, cần phải bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất. Ví dụ như việc máy tính bị lỗi khi cần dùng, phải đối mặt với mất mát trong một mối quan hệ nào đó, mất việc hay gặp phải vấn đề về bạo lực,...

Để vượt qua những điều này cần phải có bốn trụ cột: sức khỏe thể chất tốt; duy trì một lối sống tốt; phát triển mối quan hệ xã hội tốt, có thể an toàn và tin tưởng lẫn nhau; phát triển đời sống cảm xúc tốt.

Và đặc biệt, nếu có thể hãy gần gũi những tấm gương vượt khó, những người truyền cảm hứng ở xung quanh để xác định lại mục đích và ý nghĩa cuộc sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại