Cho khỉ hoang dã ăn sẽ tạo ra nhiều hậu quả
Bất chấp "chiều hư khỉ hoang dã"
Hàng ngày, đàn khỉ hàng chục con tập trung dưới chân núi Sơn Trà (đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Xung quanh đó, hàng chục người dân, du khách cả người lớn, trẻ nhỏ thích thú đứng xem, cho đàn khỉ ăn.
Theo quan sát của PV, tình trạng này xuất hiện nhiều vào khoảng 16h hàng ngày. Thời điểm này, lực lượng bảo vệ mỏng, người tập trung đông nên không thể quán xuyến. Nhiều bậc phụ huynh dắt theo trẻ nhỏ đến xem và cho khỉ ăn. Tại đây, một số cơ sở kinh doanh trái cây còn mang nhiều bao trái cây hết hạn ra cho khỉ ăn khiến hàng trăm con khỉ đổ ra đường.
Nhiều người dân chở theo cả trẻ em đến chân núi Sơn Trà xem khỉ tự nhiên
"Thấy khỉ xuống đây nhiều nên tôi chở cháu đến xem cho biết. Bọn trẻ rất thích thú. Tôi cũng thấy thương nên ném thức ăn cho bọn chúng", chị T.H.L (trú quận Sơn Trà) cho biết.
Theo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, tình trạng cho khỉ ăn xuất hiện từ 2 năm trở lại đây và gây ra nhiều vụ tai nạn xe thương tâm. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), khoảng 10 cá thể khỉ đã bị cán chết hoặc trở nên tật nguyền khi tràn xuống đường theo thói quen để chờ người dân cho thức ăn.
Những người này vô tư cho khỉ ăn
"Ban quản lý bán đảo đã dựng biển cấm, lập 4 chốt kiểm lâm để nhắc nhở người dân không cho khỉ ăn. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ có hạn nên không thể ngăn cản được tình trạng này. Nhiều người thậm chí tranh cãi với chúng tôi, không chịu ngưng hành động cho ăn dù được nhắc nhở", bảo vệ Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Ông Hùng cũng tiết lộ ngoài việc chờ đợi được cho ăn, nhiều cá thể hung dữ còn quay lại tấn công con người.
Nan giải vấn đề quản lý
Theo một cán bộ kiểm lâm tại Sơn Trà, trước đây khỉ chỉ sống trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Tuy nhiên, du lịch phát triển khiến du khách càng nhiều, môi trường sống bị ảnh hưởng nên việc tìm kiếm thức ăn khó khăn hơn. Khỉ ra đường để tìm thức ăn và được người dân cho ăn nên ngày càng dạn dĩ.
Ông Phan Minh Hải, Phó trưởng Ban quản lý (BQL) Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho hay thường xuyên cho khỉ ăn tại khu vực bán đảo Sơn Trà đã tạo nên thói quen xấu cho đàn khỉ nơi đây. Chúng thay vì sử dụng bản năng để tìm thức ăn trong tự nhiên thì trở nên thụ động, mất đi tập tính kiếm ăn mà chỉ chực chờ người dân ban phát.
Những tấm biển cảnh cáo gần như không có tác dụng vì ý thức người dân chưa được nâng cao
Cũng theo ông Hải, việc cho khỉ và các loại động vật hoang dã khác ăn là hành vi ngược đãi động vật. Pháp luật hiện đã có quy định nhưng chưa có chế tài xử phạt cụ thể.
"Chúng tôi hiện chỉ thực hiện việc nhắc nhở là chính. Ngoài ra, Ban phối hợp với nhiều đơn vị, tăng cường hệ thống loa phát thanh lưu động để nâng cao nhận thức, cảnh báo người dân.
Tuy nhiên, việc quản lý vẫn chưa hiệu quả vì công tác quản lý còn thiếu hụt nhân sự và chưa có mô hình quản lý đồng bộ. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là nâng cao nhận thức của người dân, du khách khi đến tham quan tại bán đảo Sơn Trà", ông Hải nói.
Một cá thể khỉ bị thương khi xuống đường tìm thức ăn
Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh tại Đà Nẵng, chia sẻ hiện lượng khỉ đổ ra đường có ngày lên đến 200 con và tập trung tại cánh phải bán đảo ở 3 khu vực chính gồm Hồ Xanh, Miếu Ông Hổ (Miếu Đôi) và xung quanh khách sạn Intercontinental.
Và có những vụ tai nạn khiến khỉ núi Sơn Trà bị chết
Theo ông Vỹ, người dân thường xuyên cho khỉ ăn sẽ lây các bệnh của người cho khỉ như cảm cúm, viêm lợi… Hiện Green Việt đang phối hợp với BQL bán đảo đưa ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài như tổ chức dọn rác tại bán đảo, thiết kế thùng rác chuyên dụng để tránh khỉ đào bới tìm thức ăn, hạn chế trồng cây ăn trái thu hút khỉ.
"Với tình trạng hiện nay, để trả lại hiện trạng vốn có cho bán đảo Sơn Trà, đưa khỉ quay trở lại lối sống tự nhiên cần khoảng 5-10 năm và có sự phối hợp từ nhiều phía", ông Vỹ cho hay.
Cho khỉ hoang dã ăn ở núi Sơn Trà