Khác với các nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao trên thị trường như bất động sản, chứng khoán, dầu khí..., nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực hàng không ít được giới đầu tư chú ý hơn do không có nhiều sự lựa chọn.
Trên cả 3 sàn hiện chỉ có 7 doanh nghiệp liên quan đến ngành hàng không đang giao dịch, bao gồm CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài – NoiBai Cargo (NCT), CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng – Masco (MAS), CTCP Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất – Sasco (SAS), CTCP Xuất nhập khẩu hàng không – Arimex (ARM), CTCP In hàng không – Aviprint (IHK), CTCP Suất ăn hàng không Nội Bài – NoiBai Catering Services (NCS) và CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN).
Ngày 21/11 tới đây, “ông lớn” TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ lên sàn, qua đó nâng số lượng cổ phiếu hàng không giao dịch trên thị trường tập trung lên con số 8.
Bên cạnh yếu tố ít doanh nghiệp niêm yết, việc các cổ đông lớn, nội bộ nắm giữ phần lớn cổ phần dẫn tới lượng lưu hành tự do khá thấp và điều này khiến nhà đầu tư thứ cấp không thực sự mặn mà với cổ phiếu hàng không.
Cùng với đó, tỷ lệ margin cho danh mục cổ phiếu hàng không tại các CTCK khá hạn chế càng khiến nhà đầu tư “thờ ơ” với nhóm cổ phiếu này.
Cổ phiếu hàng không “cất cánh”
Báo cáo KQKD 9 tháng đầu năm được công bố cho thấy những tín hiệu tích cực của các doanh nghiệp hàng không.
Tiêu biểu là trường hợp SGN lãi ròng 136 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ 2015 do Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh mới đi vào hoạt động.
Các doanh nghiệp khác như Sasco lãi 140 tỷ đồng, tăng 11%; Masco lãi 35,4 tỷ đồng, tăng 32%; Arimex lãi 5,54 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, không phải doanh nghiệp hàng không nào cũng đón nhận niềm vui. Cụ thể, NoiBai Cargo sau nhiều năm tăng trưởng tích cực đã gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ như CTCP Logistics Hàng không (ALS) và Trung tâm Dịch vụ ga hàng hóa Nội Bài (ACS) khiến lợi nhuận sụt giảm.
Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của NoiBai Cargo giảm mạnh 19% xuống còn 205 tỷ đồng.
Với KQKD khả quan cùng với đặc thù ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhóm cổ phiếu hàng không nhìn chung có biến động khá tích cực với mức tăng hàng chục phần trăm (tính theo giá điều chỉnh) từ đầu năm tới nay.
Trong phiên giao dịch 17/11, các cổ phiếu hàng không như SGN, NCT, SAS, NCS đã bứt phá khá mạnh.
Việc các cổ phiếu hàng không “nổi sóng” ngoài yếu tố kết quả kinh doanh khả quan còn có thể đến từ kỳ vọng của giới đầu tư khi các “ông lớn” như ACV, Vietnam Airlines hay VietJet Air sẽ lên sàn.
Có thể thấy, sự kiện Sabeco, Habeco lên sàn đã khiến nhóm cổ phiếu ngành bia dậy sóng. Có lẽ, nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng nhóm cổ phiếu hàng không sẽ lặp lại những điều tương tự.
Hiện tại, Vietnam Airlines đã tiến hành IPO và VietJet Air cũng đang lên kế hoạch IPO trong thời gian tới, trong khi ACV sẽ chính thức lên sàn trong vài ngày nữa với giá tham chiếu 25.000 đồng.
Cổ phiếu hàng không tăng vọt trong phiên 17/11
Du lịch hàng không tăng trưởng vượt bậc
Trong những năm gần đây, nhu cầu đi lại, du lịch bằng đường hàng không ngày càng trở nên phổ biến và điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp hàng không.
Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam hiện là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới.
Số liệu từ Tổng cục du lịch cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây.
Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2016, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng vọt lên 6,78 triệu lượt, vượt qua con số trong cả năm 2015.
Theo nhận định của một CTCK thì ngành hàng không của Việt Nam vẫn trong giai đoạn đầu của quá trình tăng trưởng.
Theo ước tính, lượng hành khách và hàng hóa sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lần lượt là 13,9% và 10% trong vòng 5 năm tiếp theo. Do đó, sẽ không bất ngờ khi cổ phiếu hàng không sẽ trở thành món hàng “hot” trong thời gian tới.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không tăng vọt trong năm 2016