Mặc dù được đấu nối lưới điện vào cuối tháng 12/2020 nhưng ngày 25/3/2021, một nhóm công nhân đang trèo trên mái để lắp đặt những tấm quang điện tại trang trại tổng hợp Kỳ Lạc
Như Infonet đã phản ánh trong bài: "Hàng loạt dự án điện mặt trời lách luật, 'núp bóng' trang trại, lợi dụng ưu đãi ở Hà Tĩnh" , thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh rộ lên phong trào đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời. Lợi dụng chủ trương khuyến khích của nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã xin chủ trương đầu tư dự án nông nghiệp để làm điện mặt trời.
Căn cứ theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 13) ban hành ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư số 18 ngày 17/7/2020 (thông tư 18) hướng dẫn quy định về phát triển dự án điện mặt trời.
Theo đó, quy định đối với hệ thống ĐMTMN có tổng công suất không quá 01 MW, mỗi hệ thống ĐMTMN được ký hợp đồng mua bán điện riêng biệt và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
Điều kiện để được ngành điện đấu nối mua điện mặt trời thương phẩm là phải có dự án nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt), tận dụng tầng mái công trình dự án chăn nuôi để lắp tấm pin năng lượng.
Để “lách luật”, hưởng ưu đãi, chủ đầu tư đã chia nhỏ nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà, mỗi hệ thống do 1 chủ đầu tư đứng tên và có công suất không quá 1 MW.
Chỉ trong vòng 2 năm, Hà Tĩnh có đến 485 cá nhân, tổ chức tham gia lắp đặt điện mặt trời, với công suất đấu nối là 144 MWp. Đặc biệt riêng tháng 12/2020, có gần 200 khách hàng ký hợp đồng mua bán và đấu nối vào lưới điện nhằm hưởng giá ưu đãi theo quy định.
Những cây đinh lăng èo uột tại trang trại nông nghiệp công nghệ cao vùng Bãi Ràn, thôn Thượng Phú, xã Hồng Lộc (huyện Lộc Hà).
Chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực từ 31/12/2020, tức là các ưu đãi sẽ chấm dứt đối với dự án đấu nối từ ngày 1/1/2021.
Theo danh sách khách hàng đấu nối điện mặt trời mái nhà của tỉnh, có 9 đơn vị ở huyện Nghi Xuân cùng đóng điện ngày 24/12/2020, nhưng đến ngày 31/12 chỉ có 4 đơn vị có sản lượng điện.
Trong khi đó, nhiều đơn vị đấu nối ngày 28/12, thậm chí là 30/12/2020 vẫn có sản lượng điện bán cho Công ty Điện lực Hà Tĩnh.
Cũng theo danh sách này, có rất nhiều trường hợp không thể hiện hợp đồng, không ghi ngày đóng điện nhưng vẫn có sản lượng điện bán cho Công ty Điện lực Hà Tĩnh.
Hơn nữa, tình trạng một người đứng tên 2 hoặc 3 công ty để đầu tư 2 hoặc 3 MW điện trên cùng một trang trại không phải là hiếm, như Trần Doãn Bình, Phạm Thanh Thắng, Trần Tiến Đạt (Kỳ Lạc, Kỳ Anh); Trần Bảo Trung, Trần Xuân Linh (Lâm Trung Thủy, Đức Thọ).
Theo quy định thì ngành điện chỉ đấu nối cho dự án ĐMTMN khi trang trại đã đi vào hoạt động. Nhưng trên thực tế, hầu hết các trang trại này chưa triển khai chăn nuôi, trồng trọt mà chỉ lắp đặt tấm pin để kinh doanh điện và vẫn được ngành điện đấu nối. Điển hình là các dự án của Tập đoàn Hoành Sơn.
Trước hiện tượng các nhà đầu tư có dấu hiệu lách luật, lợi dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ, Điện lực Hà Tĩnh xử lý như thế nào? Khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm, điện lực có ngừng đấu nối hay tiếp tục mua điện coi như "sự đã rồi", hợp thức hóa sai phạm?
Phản hồi Ông Trần Đức Sơn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh trả lời bằng văn bản nêu: “Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện các thủ tục đấu nối, ký kết hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống ĐMTMN trên địa bàn theo đúng hướng dẫn tại Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 18 hướng dẫn của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
Còn về hoạt động sản xuất của trang trại nông nghiệp thì không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của Công ty Điện lực Hà Tĩnh”.
Mặc dù chưa triển khai trồng trọt và chăn nuôi nhưng Dự án trang trại tổng hợp Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh) đã có tờ khai kinh tế trang trại là tổng vốn đầu tư 9,5 tỷ đồng, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 2 tỷ đồng/năm.
Thông tin về việc những đơn vị đã ký kết hợp đồng và tiến hành đấu nối, nhưng đến 31/12/2020 - thời điểm kết thúc ưu đãi - vẫn chưa có sản lượng điện bán cho điện lực thì có được hưởng giá ưu đãi 1.943 đồng/kWh hay không, ông Trần Đức Sơn cho hay: “Theo quy định, tất cả các hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn đã ký kết hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Hà Tĩnh, sẽ thực hiện các điều khoản theo đúng hợp đồng mua bán điện đã ký kết.
Do vậy, việc ghi nhận sản lượng và thực hiện thanh toán tiền điện sẽ thực hiện theo đúng các điều khoản trong hợp đồng mua bán điện mà các bên đã ký kết”.
Về vấn đề, tại sao trong danh sách khách hàng đấu nối điện mặt trời mái nhà trên địa bàn Hà Tĩnh, có trường hợp không thể hiện hợp đồng, không ghi ngày đóng điện nhưng vẫn có sản lượng điện, ông Trần Đức Sơn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà cho rằng: “Tất cả các chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn Hà Tĩnh khi có giấy đề nghị bán điện, Công ty Điện lực Hà Tĩnh thực hiện thủ tục kiểm tra kỹ thuật đóng điện và ký kết hợp đồng mua bán điện theo đúng quy định”.
Việc ngành điện nắm rõ được các vấn đề khuất tất, lách luật của nhiều dự án điện mặt trời tại Hà Tĩnh nhưng không có phản ứng, liệu có phải nhắm mắt làm ngơ cho yên chuyện hay vì lý do nào khác?
Trách nhiệm các sở ngành khác khi đặt bút ký đồng ý cho các dự án này được hưởng các ưu đãi mà không hề kiểm tra hiện trạng thực tế dự án ra sao? Infonet sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này!