Hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM có nguy cơ bị thu hồi

Gia Phú |

UBND TP.HCM vừa ra thông báo sẽ thu hồi hàng loạt dự án bất động sản của chủ đầu tư “xí” đất nhiều năm nhưng không chịu thực hiện. Giới phân tích cho rằng, đây là cơ hội cho TP.HCM tạo quỹ đất phát triển nhà ở giá rẻ.

Triệt tiêu dự án “xí phần" rồi để đó

Thông tin cụ thể được UBND TP.HCM đưa ra mới đây cho biết, trước việc nhiều dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố “xí” đất nhưng không chịu triển khai, gây lãng phí quỹ đất, các cơ quan chức năng TP.HCM vừa tiến hành kiểm tra và đề nghị có biện pháp xử lý mạnh tay.

Cụ thể, tại Dự án Cung cư A22 có diện tích 13.704 m2 thuộc khu 13 Nam Sài Gòn đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chủ quyền năm 2008 do Công ty cổ phần Xây dựng công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, sau đó, đơn vị này không thực hiện, mà chuyển nhượng khu đất cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Ngọc Đông Dương (Công ty Ngọc Đông Dương).

Sau đó, Công ty Ngọc Đông Dương cũng không khởi công xây dựng dự án. Đến năm 2013, công ty này có văn bản cam kết đến tháng 12/2013 sẽ khởi công xây dựng.

Thế nhưng, đến thời điểm này, Công ty Ngọc Đông Dương tiếp tục không thực hiện với lý do khó khăn tài chính và cũng không báo cáo giám sát đầu tư theo quy định.

Tương tự, tại Khu đô thị 13A thuộc Khu đô thị mới Nam Thành phố, dù đã được UBND Thành phố giao đất nhiều năm, nhưng đến nay, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Xây dựng công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang mới xong san lấp và bồi thường giải phóng mặt bằng.

Các hệ thống giao thông, cấp thoát nước mới thực hiện trên khoảng 50%, nhưng hiện nay đã xuống cấp. Nhiều hạng mục như trường mầm non, trường trung học cơ sở, trung tâm y tế đều chưa thực hiện...

Còn tại Dự án khu 13B do Công ty cổ phần Xây dựng đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong - CONIC làm chủ đầu tư với quy mô hơn 26 ha, hiện mới hoàn thành bồi thường giải phóng và san lấp mặt bằng.

Hệ thống giao thông, vỉa hè mới thực hiện trên 70%, trạm xử lý nước thải chưa thực hiện. Các hệ thống hạ tầng xã hội chủ đầu tư chưa xây dựng.

Trước tình hình trên, Ban Quản lý khu Nam đã đưa ra thời hạn cụ thể buộc các chủ đầu tư triển khai thực hiện. Trường hợp các chủ đầu tư vẫn không thực hiện theo cam kết, Ban Quản lý khu Nam sẽ báo cáo UBND TP.HCM đề xuất xử lý dự án chậm triển khai theo Điều 64, Luật Đất đai.

Cụ thể, đối với đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án, thì chủ đầu tư được gia hạn thêm 24 tháng, nhưng phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với thời gian chậm tiến độ thực hiện.

Nếu hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, thì Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

Bên cạnh đó, phía UBND TP.HCM cũng cho biết, hiện Thành phố cũng giao có Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Xây dựng rà soát 1.300 dự án chậm tiến độ xây dựng để thu hồi trong thời gian tới.

Cơ hội quỹ đất cho nhà ở giá rẻ

Giới phân tích cho rằng, việc thu hồi quỹ đất chậm triển khai của TP.HCM là cơ hội cho việc phát triển dự án nhà ở xã hội 200 triệu đồng/căn mà TP.HCM đang thiếu quỹ đất để triển khai.

Hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM có nguy cơ bị thu hồi - Ảnh 1.

TP.HCM hiện đang thiếu các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, trong khi quỹ đất để không đang khá lớn

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, chủ trương của Thành ủy và UBND TP.HCM về phát triển nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ tại Thành phố đã có từ Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 khi Thành phố đề ra Chương trình đột phá thứ 7 - "Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị".

Trong đó, có mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại giá rẻ để bán, bán trả góp dài hạn, cho thuê cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động và người nhập cư.

Tuy nhiên, tới nay, loại hình nhà ở giá rẻ này lại đang bị vướng, khi từ năm 2015 tới nay, có rất ít dự án được xây dựng. Trong khi, quy mô dân số TP.HCM hiện đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số; có hơn 400.000 sinh viên.

Hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới và qua khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, thì có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà; có khoảng 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại Thành phố, đã có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở, cần khoảng 80.000 căn hộ.

Trong tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của Thành phố, có đến 284.000 người (chiếm 70,6%) có nhu cầu nơi lưu trú, nhưng hiện chỉ mới giải quyết được chỗ ở cho 39.400 người, chiếm khoảng 15% nhu cầu.

Đặc biệt, ông Châu cho biết, theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Sở Xây dựng TP.HCM, từ nay đến năm 2020, Thành phố sẽ phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 30.000 căn.

Trong đó, những căn hộ nhà ỏ xã hội giá rẻ không cần diện tích lớn, chỉ khoảng 30 m2 (gồm 20 m2 sàn và 10 m2 gác lửng), có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn, phù hợp với tài chính của người thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của TP.HCM đó là thiếu quỹ đất cho những dự án dạng này.

“Việc thu hồi quỹ đất mà các doanh nghiệp “xí phần” không thực hiện được cho là cơ hội cho Thành phố sử dụng làm các dự án nhà ở xã hộ, nhà ở giá rẻ. 

Các quỹ đất này có thể giao cho các doanh nghiệp có thực lực thực hiện, theo giải pháp, một phần sản phẩm của dự án dành cho nhà ở xã hội, phần còn lại cho chủ đầu tư bán theo giá thương mại để hoàn vốn”, ông Châu nói.

Câu chuyện này cũng được các doanh nghiệp địa ốc cho rằng cần thiết. Tổng giám đốc của một doanh nghiệp chuyên làm nhà ở giá rẻ cho biết, cái khó nhất hiện nay đó là quỹ đất để doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở giá rẻ cho người dân.

Trong khi đó, các quỹ đất đang bị doanh nghiệp “xí phần” không thực hiện lại phù hợp với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Thêm vào đó, nó cũng phù hợp với chương trình giãn dân của TP.HCM đề ra tại Đại hội Đảng bộ 10 của TP.HCM.

Theo vị lãnh đạo này, với quỹ đất nhiều này, chỉ cần lãnh đạo Thành phố giao cho các doanh nghiệp có năng lực thực hiện, thì sẽ giải quyết những khó khăn về nhà ở cho người dân của Thành phố.

Thêm vào đó, TP.HCM cũng có thể bán đấu giá quỹ đất này để có tiền thực hiện các dự án giao thông trọng điểm mà Thành phố đang thiếu kinh phí thực hiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại