Theo đó, Cục đã liệt kê danh sách 8 doanh nghiệp buộc phải thu hồi tất cả các tên thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu Valsartan của Trung Quốc.
Đáng chú ý, trong danh sách 8 công ty này có 4 công ty dược niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, Công ty Cổ phần nhập khẩu y tế DOMESCO (tỉnh Đồng Tháp) thu hồi 3 thuốc, gồm: Doraval 80 mg, Doraval plus 160/25 mg, Oraval plus 80/12,5 mg. Domesco đang giao dịch cổ phiếu DMC trên sàn HOSE với mức giá 82.900 đồng.
Báo cáo tài chính công ty này cho thấy, năm 2017 công ty đạt doanh thu 1.363 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 207,6 tỷ đồng, cả hai chỉ số đều tăng mạnh so với 2016, trong đó lãi tăng 23%.
Quý 1 năm nay công ty đạt doanh thu 297 tỷ đồng và lãi sau thuế 52,1 tỷ, tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ hai là Công ty Cổ phần PYMEPHARCO (tỉnh Phú Yên) bắt buộc thu hồi 4 thuốc Pyvasart hàm lượng 40/80/160 mg và thuốc Pyvasart HCT 80/12.5 mg.
Công ty này đang giao dịch cổ phiếu PME trên sàn chứng khoán HOSE với mức giá 69.500/cổ phiếu.
Hết năm 2017, công ty đạt doanh thu 1.655 tỷ đồng, lãi sau thuế 286 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,6% và 19,6% so với 2016. Quý 1 năm nay, công ty đạt doanh thu 412 tỷ đồng và lãi sau thuế 73 tỷ đồng.
Hàng loạt thuốc có chứa chất gây ung thư bị thu hồi.
Thứ ba, Công ty Cổ phần dược phẩm Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) bị thu hồi thuốc Valsartan 80 mg. Công ty đang giao dịch cổ phiếu DCL trên sàn HOSE, giá cổ phiếu hiện đạt 14.000 đồng.
Báo cáo tài chính công ty này cho thấy, năm 2017, doanh nghiệp đạt doanh thu 775 tỷ đồng, tăng so với 2015.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 16 tỷ so với 2016 và đạt 74 tỷ đồng. Sở dĩ lãi doanh nghiệp giảm là do chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng cao. Đáng chú ý, chi phí lãi vay tăng 2,3 lần so với 2016.
Bước sang năm 2018, sau khi gặp hàng loạt vi phạm phải thu hồi sản phẩm, hết quý I trong khi doanh thu tăng cao nhưng lãi sau thuế giảm 2,3 lần so với cùng kỳ trước đó.
Thứ tư là Công cổ phần dược phẩm Trung ương 2 (Hà Nội), đơn vị này bắt buộc phải thu hồi thuốc tim mạch Tolzartan Plus 160 mg.
Công ty đang đăng ký giao dịch cổ phiếu DP2 trên UpCOM với mã cổ phiếu DP2. Hiện, giá cổ phiếu ở mức 9.100 đồng.
Báo cáo tài chính công ty 2017 cho thấy, công ty đạt doanh thu 151 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 14,5 triệu đồng. Nguyên nhân lợi nhuận thấp là do giá vốn hàng bán tăng, chi phí quản lý, lãi vay cũng tăng cao
Ngoài 4 doanh nghiệp này còn có một số doanh nghiệp khác cũng nằm trong danh sách phải thu hồi sản phẩm: Công ty cổ phần hóa dược Việt Nam (Hà Nội) thu hồi thuốc tim mạch Ocedio 80 mg; Công ty cổ phần dược phẩm OPV (Đồng Nai) thu hồi 7 loại thuốc trị tim mạch, phù do suy tim và huyết áp; Công ty trách nhiệm hữu hạn liên doanh STADA Việt Nam (TP.HCM) thu hồi 4 thuốc Valsartan STADA hàm lượng 40/80/160 mg.
Cuối cùng là chi nhánh của công ty này ở Bình Dương thu hồi 2 thuốc Valsartan STADA 40 mg, Valsartan STADA 80 mg.
Trước đó, đầu tháng 7, sau khi nhận được thông tin nguyên liệu valsartan do Trung Quốc sản xuất bị phát hiện chứa tạp chất N- nitrosodimethylamine (NDMA) có nguy cơ gây ung thư.
Cục Quản lý Dược đã rà soát và ghi nhận có 23 loại thuốc trên thị trường trong nước chứa thành phần valsartan nguy cơ ung thư. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục đã đình chỉ lưu hành 23 loại thuốc này.
Cục yêu cầu các đơn vị ngừng sử dụng valsartan từ Trung Quốc để sản xuất thuốc và tìm kiếm nguồn cung cấp khác nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn cho người sử dụng.
Trên thế giới, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), Canada và một số nước khác đã thu hồi các thuốc có thành phần valsartan này.
Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical, Trung Quốc, sản xuất. Đây là thành phần nguyên liệu chính trong nhiều loại thuốc điều trị bệnh tim mạch như tăng huyết áp, suy tim. Valsartan được phát hiện chứa tạp chất N- nitrosodimethylamine có thể gây ung thư.