Hàng loạt bệnh nhân nhiễm loại độc gấp 15 lần nọc rắn hổ mang

Vân Sơn |

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Da Liễu TPHCM đang tiếp nhận điều trị cho 50 đến 70 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do nhiễm độc từ kiến ba khoang. Dịch tiết của kiến ba khoang chứa chất kịch độc, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần chủ động phòng tránh.

Ngày 3/7, chị Mai Yến Thu (38 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) đến Bệnh viện Da Liễu TPHCM thăm khám trong tình trạng vùng cổ bị nổi mụn nước, đau rát. Theo bệnh sử, buổi tối trước khi đến bệnh viện, chị Thu đang ngồi làm việc thì phát hiện có côn trùng bò ở cổ. Theo phản xạ, chị dùng tay để hất côn trùng ra khỏi cơ thể mình. Khoảng 5 phút sau, da ở vùng cổ của chị bắt đầu có cảm giác ngứa, rát. Tình trạng diễn tiến ngày càng nặng, sáng hôm sau chị phải xin nghỉ việc để đến bệnh viện vì vùng cổ đau nhức và nổi mụn nước. Bác sĩ xác định bệnh nhân đã bị nhiễm độc tố của kiến ba khoang.

Hàng loạt bệnh nhân nhiễm loại độc gấp 15 lần nọc rắn hổ mang- Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị kiến ba khoang tấn công gây bỏng rát, rộp da trên cánh tay

Một trường hợp khác là bệnh nhân Nguyễn Minh Hùng (32 tuổi, ngụ tại Quận 8) cũng phải đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng mặt đau rát, sưng phù, lỗ tai cả hai bên bị nổi mụn nước. Theo bệnh án, những ngày qua trong nhà xuất hiện nhiều kiến ba khoang, do không biết sự nguy hiểm của độc tố do kiến gây ra nên sau khi dùng tay giết kiến, anh Hùng đã quệt tay lên mặt và hai bên tai, hậu quả khiến những vùng da này bị tổn thương nghiêm trọng.

Trao đổi với phóng viên về sự gia tăng bệnh nhân do độc tố của kiến ba khoang gây ra, BS Phạm Thị Uyển Nhi – Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu cho biết, mùa mưa là giai đoạn nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho kiến ba khoang sinh sản, phát triển bầy đàn. Đây là loài kiến có tập tính thích ánh sáng đèn về đêm, do đó chúng thường bay đến những nơi có đèn điện thắp sáng.

Hàng loạt bệnh nhân nhiễm loại độc gấp 15 lần nọc rắn hổ mang- Ảnh 2.

Một trường hợp bị tổn thương vùng đầu mặt do độc tố của kiến ba khoang gây ra

Bác sĩ Nhi cho biết, kiến ba khoang chứa độc tố Pederin - một chất mạnh hơn nọc rắn hổ mang khoảng 15 lần. Độc tố tồn tại trong cơ thể của kiến, do đó khi người dân vô tình hoặc cố ý giết kiến nhưng tiếp xúc với dịch tiết sẽ gây ra tình trạng kích ứng da, xuất hiện những vết mụn nước, rộp trên bề mặt da kèm theo cảm giác đau rát.

Vết thương trên cơ thể do kiến ba khoang gây ra rất dễ nhầm với các bệnh lý viêm da tiếp xúc khác. BS Uyển Nhi cho biết, nhiều bệnh nhân đến bệnh viện khi tình trạng đã quá nặng, gây bội nhiễm, nguy cơ nhiễm trùng huyết do bị cơ sở y tế khác chẩn đoán nhầm thành bệnh zona (giời leo) dẫn đến điều trị sai. Nhiều bệnh nhân tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian như đắp lá đắp thuốc nam khiến vết thương bị nhiễm trùng.

Hàng loạt bệnh nhân nhiễm loại độc gấp 15 lần nọc rắn hổ mang- Ảnh 3.

Mỗi ngày Bệnh viện Da Liễu tiếp nhận từ 50 đến 70 trường hợp bị kiến ba khoang tấn công

Để hạn chế nguy cơ bị kiến ba khoang tấn công, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần thiết kế lưới phòng chống côn trùng ở cửa sổ và cửa ra vào. Những nơi xác định có sự xuất hiện của kiến ba khoang, người dân cần giảm bớt ánh đèn trong nhà để hạn chế thu hút kiến. Cần vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, đặc biệt là những nơi dễ ẩn náu của kiến như khe cửa, những vị trí ẩm thấp trong góc kẹt nhà, mỗi người cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, hạn chế phơi áo quần ban đêm.

“Khi chẳng may tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang, bệnh nhân cần rửa sạch vị trí da tiếp xúc; không cào gãi, chà xát nếu có biểu hiện ngứa, rát để tránh dịch tiết chứa độc tố lan rộng; đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chỉ định điều trị phù hợp” - BS Phạm Thị Uyển Nhi – Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TPHCM.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại