Hàng hóa chuyển bằng đường hàng không tại một kho hàng ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: C.TRUNG
Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp logistics cùng các hãng bay hợp tác chở hàng ở mạng bay nội địa lẫn quốc tế. Theo các doanh nghiệp, việc vận chuyển hàng hóa bằng máy bay sẽ đáp ứng được nhu cầu rút ngắn thời gian giao hàng so với vận chuyển hàng bằng đường bộ hay đường thủy, đảm bảo hàng vẫn tươi sống khi đến tay khách…
Tốc độ nhanh là lợi thế lớn
Bà Nguyễn Hồng Thủy (Bình Thạnh, TP.HCM), đầu mối chuyên đưa cua Cà Mau ra Hà Nội bỏ mối cho các nhà hàng, khách sạn, cho biết mỗi tuần 1 tấn cua, tôm được bà Thủy "mua vé" máy bay ship ra Hà Nội thông qua một công ty logistics. Phía công ty này đảm nhận các thủ tục giấy tờ và vận chuyển đến kho hàng.
Phía bà Thủy chỉ phải chở hải sản tới kho hàng ở Tân Sơn Nhất từ sáng sớm, lấy lịch chuyến bay và đến trưa hoặc chiều là hàng đã chuyển tới nhà hàng. "Mặt hàng tươi sống này cần chuyển nhanh chứ đi đường bộ là thua rồi. Tùy giờ bay hay hãng bay, khối lượng và mặt hàng gì, phí vận chuyển dao động 19 - 20 triệu đồng/tấn hàng" - chủ vựa này chia sẻ.
Là du học sinh tại Nhật Bản, chị Nguyễn Quỳnh Vy cho biết sắp trở về lại VN vào cuối năm nay nên nhu cầu chuyển đồ đạc khá nhiều. Sau khi cân đo đong đếm về giá cả và thời gian giao hàng, chị quyết định sử dụng dịch vụ bằng đường hàng không với thời gian nhận hàng từ Osaka đến Hà Nội, sau đó mới chuyển về TP.HCM trong vòng 5-7 ngày.
Theo chị Vy, vận chuyển hàng bằng máy bay thông qua công ty logistics có giá tới 16.000 - 32.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với phí 5.000 - 7.000 đồng/kg nếu vận chuyển bằng đường biển nhưng chị vẫn chọn lựa đường hàng không do thời gian được rút ngắn rất nhiều.
"Chỉ khó khăn khi đơn vị vận chuyển có giá rẻ hơn lại phải chấp nhận hàng từ Nhật Bản về kho tại Hà Nội, sau đó mới chuyển vào TP.HCM" - chị Vy nói.
Ông Mai Hoài Nam, trưởng phòng vận tải BEST Express, cho biết cuối tháng 10 đã hợp tác với Swift247 - đơn vị "thầu" nhiều hàng hóa chở bằng máy bay nội địa lẫn quốc tế của Vietjet - nên sản lượng hàng được vận chuyển ngày càng tăng. Sản lượng vận chuyển từ 300kg/ngày ban đầu nay đã lên hơn 1 tấn.
Đây là lần đầu doanh nghiệp tích hợp thêm giải pháp vận chuyển hàng không sau khi số lượng đơn hàng gia tăng. "Thời gian vận chuyển nhanh chóng là một trong những yếu tố chính giúp ghi điểm, giữ chân khách hàng, đối tác, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường logistics Việt", ông Nam nói.
Nhu cầu "nóng" dần dịp Tết
Đại diện Công ty Nasco Express cho hay nhu cầu ship hàng "hỏa tốc" dù giá cao nhưng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Chẳng hạn, chuyển từ Hà Nội - TP.HCM, giao tận tay khách hàng với bưu kiện 1kg, giá đang khá cạnh tranh từ 80.000 - 130.000 đồng, giao hàng từ 5-7 tiếng thay vì từ 2-5 ngày nếu vận chuyển bằng đường bộ.
Theo khảo sát, giá cước vận chuyển bằng đường hàng không của các doanh nghiệp logistics có mức tăng từ 2-5% so với cùng kỳ tháng trước. Xu hướng chuyển hàng hóa bằng đường hàng không ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt với hàng hóa hỏa tốc trong 4-5 tiếng. Đặc biệt dịp Tết, nhu cầu chuyển mai đào ngược xuôi Nam - Bắc rất sôi động.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phúc Điền - trưởng phòng hàng hóa nội địa Vietnam Airlines chi nhánh phía Nam - cho biết ưu thế vận chuyển bằng đường hàng không là tốc độ nhanh chóng nên các mặt hàng như nông thủy sản, linh kiện điện tử… được ưu tiên. Riêng mạng bay nội địa, nhu cầu chở hàng từ TP.HCM - Hà Nội được khách hàng quan tâm, chọn gửi.
Trong khi đó, đại diện Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cho biết các chuyến bay chở hàng quốc tế quay trở lại Tân Sơn Nhất ngày càng nhiều. Công ty này đang thực hiện bốc dỡ hành lý cho 21 hãng bay như Lufthansa Cargo, Qatar Cargo, Saudia Cargo, Turkish Cargo… Vị này nhìn nhận vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không có dư địa tăng trưởng tốt khi các hãng bay quốc tế có hàng hóa luân chuyển liên tục.
Tổng công ty Bưu điện VN (VNPost) cho biết đang tăng ưu đãi nhằm thu hút khách hàng gửi hàng quốc tế, trong đó có đường hàng không. Theo đại diện VNPost chi nhánh TP.HCM, giai đoạn cuối năm nhu cầu chuyển hàng tăng cao, đơn vị có gói gửi tiết kiệm chi phí cho hàng khối lượng tối đa 70kg/bưu kiện gửi bằng dịch vụ chuyển phát quốc tế UPS hoặc VNQuickpost được ưu đãi giảm đến 40% cước phí gửi hàng tùy theo mức khối lượng...
Giảm cước vận chuyển mùa mua sắm cuối năm
Ngày 23-11, dịch vụ chuyển phát nhanh J&T Express cho biết sẽ điều chỉnh giảm từ 10 - 20% giá cước vận chuyển tại tất cả các tỉnh thành, khu vực trên toàn quốc. Việc giảm giá áp dụng cho ba dịch vụ: chuyển phát tiêu chuẩn - J&T Express, dịch vụ nhanh - J&T Fast và siêu dịch vụ - J&T Super.
Đại diện doanh nghiệp cho biết mục đích giảm giá nhằm hỗ trợ đối tác, nhà bán hàng giảm bớt gánh nặng về chi phí vận chuyển và nâng cao chất lượng dịch vụ cho mùa mua sắm cuối năm.
Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, thị trường thương mại điện tử bán lẻ dự báo sẽ đạt 16,4 tỉ USD năm 2022 với khoảng 60% dân số tham gia mua sắm online, ước tính khoảng 58,5 - 61,6% tổng dân số của VN.
Bên cạnh việc hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng của thị trường, các doanh nghiệp cũng không thể bỏ qua việc khai thác tối đa thời điểm cuối năm, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Các nhà kinh doanh online có thể tìm đến những ưu đãi, hỗ trợ từ đơn vị chuyển phát nhanh để giảm bớt gánh nặng về chi phí vận chuyển và nâng cao chất lượng dịch vụ.
ĐỨC THIỆN
Cước vận tải biển giảm mạnh
Dù vào mùa cao điểm vận chuyển cuối năm nhưng hoạt động của doanh nghiệp vận tải khá trầm lắng. Ông Đỗ Văn Thắng - tổng giám đốc Vintrans - cho biết doanh nghiệp "đói" đơn hàng vận chuyển khi nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng xuất khẩu. Điều khiến doanh nghiệp logistics bất ngờ khi dư thừa container rỗng, giá cước vận tải biển giảm mạnh.
Theo các công ty vận chuyển, cước vận tải biển VN đi Mỹ, châu Âu... đang rơi vào khoảng 60 - 100 triệu đồng/container, đã giảm còn 1/3 so với mức giá đỉnh năm 2021 từ 230 - 300 triệu đồng/container. Riêng giá cước chặng VN - Trung Quốc đã giảm từ khoảng 30 - 50 triệu đồng/container xuống còn khoảng 8 - 15 triệu đồng/container.
Ông Kelvin Leung, giám đốc điều hành (CEO) của DHL Global Forwarding khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dự báo năng lực vận tải năm 2023 sẽ dư thừa công suất khi số lượng lớn tàu container cỡ lớn mới sẽ đi vào hoạt động trong khi nhu cầu đang trong xu hướng giảm.
"Trung Quốc vẫn còn hạn chế đi lại do dịch sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Nhu cầu giảm, cùng với năng lực vận tải có xu hướng tăng dẫn đến việc giảm giá cước", ông Kelvin Leung cho biết.