TP - Thị trường khách nội địa “bùng nổ” sau dịch COVID-19 đã giúp các hãng hàng không Việt dần phục hồi. Dù vậy, thị trường bay quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng. Giá nhiên liệu tăng cao, khủng hoảng kinh tế tại các nền kinh tế lớn là những thách thức không dễ vượt qua cho hàng không.
Nội địa tăng trưởng “thần kỳ”
Trong 8 tháng đầu năm nay, thị trường hàng không nội địa đã khiến nhiều người bất ngờ trước đà phục hồi sau dịch COVID-19, thậm chí các hãng hàng không cũng không dự trù được lượng khách phục hồi nhanh tới vậy. Thậm chí, giai đoạn đầu của cao điểm hè vừa qua, một số thời điểm vé máy bay khan hiếm, giá vé đẩy lên cao, do kế hoạch bay các hãng xây dựng trước đó thấp hơn nhu cầu thực tế.
Số liệu từ Cục Hàng không (Bộ GTVT) cho thấy, trong 8 tháng qua, các hãng hàng không Việt đã khai thác hơn 208 nghìn chuyến bay, tăng tới 103% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, Vietravel Airlines tăng số lượng chuyến bay nhiều nhất (tăng gần 146% so với năm 2021); tiếp đến Vietjet tăng gần 122%; Vietnam Airlines tăng 108%; thấp nhất là Bamboo Airways cũng tăng gần 67%...
Về hành khách, cùng thời gian trên, đã có hơn 66 triệu lượt khách đi hàng không. Trong đó, khách nội địa gần 61 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019 (khi chưa có dịch COVID-19); khách quốc tế đạt hơn 5 triệu lượt, giảm gần 82% so với năm 2019, dù đều tăng qua từng tháng. Riêng cao điểm hè vừa qua, lượng khách nội địa tăng tới hơn 40% so với cao điểm hè năm 2019. Một kỷ lục về khách nội địa được xác lập ngày 10/7/2022, khi đạt mốc hơn 373 nghìn lượt khách trong 1 ngày, cao nhất lịch sử ngành hàng không. Các con số trên cho thấy sự phục hồi mạnh của hàng không nội địa, khi 2 năm trước đó, do dịch, khách hàng không giảm lần lượt 42% và 89% so với khi chưa có dịch, nhiều thời điểm dừng bay.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt cũng chuyển đổi mạnh sang vận tải hàng hóa (cargo) – lĩnh vực lâu nay hầu như các hãng bỏ qua, chỉ tập trung cho chở khách. Mới nhất, Vietravel Airlines đã hợp tác đầu tư lập liên danh chuyên về vận tải hàng hóa bằng đường hàng không, trong đó hãng này nắm 51% vốn điều lệ. Hãng đặt mục tiêu, năm đầu tiên sẽ khai thác 2-4 chiếc máy bay chuyên chở hàng B737-800F, tập trung chở hàng kết nối giữa Việt Nam với Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
Chưa hãng nào có lãi từ hàng không!
Trong các hãng hàng không nội địa, Vietjet Air tiếp tục công bố báo cáo tài chính có lãi sau thuế. Bất chấp ảnh hưởng dịch COVID-19, Vietjet là hãng duy nhất của Việt Nam và hiếm hoi trên thế giới công bố lãi trong hơn 2 năm trở lại đây. Nửa đầu năm nay, doanh thu của Vietjet tăng 193% so với cùng kỳ năm trước, công ty mẹ tiếp tục lãi 76 tỷ đồng (tăng 123%); lãi hợp nhất sau thuế của Vietjet lên tới 426 tỷ đồng (tăng 249%).
Dù thị trường khách nội địa phục hồi mạnh sau dịch COVID-19, nhưng các hãng hàng không Việt vẫn chưa hết khó Ảnh minh họa: Phạm Thanh
Trong khi đó, Vietnam Airlines tiếp tục báo lỗ hơn 4,6 nghìn tỷ đồng của công ty mẹ trong 6 tháng đầu năm nay, lỗ hợp nhất trên 5,3 nghìn tỷ đồng (giảm tới hơn 39% so với cùng kỳ năm 2021). Bất chấp việc hãng thu từ khách nội địa tăng 118% so với năm trước, thu từ bay quốc tế tăng hơn 829%.
Các hãng hàng không còn lại như Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines dù không công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm, nhưng qua các thông tin gián tiếp cũng có thể thấy các hãng này đều lỗ. Với Pacific Airlines, theo tiết lộ của đại diện Vietnam Airlines (nắm 98% cổ phần tại Pacific), hiện hãng hàng không giá rẻ này đang lỗ lớn. Với Bamboo Airways, qua báo cáo tài chính của Tập đoàn FLC (nắm gần 22% cổ phần trực tiếp tại Bamboo) cho thấy, nửa đầu năm nay, FLC ghi nhận khoản lỗ 454 tỷ đồng từ hãng hàng không. Với Vietravel Airlines, theo báo cáo tài chính quý 2/2022 của công ty mẹ là Vietravel, mảng kinh doanh lữ hành có lãi, nhưng hợp nhất lỗ hơn 6,9 tỷ đồng, khoản lỗ này chủ yếu tới từ mảng kinh doanh hàng không. Vietravel cho biết, dù cao điểm hè vừa qua số lượng chuyến bay, số khách của hãng đều tăng, nhưng đường bay quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng, giá nhiên liệu tăng cao, nên doanh thu tăng nhưng chưa bù được chi phí và hãng tiếp tục lỗ.
Vietnam Airlines thực hiện chuyển 2 máy bay A321 từ chở khách sang chỉ chở hàng, và có thể thuê thêm máy bay thân rộng cho lĩnh vực này. Hãng này đang đàm phán với các hãng chuyên chở hàng hóa lớn để lập liên danh, tận dụng lợi thế thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, cơ sở hạ tầng của Vietnam Airlines đang có.
Là hãng có kết quả kinh doanh khả quan nhất, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương cho biết, kết quả đó nhờ nhu cầu đi lại nội địa phục hồi mạnh, giúp hãng có được hơn 6 triệu lượt khách trong nửa đầu năm (tăng 200% so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, hãng cũng chủ động khôi phục sớm đường bay thường lệ và mở nhiều đường bay quốc tế mới; tận dụng các chính sách hỗ trợ về thuế, phí từ nhà nước. Dù vậy, bà Phương cũng nhìn nhận hàng không còn đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt khi giá nhiên liệu bay tăng cao, các hãng chưa được phụ thu phí nhiên liệu vào giá vé nội địa.
Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền chia sẻ, bay quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng, các hãng đều tập trung nội địa, dẫn tới thừa cung ứng, các hãng phải giảm mạnh giá vé để hút khách. Giá vé bình quân cao điểm hè vừa qua thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, số lỗ trong tháng 7 của hãng chỉ bằng 1/5 bình thường, nếu thị trường quốc tế phục hồi sớm, hãng sẽ hòa vốn và có lãi từ năm 2023.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines dẫn dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy, thị trường hàng không nội địa các nước cơ bản phục hồi hoàn toàn vào năm 2023, nhưng quốc tế phải tới năm 2025. Năm nay, các hãng hàng không toàn cầu lỗ khoảng 9,7 tỷ USD. Với Vietnam Airlines, do nhiều thị trường khách quốc tế quan trọng vẫn hạn chế đi lại, như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc... nên chưa khai thác hết năng lực đội máy bay, hãng còn dư tải khoảng 25%.
Về một số hãng hàng không có lãi nhưng Vietnam Airlines vẫn lỗ kéo dài, ông Hiền cho rằng, hãng chỉ kinh doanh thuần về hàng không, không có nguồn thu khác để bù đắp, doanh nghiệp nhà nước cũng không dễ trong việc tăng vốn, đầu tư tài chính. Trong khi các hãng khác đều kinh doanh đa ngành, qua báo cáo tài chính cũng có thể thấy phần thu nhập từ hoạt động tài chính, đầu tư rất lớn, giúp bù cho phần lỗ từ hàng không. Để giảm lỗ, đảm bảo dòng tiền cho hoạt động, ông Hiền cho biết, Vietnam Airlines đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, tập trung cho tái cơ cấu tài sản, danh mục đầu tư; trình kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn...