Hàng điện máy đua nhau giảm giá vẫn ế, riêng sản phẩm này tăng giá lại “cháy” hàng

Hồng Cảnh |

Trong khi các sản phẩm điện máy như tivi, điều hòa, máy giặt, tủ lạnh đua nhau giảm giá sốc lên đến 70-80% nhưng vẫn ế thì nhu cầu mua máy tính xách tay phục vụ việc học và làm việc trực tuyến lại tăng cao, nhiều cửa hàng không còn hàng để bán.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của Covid-19 dẫn đến việc kinh doanh của hầu hết các siêu thị điện máy gặp không ít khó khăn. Doanh số sụt giảm, lượng hàng tồn kho tăng cao nên các siêu thị triển khai hàng loạt các chương trình quảng cáo, khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu mua sắm.

Không chỉ giảm giá sâu, các siêu thị còn tặng thêm voucher và quà tặng hấp dẫn cho khách hàng đến mua các sản phẩm điện máy để thu hút khách hàng nhưng vẫn diễn ra tình trạng ế ẩm, nhân viên đông hơn khách.

Trái ngược với tình trạng ế ẩm của các mặt hàng điện máy trên thì máy tính xách tay lại là mặt hàng được người tiêu dùng săn đón, đặt hàng phục vụ nhu cầu học trực tuyến và làm việc tại nhà mùa dịch.

Khảo sát qua tại các siêu thị, cửa hàng đều xác nhận doanh số bán máy tính xách tay của họ tăng từ 30-50%, thậm chí là 100% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng điện máy đua nhau giảm giá vẫn ế, riêng sản phẩm này tăng giá lại “cháy” hàng - Ảnh 1.

Nhu cầu mua máy tính xách tay trong thời gian gần đây tăng đột biến.

Anh Phạm Văn Hưng, nhân viên bán hàng tại một siêu thị điện máy trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, từ khi thực hiện lệnh giãn cách xã hội, siêu thị không được phép bán hàng trực tiếp khiến cho doanh số bán hàng của các mặt hàng khác giảm đến 80%, riêng doanh số bán máy tính xách tay lại tăng 50%.

Nguyên nhân được anh Hưng nhận định là do hầu hết các công ty, doanh nghiệp đều cho cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà. Ngoài ra, sau khi các trường học đưa ra quyết định khai giảng và học trực tuyến cho học sinh, sinh viên vào năm học mới thì nhiều gia đình phải sắm thêm máy tính để cho con học.

Theo anh Hưng, các mẫu laptop giá rẻ, từ 10-15 triệu đồng được nhiều người tìm mua nhất và luôn trong tình trạng cháy hàng, không còn hàng để bán.

Anh Lương Việt Bắc, chủ doanh nghiệp chuyên sửa chữa, phân phối máy tính trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) cũng cho biết, bắt đầu từ đợt dịch thứ 4 vào cuối tháng 4/2021 thì nhu cầu mua máy tính của người dân đã bắt đầu tăng mạnh đối với sản phẩm mới và cả sản phẩm cũ.

Tuy nhiên, nắm bắt nhu cầu của người dân, các nhà phân phối lại tăng giá sản phẩm lên 15-20% do sự thiếu hụt về nguồn linh kiện, vật liệu chế tạo, sản xuất latop.

Hàng điện máy đua nhau giảm giá vẫn ế, riêng sản phẩm này tăng giá lại “cháy” hàng - Ảnh 2.

Theo anh Bắc, nhu cầu của khách tăng cao nhưng máy tính không phải hàng thiết yếu nên cửa hàng kinh doanh không được mở cửa bán hàng.

“Hiện tại, đối với sản phẩm mới thì laptop core i3 kèm ổ SSD cũng phải từ 12 triệu đồng trở lên, các máy core i5 phải trên 15 triệu đồng mới mua được, thậm chí còn không có để mua vì siêu thị luôn trong tình trạng cháy hàng”, anh Bắc phân tích.

Nguồn cung ít, giá đẩy lên cao, vì vậy nhiều người lựa chọn tìm đến các cửa hàng bán sản phẩm máy tính cũ để mua. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng đều phải đóng cửa do máy tính không phải mặt hàng thiết yếu.

“Nhiều người hỏi mua và nhờ sửa chữa, tư vấn nhưng cửa hàng bên tôi cũng phải đóng cửa, không tiếp được khách, không thể bán hàng. Vì vậy, tôi cũng không dám nhập hàng về”, anh Bắc cho hay.

Vợ chồng chị Bùi Thị Tâm, trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) có 2 chiếc máy tính xách tay nhưng phải làm việc liên tục tại nhà từ cuối tháng 7. Thời gian gần đây, khi nghe thông báo có 2 đứa con của mình có lịch khai giảng vào 5/9 và học trực tuyến từ 6/9 khiến chị đứng ngồi không yên.

Hàng điện máy đua nhau giảm giá vẫn ế, riêng sản phẩm này tăng giá lại “cháy” hàng - Ảnh 3.

Nhiều gia đình có con học trực tuyến gặp khó khăn trong việc tìm mua máy tính xách tay.

“Năm học trước thì hầu hết các con được học online vào buổi tối nhưng năm nay tôi nghe các cô nói khả năng cao là học cả ngày. Nếu vậy thì bắt buộc gia đình phải mua thêm máy tính cho con học vì nhìn vào điện thoại thì rất hại mắt và con không nhìn được bài giảng của cô”, chị Tâm chia sẻ.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu để mua máy tính cho con thì chị Tâm tá hỏa khi các sản phẩm máy tính dưới 10 triệu đều không còn hàng. Chỉ còn những mã sản phẩm từ 17 triệu trở lên. Vượt quá khả năng của gia đình. Vì vậy, chị vẫn đang loay hoay tìm mua máy tính xách tay cũ cho con dùng tạm.

Theo hãng nghiên cứu Gartner dự báo, năm 2021, tổng số máy tính cá nhân (laptop, PC), máy tính bảng (tablet) và điện thoại thông minh sẽ đạt 6,2 tỉ chiếc trên toàn cầu. Số lượng laptop và tablet được sử dụng vào năm 2021 sẽ tăng 125 triệu chiếc so với năm 2020, tăng tương ứng 8,8% và 11,7%.

Năm 2022, số lượng thiết bị này trên toàn cầu sẽ đạt 6,4 tỉ chiếc, tăng 3,2% so với năm 2021.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại