Ảnh minh họa: BBC
Theo Worldometers, đại dịch Covid-19 tới nay đã khiến hơn 178 triệu người mắc bệnh và hơn 3,8 triệu người tử vong trên toàn thế giới kể từ khi bùng phát hồi cuối năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, hàng chục nước lại phải dừng tiêm chủng vaccine mũi 2 do thiếu nguồn cung hoặc phải lựa chọn tiêm mũi tăng cường nhằm đảm bảo nhiều người dân được tiêm phòng nhất có thể.
Brazil, quốc gia chịu tác động nặng nề thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ, hôm qua (19/6) chứng kiến số ca tử vong do Covid-19 vượt mốc nửa triệu người. Theo các chuyên gia, Brazil đang trong tình huống đáng lo ngại và dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn trong những tuần tới khi Nam bán cầu bước vào mùa Đông. Không chỉ Brazil, 43 trong số 100 ca mắc Covid-19 mới trên thế giới đều được ghi nhận ở Mỹ Latin.
Người đứng đầu Chương trình khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới Mike Ryan cho biết: “Tình hình ở Nam Mỹ vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu đối với Tổ chức Y tế thế giới. 8 trong số 10 quốc gia hàng đầu báo cáo tỷ lệ tử vong trên mỗi dân số cao nhất trong thời gian qua từ khu vực châu Mỹ và đặc biệt là Nam Mỹ".
Tại Nhật Bản, nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, chính quyền thủ đô Tokyo đã quyết định hủy bỏ tất cả các sự kiện theo dõi công cộng Đại hội thể thao Olympic và Paralympic mùa Hè sẽ diễn ra trong tháng 7/2021. Từng được ghi nhận là một hình mẫu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trong giai đoạn đầu, song Nhật Bản thời gian gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ các ca mắc, cũng như sự lây lan ngày càng nghiêm trọng của các biến thể, trong khi tới nay mới chỉ có 6% dân số Nhật Bản được tiêm chủng đầy đủ.
Còn tại Moscow, sau một thời gian tưởng chừng như đã kiểm soát được dịch bệnh, thủ đô của Nga tiếp tục phải chứng kiến ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới tăng cao kỷ lục trên 9 nghìn ca, trong đó gần 90% là mắc biến thể Delta từ ở Ấn Độ. Tương tự Anh, một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng, những ngày qua đều chứng kiến số ca mắc mới theo ngày trên 10.000 người và cũng giống như tại Nga, biến chủng Delta được xem là nguyên nhân chính, với tỷ lệ mắc lên tới hơn 90%.
Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới mới đây cảnh báo, biến thể Delta đang trên đà “thống trị” toàn cầu.: “Tình hình nhìn chung là đáng lo ngại do sự lưu hành của những biến thế mới. Một trong số này, biến chủng Delta đang trở thành chủng thống trị toàn cầu, với mức độ lây nhiễm cao. Chúng ta vẫn cần thêm các dữ liệu, cũng như nghiên cứu hiệu quả của vaccine được sử dụng tại các nước nhằm chống lại những biến thế khác nhau của virus Sars CoV-2".
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, hàng chục nước lại phải dừng tiêm chủng vaccine mũi 2 do thiếu nguồn cung. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện khoảng 30 đến 40 quốc gia trên thế giới không có khả năng cung cấp mũi thứ 2 vaccine ngừa Covid-19 cho người dân, đặc biệt là những nước dựa vào nguồn cung vaccine của hãng AstraZeneca. Nhằm đối phó với tình huống này, Chính phủ Hàn Quốc hôm qua (19/6) thông báo quyết định sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer làm mũi tăng cường cho 760.000 người đã tiêm chủng mũi đầu tiên bằng vaccine của AstraZeneca. Trong khi đó nhiều quốc gia lựa chọn khéo dài khoảng cách giữa hai mũi tiêm để đảm bảo nhiều người được tiêm chủng nhất có thể.
Các nghiên cứu gần đây đều cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêm chủng và sự giảm dần số ca mắc và tử vong do Covid-19. Theo thống kê của Bloomberg, tại Anh, với khoảng 46% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ tử vong do Covid-19 cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa hè năm 2020. Trong khi đó một phân tích khác của CNN cũng cho thấy, trong số những bang tại Mỹ đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn 1 nửa số cư dân, tỷ lệ mắc bệnh trung bình thấp hơn khoảng 24%.
Đối với biến thể Delta đang gây lo ngại hiện nay, các chuyên gia y tế cũng cho rằng, ngay cả khi biến thể này có thể tránh được một phần khả năng bảo vệ của vaccine, thì càng có nhiều người được tiêm vaccine thì virus càng ít có khả năng lây lan./.