Hàn-Triều kèn cựa: Áp đảo đối thủ bằng... cột cờ to hơn, và chuyện lạ ở DMZ

Ngọc Anh |

DMZ chia tách Hàn Quốc và Triều Tiên lúc nào cũng ồn ào với cuộc đua tuyên truyền qua loa phóng thanh và cả xem bên nào xây được cột cờ to đẹp hơn!

Trong tháng 8/2017, các phóng viên CNN đã có mặt ngôi làng Taesung nằm trong khu Phi Quân sự (DMZ) – một dải đất kéo dài gần 258km và rộng 4km chia cắt Hàn Quốc và Triều Tiên.

Theo ghi nhận của họ, ngôi làng này luôn luôn sôi động và ồn ào vì những tiếng loa tuyên truyền từ cả hai bên. Đón chào họ là một bài hát ca ngợi Triều Tiên đang được phát qua loa rất to, vang vọng trên những cánh đồng lúa bao quanh.

Những chiến dịch tuyên truyền 24/7 như vậy ồn ào tới mức tất cả các ngôi nhà trong làng Taesung cần phải có tường dày hơn để cách âm. Đây là ngôi làng duy nhất của Hàn Quốc trong khu phi quân sự DMZ, chỉ cách lãnh thổ Triều Tiên chưa đầy 500m.

Vị trí đặc biệt của ngôi làng biến nó giống như một "hàng ghế khán giả đầu" của một võ đài, nơi chứng kiến và cảm nhận rõ nhất sự căng thẳng đang leo thang trên bán đảo – bắt đầu từ tháng trước sau khi Triều Tiên phóng liền 4 tên lửa và mới đây nhất là vụ thử hạt nhân lần thứ 6 ngày 3/9.

Cô Cho Young-sook, một trong 197 cư dân của làng, đã sống tại đây 38 năm, hiện là chủ của một nhà hàng cho biết: "Chúng tôi cảm thấy tình trạng căng thẳng hiện nay khá tiêu cực. Chúng tôi đã bắt đầu khóa cửa vào ban đêm – điều mà trước đây chúng tôi không làm".

Hàn-Triều kèn cựa: Áp đảo đối thủ bằng... cột cờ to hơn, và chuyện lạ ở DMZ - Ảnh 1.

Những ngôi nhà trong làng Taesung của phía Hàn Quốc tại DMZ có dường dày hơn bình thường để cách âm. Ảnh: CNN

Cuộc chiến tuyên truyền

Cuộc chiến tuyên truyền giữa hai miền Triều Tiên không hề êm ả. Ngoài việc hai miền liên tục phát nội dung qua loa phóng thanh, trong nhiều năm qua hai bên đã đối đầu nhau trong một cuộc đua về... cột cờ.

Triều Tiên đang tạm thời thắng thế với việc đã xây dựng được một cột cờ cao 165 mét – đây là một trong những cột cờ lớn nhất thế giới.

Cột cờ đó nằm ở làng Kijong, một làng của phía Triều Tiên trong khu DMZ. Người dân ở đây cho biết họ thỉnh thoảng nhìn thấy nhiều người lạ di chuyển trong làng, nhưng không chắc đó là dân thường hay binh lính.

Hàn-Triều kèn cựa: Áp đảo đối thủ bằng... cột cờ to hơn, và chuyện lạ ở DMZ - Ảnh 2.

Một trong những cột cờ cao nhất thế giới là cột cờ cao 165m của Triều Tiên tại khu DMZ. Ảnh: CNN

CNN ghi nhận, phía Hàn Quốc cũng phát loa tuyên truyền về phía Triều Tiên, nhưng âm lượng không lớn bằng và không phải phát từ làng Taesung.

Taesung là một ngôi làng thuần nông từ nhiều đời nay, nhưng từ năm 1953, khi bán đảo bị chia tách sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, người dân đã phải sống trong một mối đe dọa ảnh hưởng tới tất cả mọi mặt đời sống của họ.

Những người nông dân Hàn Quốc ở Taesung khi ra đồng phải có binh lính hộ tống, vì chỉ lỡ đi quá 1 bước chân thôi, họ có thế đã đặt chân sang Triều Tiên. Một dòng nước nằm giữa cánh đồng là chỉ dấu duy nhất về đường biên giới thực tế giữa hai miền.

Dân làng Taesung phải tuân thủ giờ giới nghiêm bắt đầu từ nửa đêm. Tối nào cũng vậy, quân lính sẽ vào kiểm tra từng nhà. Họ cũng phải đi qua các trạm kiểm soát khi ra vào ngôi làng bằng một tuyến xe buýt chạy 2 lần một ngày.

Đổi lại những rủi ro họ đang phải đối mặt khi phải sống 240 ngày mỗi năm tại đây, người làng Taesung nhận được rất nhiều quyền lợi.

Ngôi làng nằm dưới sự kiểm soát của Liên Hợp Quốc chứ không phải chính phủ Hàn Quốc. Người dân không cần đóng thuế và được miễn nghĩa vụ quân sự.

"Những ngày này, chúng tôi tụ tập và xem tin tức trên TV, và chỉ cảm thất bất an một chút", cô Cho cho biết.

Phía bên ngoài nhà hàng của cô Cho là một hầm trú ẩn tránh bom luôn có sẵn mặt nạ chống khí độc và các thiết bị cấp cứu., đó là minh chứng rõ nét cho những rủi ro có thể xảy ra mỗi ngày. Người dân cũng liên tục phải tham gia tập dượt sơ tán.

Tuy vậy, không giống như những làng khác [tại DMZ], làng này có cả trẻ em. "Đó là lý do tôi thích nơi này, tôi đang sống tốt ở đây", cô Cho nói.

Hàn-Triều kèn cựa: Áp đảo đối thủ bằng... cột cờ to hơn, và chuyện lạ ở DMZ - Ảnh 3.

Trong ngôi làng tiềm ẩn nhiều rủi ro quân sự, người dân vẫn sống ổn định. Ảnh: CNN

"Khu xây những ước mơ"

Trường học ở Taesung có 35 học sinh và 12 giáo viên, được trang bị hiện đại hơn các trường tiểu học hay mầm non khác ở Hàn Quốc. Bất chấp những giờ giới nghiêm, trạm kiểm soát, những hàng rào dây thép gai, khu vực phi quân sự "DMZ" được nhà trường dịch ra một cách khác, đó là "Dream Making Zone" (khu xây những ước mơ).

Khi được hỏi có sợ hãi khi sống ngay cửa ngõ của nước láng giềng Triều Tiên hay không, các học sinh của trường có phản ứng khác nhau, có em thì trả lời là "có", nhiều em khác lại trả lời "không".

Hiệu trưởng Jin Young-jin của trường cho biết, ở đây, các giáo viên không còn miêu tả Triều Tiên như một lực lượng xấu xa nữa.

Hàn-Triều kèn cựa: Áp đảo đối thủ bằng... cột cờ to hơn, và chuyện lạ ở DMZ - Ảnh 4.

Trường mẫu giáo ở khu vực phi quân sự có cách giải thích thú vị về nghĩa của "DMZ". Ảnh: CNN

"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất bán đảo. Rất nhiều học sinh ở đây thực sự hy vọng rằng Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ thống nhất trong tương lai gần", hiệu trưởng Jin nói.

Trên bức tường trong lớp học có treo một poster miêu tả ước mơ của các em học sinh khi lớn lên, các em mơ ước trở thành vận động viên bóng rổ, bóng đá, y tá, kỹ sư,... và chỉ có duy nhất một học sinh có ước muốn trở thành một người lính khi lớn lên!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại