Điểm chung giữa bánh quy, nước ngọt và sữa tiệt trùng là gì? Nếu bạn từng để ý hạn sử dụng của chúng, tất cả đều chỉ có thể bảo quản trong vòng 12 tháng. Không quá ngắn cũng không quá dài.
Con số này nằm đâu đó giữa một dải phổ của nước mía - loại thực phẩm có hạn sử dụng ngắn nhất hành tinh và mật ong - được mệnh danh là thực phẩm không bao giờ hết hạn sử dụng.
Sự thật là: Bạn phải uống nước mía trong vòng 15 phút, trước khi nó bắt đầu lên men và có khả năng khiến bạn bị đau bụng. Nhưng các nhà khảo cổ học từng tìm thấy những hũ mật ong hơn 4.000 năm tuổi bên trong lăng mộ của các Pharaoh Ai Cập. Kỳ diệu thay, chúng vẫn ăn được và chưa hề bị hỏng.
Không nằm trong số các loại thực phẩm có thời hạn sử dụng ngắn nhất hay dài nhất, nhưng có một thứ vẫn khiến chúng ta bất ngờ: nước uống. Đúng vậy, nước uống của chúng ta cũng có hạn sử dụng.
Nhiều người không để ý trên nắp của chai nước khoáng thường được ghi ngày sản xuất và thời hạn sử dụng. Con số phụ thuộc vào thương hiệu. Một chai Fiji, Aquafina hoặc Lavie có thể được sử dụng an toàn trong vòng 2 năm, nhưng những chai Nestle Pure Life chỉ có hạn sử dụng trong vòng 3 tháng.
Mặc dù vậy, có một điều thú vị là tại Mỹ, bạn có thể thấy các siêu thị, cửa hàng tạp hóa hay trạm xăng dầu ngang nhiên bán nước đóng chai hết hạn sử dụng mà không hề bị phạt.
Đó là bởi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định rằng nước uống có thể tồn tại vô thời hạn – miễn là chúng được bảo quản đúng cách. Một chai nước được bày trong siêu thị, trong tủ lạnh có thể được uống một cách an toàn ngay cả khi đã hết hạn.
Vậy thì nhà sản xuất in hạn sử dụng lên chai nước để làm gì?
Hóa ra, đó là hạn sử dụng của chiếc chai nhựa, chứ không phải nước bên trong
Đó là những gì mà Brian Quốc Lê, tiến sĩ ngành Khoa học Thực phẩm, Đại học Wisconsin-Madison, đồng thời là tác giả của cuốn sách 150 câu hỏi về khoa học thực phẩm cho biết:
"Nước đóng chai có thể bị hỏng do sự xuống cấp của chiếc chai nhựa đựng chúng, hòa tan các phân tử cực nhỏ vào bên trong nước. Các hợp chất này có thể làm cho nước của bạn có mùi vị như thuốc, clo hoặc ôzôn".
Mỗi chai nước đều tiết ra một chút hóa chất trong thời gian bảo quản. Một số hóa chất trong số này sẽ độc hại hơn những hóa chất khác, chẳng hạn như antimon, một chất hóa học có thể gây hại cho dạ dày và ruột của bạn, và este phthalate, có thể phá vỡ hệ thống nội tiết của bạn.
Chai thủy tinh giải phóng ít este antimon và phthalate hơn so với chai nhựa. Nhưng hầu hết nước đóng chai trên thị trường ngày nay đều được làm từ nhựa polyetylen terephthalate (PET). Loại nhựa này có xu hướng giải phóng nhiều antimon nhất trong số tất cả các vật liệu làm chai nước thông thường.
Thật may mắn, Quốc Lê cho biết trong thời hạn bảo quản của một chai nước, ngay cả khi đó là chai nhựa PET, lượng hóa chất giải phóng vào nước sẽ nằm ở ngưỡng an toàn để uống.
Đó là khi nước và chai đã đạt tới trạng thái cân bằng hóa học, sẽ không có thêm hóa chất từ chai hòa tan được vào nước nữa. Các nhà sản xuất nhựa đã tính toán và thử nghiệm để lượng hóa chất ở trạng thái cân bằng này không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.
Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) dựa vào điều này để quy định về thời hạn bảo quản của nước đóng chai:
"Nước đóng chai được coi là có thời hạn sử dụng an toàn vô thời hạn nếu được sản xuất phù hợp với các quy định thực hành sản xuất tốt (CGMP), quy định tiêu chuẩn chất lượng và được bảo quản trong bao bì nguyên vẹn, đậy kín. Vì vậy, FDA không yêu cầu phải ghi hạn sản xuất đối với nước đóng chai".
Mặc dù vậy, theo Hiệp hội Nước đóng chai Quốc tế, việc bảo quản nước trong bao bì đậy kín là chưa đủ để giữ an toàn cho một chai nước. Bởi các thử nghiệm cho thấy chai nhựa dùng để đựng nước thực ra không kín. Có nghĩa là các phân tử không khí vẫn có thể di chuyển ra và di chuyển vào xuyên qua chai.
Các hóa chất bên ngoài có thể khuếch tán vào chai nước của bạn, bất chấp bạn chưa mở nắp chai nước đó.
Ví dụ, nếu bạn để nước đóng chai bên cạnh một thùng sơn hoặc chất tẩy rửa, hơi từ những dung môi gia dụng đó có thể xâm nhập vào chai và làm nhiễm độc nước bên trong.
Bởi vậy, ngoài việc chai nước của bạn vẫn còn được đậy kín, Quốc Lê khuyến cáo việc đặt chai nước đó ở nơi thoáng mát là điều quan trọng để giữ cho chất lượng nước trong chai ổ định.
Thoáng nghĩa là khu vực không có nồng độ cao các chất bay hơi trong không khí. Còn mát nghĩa là nhiệt độ không quá cao. Các nghiên cứu cho thấy chỉ cần để một chai nước ở nhiệt độ trên 30 độ C, chất liệu nhựa PET đã có thể hòa tan quá nhiều este phthalate.
Trong khi đó, nhiệt độ từ 60 độ C trở lên có thể giải phóng antimon ở mức độ nguy hiểm cho sức khỏe. Đây là nhiệt độ mà chai nước của bạn có thể phải đối mặt nếu nó ở trong một chiếc xe hơi đậu dưới trời nắng, trên kệ hoặc bậu cửa sổ bị nắng chiếu vào mùa hè.
Nhận biết một chai nước bị thiu do nhiễm khuẩn
Ngoài hóa chất, nước trong chai của bạn còn phải đối mặt với một tác nhân nguy hiểm khác: mầm bệnh.
Như FDA đã nói, trong khi các công ty sản xuất nước đóng chai phải trải qua quy trình thực hành sản xuất tốt (CGMP), đôi khi việc kiểm tra quy trình này vẫn có lỗ hổng khiến tai nạn có thể xảy ra.
Ví dụ, vào tháng 4/2016, hơn 4.000 nhân viên văn phòng tại Tây Ban Nha đã bị ngộ độc với triệu chứng sốt và nôn mửa. Nguyên nhân được điều tra ra là các cây nước làm mát trong văn phòng này sử dụng nước đóng chai đến từ một nhà sản xuất địa phương. Mẫu nước được thu thập được từ công ty này cho kết quả dương tính với norovirus.
Ngoài virus thì nấm men, nấm mốc và vi khuẩn cũng có thể chui vào chai nước của bạn, thường là trong quá trình đóng gói hoặc vận chuyển.
Nếu bạn uống chai nước đó ngay lập tức, vi khuẩn sẽ không có thời gian để sinh sôi đến mức độ khiến bạn bị ốm. Nhưng nếu để chai nước đó dưới ánh sáng mặt trời trong một thời gian dài, bạn sẽ tạo ra một môi trường ấm áp, ổn định để chúng nhân lên và phát triển.
Một trường hợp phổ biến thường thấy, trong đó, nước trong chai của bạn có thể bị nhiễm mầm bệnh, đó là khi nó đã được mở và bạn đổ lại nước vào đó để tái sử dụng.
Trên thực tế, không có một công ty sản xuất nước đóng chai và chuyên gia y tế nào khuyên người tiêu dùng nên tái sử dụng những chai nước bằng nhựa. Bởi những chiếc chai này chỉ được thiết kế để sử dụng một lần.
Mỗi lần bạn sử dụng chai nhựa, bạn đều tác động lực vật lý lên nó và khiến chai bị biến dạng. Soi một chai nước nhựa dưới kính hiển vi, bạn sẽ thấy chúng có vô số các vết lõm và nứt. Bên trong những vết nứt này chính là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, nấm mốc và nấm men đọng lại để phát triển.
Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Y tế cộng đồng Canada, các nhà khoa học đến từ Đại học Calgary đã thu thập 76 mẫu nước đến từ chai của học sinh tiểu học. Trong đó nhiều chai nước thuộc loại đã được tái sử dụng nhiều lần.
Họ phát hiện ra rằng gần 2/3 số mẫu nước có nồng độ vi khuẩn vượt quá giới hạn cho phép của nước uống. Những chai nhựa cung cấp nơi sinh sản hoàn hảo cho vi khuẩn, Cathy Ryan, một trong những nhà nghiên cứu cho biết.
Cô nói: "Vi khuẩn sẽ phát triển nếu chúng ở trong một điều kiện thích hợp". Chẳng hạn như chất dinh dưỡng, độ ẩm và nhiệt độ, "chai nhựa có tất cả những yếu tố này". Những hao mòn vật lý trong quá trình sử dụng tạo ra những vết nứt, đây là chiếc tổ hoàn hảo cho vi khuẩn.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học thu thập mẫu vi khuẩn trên cổ chai nhựa được sử dụng liên tục trong một tuần mà không rửa. Kết quả chỉ ra rằng quần thể vi khuẩn này chứa cả những tác nhân có thể khiến người trưởng thành bị ốm, tương đương nồng độ gây ra ngộ độc thực phẩm.
Vậy làm thế nào để biết chai nhựa của bạn có bị nhiễm mầm bệnh hay không? Quốc Lê cho biết bạn có thể dựa vào mùi vị của nước. Nếu nước có mùi chua, ôi thiu, mùi của nấm mốc hoặc đầm lầy, đó là một chai nước đã bị hỏng.
Ngoài ra bạn có thể nhìn vào nắp của chai nhựa, hoặc các vị trí khác trong chai. Nếu thấy ở đó có một màng nhầy mỏng, nước trong chai này cũng không còn uống được.
Nếu bạn cố tình uống nước nhiễm khuẩn, tùy thuộc vào sức khỏe hệ miễn dịch của bạn, nhẹ thì bạn có thể bị sốt, đau bụng, nặng thì bạn có thể bị nôn mửa, tiêu chảy đến mức phải nhập viện, Quốc Lê cho biết.
Vậy bạn nên làm gì với một chai nước hết hạn sử dụng?
Bạn nghĩ rằng mình chỉ đơn giản vứt chúng đi thôi phải không? Trên thực tế, bạn không nên vội vàng làm vậy. Như FDA đã nói, một chai nước hết hạn, nếu được bảo quản trong điều kiện tốt vẫn có thể uống được.
Nếu phát hiện ra một chai nước hết hạn, trước hết, bạn cần kiểm tra xem nó có dấu hiệu bị hỏng hay không? Mở nắp, kiểm tra độ sạch của chiếc nắp, mùi vị của nước và dấu hiệu hư hỏng trên vỏ chai. Nếu không có điểm gì bất thường, hãy nhớ xem bạn đã mua chai nước đó ở đâu?
Nếu nó được bảo quản đúng cách, trong một siêu thị thoáng mát thì nhiều khả năng nước đó vẫn còn uống được. Ngược lại, một chai nước để trong cốp ô tô lâu ngày, dưới trời nắng nóng có thể đã thải ra đủ lượng hóa chất mà bạn không nên uống vào cơ thể.
Lúc này bạn nên làm gì?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trên thế giới đang có hơn 2,2 tỷ người không có quyền truy cập vào nguồn nước sạch. Vì vậy, mỗi cá nhân chúng ta đều có trách nhiệm phải tiết kiệm nước và sử dụng nước một cách hợp lý.
Tin vui là một chai nước bị hỏng vẫn có thể uống được nếu bạn tái chế chúng một cách hợp lý. Hãy tưởng tượng bạn tìm thấy một thùng nước bị bỏ quên trong cốp xe và tất cả những chai nước trong đó đều có nguy cơ đã nhiễm một lượng hóa chất từ nhựa.
Quốc Lê cho biết trong trường hợp này, một bộ lọc than hoạt tính sẽ giúp bạn làm sạch nước trở lại. Đối với nước nhiễm mầm bệnh như vi khuẩn hoặc nấm, đun sôi là cách tuyệt vời để giết chết chúng. Nước sau khi lọc và đun sôi sẽ trở nên an toàn để con người có thể uống được.
Ngoài ra, Quốc Lê cho biết bạn không nên sử dụng nước nghi nhiễm hóa chất hoặc vi khuẩn trong chai để tưới cây hoặc cho động vật, thú cưng uống.
Nhìn bề ngoài đó có thể là một cách thể hiện trách nhiệm tiết kiệm nước của bạn. Nhưng thực ra, hành động đó đang đẩy rủi ro sức khỏe từ bạn sang các sinh vật khác trong hệ sinh thái.
Nước bẩn có thể gây nguy hiểm cho người thì cũng có thể gây hại cho động vật và thực vật. Vì vậy, bạn cũng cần phải xử lý lại nước nếu muốn cho thú cưng của mình uống.
Cuối cùng, đối với chai nhựa. Bạn nên nhớ rằng tất cả các loại nước đóng chai trên thị trường đều được làm từ nhựa PET, sử dụng một lần và bạn không nên tái sử dụng chúng, nghĩa là bơm nước từ vòi nhà mình vào để dùng lại chiếc chai đó.
Nghe thì có vẻ là bạn đang bảo vệ môi trường, nhưng chiếc chai nhựa này có thể làm ô nhiễm nước của bạn và đẩy bạn vào nguy cơ mắc bệnh.
Hiệp hội Nước đóng chai Quốc tế cho biết sau khi sử dụng xong một chai nước, bạn chỉ cần ném vỏ của chúng vào thùng rác – không cần rửa sạch hoặc cạo nhãn. Những chiếc chai này sau đó sẽ được các công ty nhựa thu hồi để tái chế.
Tin vui là tất cả các loại chai nhựa sử dụng để đựng nước đóng chai trên thị trường đều có thể được tái chế 100%. Vì vậy, chiếc chai nhựa mà bạn vừa vứt đi có thể được sử dụng để đóng gói một chai nước mới – sau đó, bạn có thể mua lại chai nước này – hy vọng là lần này bạn sẽ mua chúng kịp lúc trước khi hết hạn.