Sáng ngày 22/10, hội thảo "Hiện trạng thị trường âm nhạc Việt Nam và ngành công nghiệp Kpop" do cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (Kocca Vietnam) tổ chức đã thu hút hơn 100 người làm việc trong lĩnh vực truyền thông tham gia.
Tham gia hội thảo gồm 4 diễn giả: Ca sĩ Han Sara; Giáo sư Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế, Học viện Bưu chính Viễn thông (PTIT); Ông Choi Wonjoon - President My Music Taste; Bà Phạm Thụy Thảo Nguyên thuộc công ty 1Label của tập đoàn Yeah1 Group.
Tại buổi chia sẻ, ca sĩ Han Sara nói về chủ đề "Ưu điểm của Vpop mà Han Sara từng trải nghiệm và phương hướng phát triển". Nữ ca sĩ cho biết, cô có đam mê âm nhạc từ bố và hay nghe các bài hát mà bố cô yêu thích. Han Sara muốn trở thành ca sĩ sau khi nghe ca khúc "Without you" của Mariah Carey và bảo với bố rằng "con thích làm ca sĩ".
Han Sara lựa chọn phát triển sự nghiệp tại Việt Nam vì bố cô làm việc ở mảnh đất này. Nữ ca sĩ được khán giả biết tới sau khi tham gia cuộc thi "The Voice Việt" vào năm 2017. Sau cuộc thi cô theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp.
Han Sara cho biết, cô ngưỡng mộ Mỹ Tâm và rất thích bài hát "Ước gì" của đàn chị. Bài hát đầu tiên mà Han Sara ra mắt với vai trò ca sĩ ở Việt Nam là ca khúc "Tớ thích cậu" và nhanh chóng được khán giả yêu thích.
Theo Han Sara chia sẻ thì quá trình phát triển, quảng bá âm nhạc ở Việt Nam không khác Hàn Quốc. Ban đầu công ty chủ quản cũng sẽ tìm ra thế mạnh của ca sĩ rồi tìm nhà sản xuất và các nền tảng phát hành phù hợp. Tuy nhiên do chủ yếu hoạt động ở Việt Nam nên Han Sara không có chia sẻ sâu về thị trường Kpop bởi sợ không khách quan.
Với thị trường nhạc Việt, Han Sara nói: "Tôi thấy nhiều cơ hội để phát triển ở Vpop. Tôi sẽ cùng các nghệ sĩ Việt Nam phát triển nó".
Nói thêm về việc tiếp cận với người hâm mộ, Han Sara cho biết, nghệ sĩ Việt có thể tiếp cận khán giả qua các sự kiện âm nhạc hoặc nhãn hàng, qua các kênh mạng xã hội...
Nữ ca sĩ cũng hi vọng, âm nhạc Vpop và Kpop sẽ có nhiều dự án chung để cùng phát triển. Cuối cùng nữ ca sĩ bày tỏ mong muốn: "Có thể trở thành ca sĩ là cầu nối kết giữa âm nhạc Hàn Quốc và Việt Nam".
Tại hội thảo, phần chia sẻ của ông Choi Wonjoon với chủ đề "Sự biến đổi của mô hình kinh doanh thông qua Kpop" cũng thu hút nhiều sự quan tâm. Theo ông Choi Wonjoon, gu âm nhạc của các quốc gia hiện nay khá giống nhau và khó phân biệt được là của Hàn, Trung, Việt Nam... chính vì thế mà sự cạnh tranh ngày càng lớn hơn.
Đặc biệt, ông Choi Wonjoon tập trung nhiều vào sức mạnh của khán giả hiện tại với âm nhạc. Chính vì thế mà theo ông, hiện nay có nhiều chương trình mở ra để khán giả được góp ý sau đó mới phát triển nội dung và tạo ra sản phẩm.
Việc tiếp cận khán giả cũng là điểm nhấn quan trọng ở thời buổi cạnh tranh cao. Ông Choi Wonjoon cũng cho biết, xu hướng các clip hậu trường hay clip reaction là cách thu hút khán giả và nhiều khi lượt view cao hơn cả một sản phẩm hoàn chỉnh.
Giáo sư Nguyễn Thị Hoàng Yến và bà Phạm Thụy Thảo Nguyên.
Phần chia sẻ của 2 diễn giả là giáo sư Nguyễn Thị Hoàng Yến và bà Phạm Thụy Thảo Nguyên cũng cung cấp nhiều số liệu thực tế về số lượng người nghe nhạc Kpop tại Việt Nam và số thời gian người Việt Nam dành cho âm nhạc.
Đặc biệt, thời gian gần đây, âm nhạc và nghệ sĩ trong nước cũng đang nhận được sự yêu thích cuồng nhiệt từ khán giả. Theo bà Thảo Nguyên, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ sau 3 tháng lên sóng, "Anh trai vượt ngàn chông gai" đã mang về hơn hơn 10 tỷ lượt xem trên các nền tảng xã hội. Nếu chỉ tính riêng phần âm nhạc, chương trình đã thu về hơn 70 triệu lượt stream và hơn 100 triệu view Youtube.
Chia sẻ tổng quan về sự kiện, giám đốc Kocca Vietnam - ông Seong Im Kyong phát biểu: "Theo điều tra của Kocca Vietnam, 82% người được hỏi trả lời có nghe Kpop và con số này tăng so với 74% vào năm 2023. Điều này cho thấy được sự yêu thích của Kpop tại Việt Nam.
Tôi hy vọng thông qua buổi hội thảo lần này giữa hai nước thì âm nhạc ngoài để nghe, nhìn thì nên trở thành một nền công nghiệp".
Được biết sắp tới, Kocca Vietnam dự kiến sẽ xuất bản cuốn "Sách trắng ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam năm 2024".