Hàn Quốc và tham vọng máy bay chiến đấu tương lai KF-X

Tuấn Sơn |

Gần đây, thông tin về chương trình phát triển máy bay chiến đấu tương lai KF-X một lần nữa tạo ra sự quan tâm với cộng đồng khoa học quân sự quốc tế.

Chương trình được khởi động từ năm 2001 với tham vọng cho ra mắt máy bay chiến đấu tiệm cận thế hệ thứ 5 của Hàn Quốc dường như sẽ vẫn tiếp tục bị trì hoãn và không sớm ra mắt.

Phát triển máy bay chiến đấu tương lai với sự giúp sức của…Indonesia

Hiện tại, chương trình KF-X của Hàn Quốc đang được phát triển phối hợp với Indonesia thông qua thỏa thuận liên chính phủ đã ký trước đó.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là khác với các chương trình phát triển vũ khí tương lai khác trên thế giới thường là sự kết hợp giữa các tổ hợp công nghiệp quốc phòng hiện đại, có tiềm lực về công nghệ hoặc tài chính, thì sự kết hợp giữa Hàn Quốc và Indonesia trong chương trình KF-X lại là đồng đẳng.

Hai bên chấp nhận phát triển các công nghệ liên quan từ đầu và điều này khiến cho quá trình phát triển KF-X bị chậm trễ và trì hoãn.

Một điều đáng chú ý khác là Hàn Quốc lên kế hoạch phát triển KF-X từ năm 2001, dưới thời Tổng thống Kim Dae-jung với tham vọng cho ra mắt máy bay chiến đấu mới vào năm 2020.

Hàn Quốc và tham vọng máy bay chiến đấu tương lai KF-X - Ảnh 1.

Hàn Quốc đã đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình KF-X. Ảnh: DefenseTalk.

Tuy nhiên, tham vọng táo bạo của Hàn Quốc đã không thể trở thành hiện thực với hàng loạt vấn đề công nghệ cần vượt qua để chế tạo một máy bay chiến đấu tiên tiến hoàn chỉnh.

Tới tận thời điểm hiện tại, ngoài mô hình của KF-X, không có bất kỳ thông tin về quá trình thử nghiệm, thực nghiệm công nghệ nào của dòng máy bay tương lai này được công bố.

Theo ý định ban đầu, Hàn Quốc mong muốn phát triển KF-X là máy bay chiến đấu 2 chỗ ngồi, 2 động cơ và được ứng dụng công nghệ tàng hình.

Máy bay chiến đấu của Hàn Quốc có kích thước tổng thể lớn hơn máy bay Rafale (Pháp), Typhoon (châu Âu), nhưng nhỏ hơn so với F-22 và F-35.

Quá trình hợp tác giữa Hàn Quốc và Indonesia phát triển KF-X cũng không diễn ra suôn sẻ. Năm 2010, hai bên chính thức ký thỏa thuận hợp tác phát triển KF-X/IF-X. Tuy nhiên, tới đầu năm 2013, do bất đồng, hai bên quyết định tạm hoãn chương trình trong 1 năm rưỡi.

Tháng 7-2013, Indonesia công bố tham vọng tự phát triển máy bay chiến đấu nội địa, nhưng điều này gần như bất khả thi với tiềm lực công nghệ của quốc gia Đông Nam Á này.

Hàn Quốc và tham vọng máy bay chiến đấu tương lai KF-X - Ảnh 2.

Đồ họa máy bay chiến đấu KF-X.

Cuối năm 2013, Hàn Quốc bất ngờ công bố sự thay đổi của KF-X với phiên bản máy bay chiến đấu 1 chỗ ngồi, 1 động cơ. Giới chuyên gia quân sự đánh giá, Seoul có thể dựa vào các kinh nghiệm từ quá trình phát triển máy bay huấn luyện/tấn công FA-50 Golden Eagle.

Tuy nhiên, những khác biệt giữa máy bay huấn luyện và máy bay chiến đấu yêu cầu các công nghệ và giải pháp kỹ thuật hoàn toàn khác biệt. Chính điều này đã lý giải cho sự chậm trễ của chương trình KF-X dù đã có thay đổi.

Quá trình phát triển KF-X chậm trễ cũng ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch hiện đại hóa không quân của Hàn Quốc.

Tới năm 2024, khi các đơn vị máy bay F-5 Tiger II và F-4 Phantom II bị loại biên hoàn toàn, Không quân Hàn Quốc có thể bị lâm vào tình trạng thiếu máy bay chiến đấu hiện đại.

Liệu có đáp ứng được yêu cầu của máy bay thế hệ thứ 5?

Trung tuần tháng 10-2019, Cơ quan phụ trách Mua sắm quốc phòng (DAPA) Hàn Quốc đã ký thỏa thuận với Công ty Korean Aerospace Industries (KAI) chế tạo nguyên mẫu khí động đầu tiên của máy bay KF-X.

Nguyên mẫu này có nhiều nét tương đồng với mô hình KF-X được trưng bày tại Triển lãm quân sự ADEX vừa diễn ra ở Seoul, Hàn Quốc.

Căn cứ vào các hình ảnh được công bố, nguyên mẫu KF-X sử dụng cơ cấu khí động học tương đồng với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 Raptor, nhưng có kích thước nhỏ hơn.

Hàn Quốc và tham vọng máy bay chiến đấu tương lai KF-X - Ảnh 4.

KF-X của Hàn Quốc khó có thể được phân loại là máy bay thế hệ thứ 5. Ảnh: Getty

Khối động cơ phản lực General Electric F414 cung cấp lực đẩy đủ để máy bay nặng 25,4 tấn đạt tốc độ Mach 1.8-1.9. KF-X có 10 điểm treo vũ khí dưới thân và hai phiên bản 1 và 2 chỗ ngồi.

Tuy nhiên, một trong những đặc điểm kỹ thuật quan trọng KF-X sẽ không thể đạt được chính là khả năng tàng hình.

Đại diện KAI khẳng định, máy bay KF-X sẽ không có khoang vũ khí giấu trong thân và những công nghệ chế tạo và lớp sơn phủ đặc biệt tạo ra khả năng tàng hình của máy bay sẽ rất hạn chế.

Một trong những giải pháp tăng đặc điểm khí động học và khả năng tàng hình của KF-X là các giá treo vũ khí được thu sát vào thân máy bay, tương tự như công nghệ áp dụng trên máy bay Eurofighter Typhoon.

KF-X giống như máy bay Typhoon sẽ trang bị các tên lửa không đối không tầm trung MBDA Meteor ở cấu hình tiêu chuẩn.

Hàn Quốc kỳ vọng, máy bay KF-X sẽ sẵn sàng vào năm 2026. Tuy nhiên, với tiến độ phát triển hiện tại, máy bay chiến đấu tương lai của Hàn Quốc sẽ không thể xuất hiện trước năm 2030.

Kể cả khi ra mắt đúng kế hoạch, máy bay chiến đấu nội địa của Hàn Quốc cũng không đủ tiêu chí để được phân loại là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Với mốc thời gian 2030, một vấn đề đặt ra là Hàn Quốc liệu có đang phung phí nguồn lực để có được dòng máy bay chiến đấu chưa ra đời đã lạc hậu? Tới năm 2030, châu Âu có thể sở hữu máy bay thế hệ thứ 6 thuộc chương trình NGF, còn Mỹ thì chương trình F/A-XX…

Hàn Quốc có thể tích lũy được những kinh nghiệm trong quá trình phát triển KF-X, nhưng chúng sẽ không còn phù hợp để tiếp tục ứng dụng với sự phát triển của công nghệ với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Chương trình KF-X của Hàn Quốc có thể coi là một bài học cho tham vọng phát triển máy bay chiến đấu nội địa khi chưa tích lũy đủ nền tảng công nghệ cần thiết.

Những khó khăn về công nghệ, nguồn tài chính khiến chỉ có những siêu cường trên thế giới mới đủ khả năng cho ra mắt những máy bay chiến đấu hiện đại và hoàn chỉnh.

Hàn Quốc và tham vọng máy bay chiến đấu tương lai KF-X - Ảnh 6.

Trong trung và dài hạn, Hàn Quốc sẽ vẫn phụ thuộc vào máy bay chiến đấu nhập khẩu. Trong ảnh: Một máy bay F-35A của Không quân Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại