Hàn Quốc tung cú đấm "knock-out" hạ gục Nga: Chiến tích ở Syria là số 0

Bình Nguyên |

Pantsir-S1 đã có những màn trình diễn xuất sắc ở Syria nhưng không cứu được bàn thua trông thấy và đã gục ngã trước cửa thiên đường vì một đối thủ ít tên tuổi đến từ Hàn Quốc.

Bản hợp đồng chấn động

Việc Bộ Quốc phòng Ấn Độ chính thức công bố đã chốt hợp đồng "khủng" trị giá khoảng 1,6 tỷ USD đặt mua 104 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Hybrid Biho hay Hổ Bay (Flying Tiger) do Hàn Quốc chế tạo khiến nhà thầu quốc phòng Nga hết sức thất vọng.

Tổ hợp Pantsir-S1 đình đám của họ đã bị loại thẳng tay, bất chấp những thành tích chiến đấu có thể nói là xuất sắc ở chiến trường khốc liệt Syria.

Khi tham gia chiến đấu trong lực lượng phòng không Nga bảo vệ các căn cứ đầu não Khmeimim và Tartus, Pantsir-S1 đã liên tiếp phối hợp cùng các tổ hợp khác tiêu diệt toàn bộ máy bay không người lái mang vật liệu nổ tự chế của phiến quân.

Còn với phòng không Syria, họ sử dụng các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 khá hiệu quả trong các trận chiến đánh chặn các đòn tập kích đường không bằng bom và tên lửa của liên quân Mỹ-Anh-Pháp hay Israel.

Hàn Quốc tung cú đấm knock-out hạ gục Nga: Chiến tích ở Syria là số 0 - Ảnh 1.

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Hybrid Biho do Hàn Quốc chế tạo.

Việc lựa chọn Hybrid Biho thay vì Pantsir-S1 được ví như một "cú đấm thôi sơn" mà New Delhi "dành tặng" cho Moscow bất chấp những nỗ lực liên tục và không mệt mỏi của các nhà thầu quốc phòng Nga.

Và điều đó đồng nghĩa với việc Hàn Quốc đã hạ knock-out đối thủ bất chấp từ trước đến nay Ấn Độ luôn được coi là bạn hàng truyền thống hàng đầu của Nga trong lĩnh vực mua sắm vũ khí và hợp tác kỹ thuật quân sự.

Vì sao có cú lật đổ ngoạn mục như vậy?

Một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến Hybrid Biho của Hàn Quốc có cú lật đổ ngoạn mục trước đối thủ cứng cựa là Pantsir-S1 của Nga là "tay đấm" tới từ xứ sở Kim Chi có giá thành khá rẻ, chỉ bằng khoảng già 2/3 so với mức đề xuất chào bán của Công ty xuất nhập khẩu vũ khí quốc doanh Nga Rosoboronexport.

Căn cứ vào mức giá cỡ khoảng 18-20 triệu USD/tổ hợp trong các hợp đồng xuất khẩu Pantsir-S1 của Nga trong thời gian gần đây thì với con số chỉ khoảng trên dưới 15 triệu USD/tổ hợp Hybrid Biho, rõ ràng đối thủ tới từ Hàn Quốc có lợi thế hơn.

Hàn Quốc tung cú đấm knock-out hạ gục Nga: Chiến tích ở Syria là số 0 - Ảnh 2.

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 do Nga chế tạo.

Nhưng điểm mấu chốt lại đến từ việc Hàn Quốc sẵn sàng chuyển giao công nghệ để Ấn Độ có thể nhân bản hàng loạt tại chính các tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong nước.

Bên cạnh đó, tiểu ban chấm thầu vốn bị coi là "sáng nắng chiều mưa" của Ấn Độ, trên cơ sở đề xuất kỹ thuật trong hồ sơ dự thầu của các bên đã đánh giá Hybrid Biho có nhiều đặc điểm kỹ - chiến thuật vượt trội hơn so với Pantsir-S1.

Theo truyền thông Ấn Độ, Hybrid Biho được chọn vì tổ hợp này đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của Lục quân nước này.

Chúng vừa được sử dụng để tăng cường khả năng phòng không cho các đơn vị bộ binh cơ giới vừa có thể triển khai để bảo vệ các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa trước vũ khí tấn công tầm thấp của đối phương và phù hợp khi hiệp đồng tác chiến với những khí tài hiện có của lực lượng này hơn so với các tổ hợp phòng không tương tự từ Nga.

Cụ thể, sản phẩm của Hàn Quốc có ưu điểm là được tích hợp nhiều công nghệ mới nhất với mức độ tự động hóa rất cao, kèm theo tên lửa có điều khiển chính xác có để được dẫn hướng bởi radar hoặc khí tài quang hồng ngoại thế hệ mới.

Hàn Quốc tung cú đấm knock-out hạ gục Nga: Chiến tích ở Syria là số 0 - Ảnh 3.

Cabin chiến đấu của tổ hợp Hybrid Biho khá hiện đại.

Quyết định đã được đưa ra, rất khó để cho Nga có thể đảo ngược nhưng một số chuyên gia quân sự quốc tế nhận định phải chăng Ấn Độ dù biết thừa rằng lựa chọn sản phẩm chưa qua thực chiến là khá mạo hiểm, nhất là sản phẩm tới từ một quốc gia mới nổi trong làng vũ khí thế giới nhưng họ vẫn "nhắm mắt đưa chân".

Dường như Ấn Độ loại Pantsir-S1 để mua Hybrid Biho là chiêu bài "thả con săn sắt, bắt con cá rô" nhằm lấy đà cho những dự án hợp tác quốc phòng lớn hơn với Hàn Quốc để cùng nhau chế tạo những vũ khí tối tân hơn nhờ những công nghệ hàng đầu mà Seoul đang sở hữu.

Tuy nhiên, chưa rõ liệu Hàn Quốc có sẵn sàng chuyển giao những công nghệ tối mật ấy cho Ấn Độ hay không hay là Ấn Độ "sẽ mất cả chì lẫn chài" nhưng chí ít, Hàn Quốc đã thắng Nga trong một ván bài cân não, thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ của một nền công nghiệp quốc phòng mới nổi, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn trong đó có Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại