Hàn Quốc lại từ chối Ukraine
Trong bối cảnh giới truyền thông liên tiếp đưa tin về việc Kiev liên tục yêu cầu Seoul cung cấp vũ khí cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 02/3 đã tuyên bố với giới truyền thông rằng, lập trường của nước này về việc không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine là nhất quán và sẽ không bao giờ thay đổi.
“Chính sách của chính phủ Hàn Quốc về việc không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine vẫn không thay đổi. Chúng tôi đang tích cực thúc đẩy hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine, bao gồm hỗ trợ khôi phục đất nước” - một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Trước đó, chính quyền Seoul đã cung cấp hỗ trợ nhân đạo, viện trợ quân sự phi sát thương trị giá 2 triệu USD, bao gồm mũ bảo hiểm, áo chống đạn và thuốc men, cho Quân đội Ukraine; nhưng từ chối cung cấp các trang thiết bị chiến đấu hạng nặng.
Hôm 27/02, Đại sứ Ukraine tại Hàn Quốc Dmitry Ponomarenko một lần nữa lặp lại yêu cầu Seoul cung cấp vũ khí sát thương, bày tỏ hi vọng rằng các nhà lãnh đạo ở Nhà Xanh sẽ có thể tìm ra giải pháp cho phép thực hiện điều này.
Ông Ponomarenko kêu gọi đàm phán trực tiếp vấn đề này với Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và cơ quan mua sắm vũ khí nhà nước, cũng như tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow bằng cách áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với nhập khẩu dầu Nga và ngắt kết nối tất cả các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu (SWIFT).
Đây đã không biết là lần thứ bao nhiêu Ukraine kêu gọi Hàn Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho nước này, mà cụ thể là số vũ khí Liên Xô mà Quân đội nước này hiện vẫn đang lưu giữ.
Gần đây nhất là vào hồi cuối tháng 1 vừa qua, ngay cả khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhắn nhủ rằng, Hàn Quốc nên noi gương Đức, Thụy Điển và các nước khác, thay đổi quan điểm của mình và cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, để hỗ trợ dân chủ và thiết lập một nền hòa bình lâu dài, thì chính quyền Seoul vẫn cương quyết từ chối.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán đó, vào thời điểm các đồng minh lớn như: Anh, Mỹ, Đức đã quyết định cung cấp xe tăng chiến đấu Challenger, M1 Abrams, Leopard cho Ukraine và Pháp cũng có thể cung cấp xe tăng Leclerc.
T-80U và BMP-3 được coi là vũ khí tốt nhất của Hàn Quốc hồi cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21
Hàn Quốc lấy đâu ra vũ khí Liên Xô/Nga?
Được biết, Mỹ đã đề nghị Hàn Quốc chuyển giao xe tăng T-80U và xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Nga (sản xuất dưới thời Liên Xô) đang phục vụ trong quân đội nước này cho Ukraine nhưng Seoul có lập trường rất cứng rắn là “không thể làm được điều này”.
Trở lại thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi thiết lập chính thức mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và Hàn Quốc vào năm 1990, Moscow đã đồng ý cung cấp xe tăng T-80U và xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Liên Xô cho Seoul để đổi lấy việc xóa món nợ nhà nước của Liên Xô có trị giá gần 2 tỷ USD, với một số điều kiện rất ngặt nghèo.
Tổng cộng 33 xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U và 2 xe tăng chỉ huy T-80UK được Nga chuyển cho Hàn Quốc trong giai đoạn 1996-1997 và 2005.
Vào thời điểm đó, K2 Black Panther chưa ra đời nên T-80U chính là xe tăng hiện đại nhất của Lục quân Hàn Quốc, vượt trội so với mẫu K1 88 và K1A1 sau này.
Ngoài ra, Nga cũng cung cấp cho Quân đội Hàn Quốc 67 chiếc xe chiến đấu bộ binh BMP-3 (33 xe chuyển giao trong giai đoạn 1996 - 1997 và thêm 34 xe khác nhận năm 2005, cùng đợt với những chiếc T-80UK).
Vào thời điểm đó, BMP-3 có sức mạnh hỏa lực và khả năng cơ động vượt trội so với dòng xe chiến đấu bộ binh (IFV) nội địa K21 của Hàn Quốc.
Mặc dù toàn bộ số xe tăng và xe thiết giáp Nga đều bị Quân đội Hàn Quốc loại biên vào năm 2015, nhưng số trang bị này vẫn được Seoul cất trữ và có thể mang ra tái sử dụng nếu trải qua một quy trình bảo dưỡng kỹ thuật.
Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ không thể cung cấp cho Ukraine số xe tăng T-80U và xe chiến đấu bộ binh BMP-3 mà Nga đã chuyển giao, dưới bất kỳ hình thức nào, dù là bán lại hay trao tặng, bởi những ràng buộc trong thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước, được ký kết vào năm 1997.
Theo khoản 1 điều 8 của thỏa thuận năm 1997 về hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, công nghiệp quốc phòng và hậu cần giữa chính phủ Hàn Quốc và Liên bang Nga, cả hai nước “không có quyền trao tặng hay bán lại cho nước thứ ba những vũ khí đã cung cấp cho nhau, mà không được sự đồng ý bằng văn bản của phía bên kia”.