Hôm 13/9, Không quân Hàn Quốc (ROKAF) đã bắn thử nghiệm tên lửa hành trình Taurus để đáp trả một vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Trong đoạn video dưới đây, có thể thấy chiếc F-15K đã bắn ra một loại tên lửa có phần đầu hơi vuông. Tên lửa này đã đâm thẳng qua nóc của mục tiêu giả định, xuyên vào lòng đất trước khi đầu đạn của nó phát nổ.
Trong nhiều thập kỷ qua, quân đội Hàn Quốc đã chuẩn bị cho một cuộc xung đột, trong đó Triều Tiên dùng pháo binh, vũ khí hóa học và tên lửa đạn đạo tấn công vào các thành phố của Hàn Quốc, đặc biệt là thủ đô Seoul. Giờ đây, với bối cảnh hiện nay, cuộc tấn công đó có thể bao gồm cả vũ khí hạt nhân.
Mặc dù cần ngăn chặn viễn cảnh ấy xảy ra bằng mọi giá nhưng trong trường hợp xấu nhất, để đối phó với Triều Tiên, một nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc là phải phá hủy các trận địa pháo và tên lửa của Bình Nhưỡng càng nhanh càng tốt.
Nhiệm vụ này được chỉ định cho 60 tiêm kích F-15K Slam Eagle đang có trong biên chế Không quân Hàn Quốc.
Được thiết kế dựa trên mẫu tiêm kích-bom F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ nhưng các máy bay Slam Eagle có hệ thống tác chiến điện tử và cảm biến mạnh hơn. Hiện nay, chúng đã được trang bị các tên lửa hành trình xuyên boong-ke để có thể "thổi bay" các silo tên lửa của Triều Tiên.
Những tên lửa này còn có thể được Hàn Quốc triển khai để tiêu diệt yếu nhân Triều Tiên ẩn náu trong boong-ke kiên cố. Chắc hẳn đây là một khả năng mà quân đội Hàn Quốc muốn lột tả được qua đoạn video công bố.
Các tiêm kích Slam Eagle
Strike Eagle là một phiên bản tiêm kích-bom của F-15 Eagle, được trang bị thêm các giá treo vũ khí, thùng dầu phụ và các cảm biến, đổi lại, tỷ lệ lực đẩy trên khối lượng và độ cơ động của máy bay sẽ giảm đi chút ít.
Chiếc máy bay 2 chỗ ngồi này vẫn có thể đạt tới tốc độ gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh và mang được 11,5 tấn vũ khí, gấp gần 3 lần lượng bom mà máy bay ném bom chiến lược thời Thế chiến II có thể mang theo.
Điểm trừ của Strike Eagle là động cơ kép cỡ lớn của nó có chi phí vận hành đắt đỏ hơn nhiều so với F-16, mặc dù đây là loại động cơ thường góp phần giảm tỷ lệ tai nạn.
Tiêm kích F-15K Slam Eagle. Ảnh: Air Force Technology.
Hàn Quốc quyết định mua 40 chiếc F-15K vào năm 2002, với chi phí 4,2 tỷ USD trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa lực lượng không quân. F-15 đã đánh bại các mẫu máy bay Eurofighter Typhoon, Rafale và phiên bản đời đầu của Su-35.
Gần 40% bộ phận của F-15K do các công ty Hàn Quốc sản xuất, trong đó gồm khung thân, cánh và nhiều hệ thống điện tử, sau đó quy trình lắp ráp máy bay sẽ được Boeing tiến hành tại St. Louis, Missouri.
Do mẫu Slam Eagle ra mắt sau khi F-15E được biên chế hơn 1 thập kỷ nên ngay từ đầu chúng có thể được trang bị các công nghệ mới như màn hình phẳng trong buồng lái tương thích với kính nhìn đêm, hệ thống dò mục tiêu gắn trên mũ bay.
Slam Eagle cũng là một trong những biến thể đầu tiên của F-15 trang bị động cơ F110, với lực đẩy lớn hơn 10% so với động cơ F100 ban đầu.
Năm 2008, Seoul đặt mua lô F-15K thứ hai với 21 máy bay. Chiếc thứ 21 ở lô này dùng để thay thế cho chiếc F-15K gặp nạn năm 2006.
Những máy bay mới được trang bị pod chỉ thị mục tiêu Sniper-XR và động cơ F100 PW-229 để có thể tận dụng những bộ phận tương đồng với động cơ trên các máy bay chiến đấu KF-16 của Hàn Quốc.
Khác với phiên bản của Mỹ, F-15K sử dụng hệ thống tìm kiếm và theo dõi mục tiêu hồng ngoài AAS-42, cho phép Slam Eagle bám theo máy bay đối phương ở khoảng cách gần hơn mà không cần bật radar. Ban đầu, F-15K sử dụng radar APG-63 (V)1 với chế độ tìm kiếm và nhận dạng mục tiêu trên biển để hỗ trợ tính năng của F-15K trong vai trò tấn công hải quân.
Tuy nhiên sau đó, Không quân Mỹ đã nâng cấp phi đoàn F-15E với các radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) APG-82, có độ phân giải và tàng hình cao.
Mặc dù ăng-ten của APG-63 có thể được nâng cấp lên loại quét mảng pha điện tử chủ động nhưng không rõ liệu Không quân Hàn Quốc có theo đuổi lựa chọn này hay không, bởi đối thủ của họ - Không quân Triều tiên vẫn khá lạc hậu, chỉ có 35 chiếc MiG-29 mua từ những năm 1990 có phần "hiện đại" một chút.
Tuy nhiên, Triều Tiên có các hệ thống tên lửa đất-đối-không (SAM), dù chỉ một phần nhỏ trong số chúng là loại hiện đại.
Để đối phó với mối đe dọa này, F-15K được trang bị Bộ tác chiến điện tử chiến thuật nhẹ hơn nhưng mạnh hơn hệ thống tương tự trên F-15E, trong đó bao gồm hệ thống đối phó ALQ-135M với tốc độ xử lý nhanh hơn, có thể theo dõi và gây nhiễu đồng thời nhiều tên lửa SAM đang lao đến và hệ thống mồi bẫy ALE-47 có thể gây nhầm lẫn cho tên lửa đối phương.
Tên lửa Taurus
Tất cả các máy bay F-15K được phân bổ cho Không đoàn số 11 đóng tại Daegu, cách khu phi quân sự gần 300km về phía nam.
Quyết định triển khai này cho thấy chúng không giữ vai trò là tiêm kích chiến thuật tiền tuyến phản ứng nhanh, mà thay vào đó là đảm nhận các nhiệm vụ chiến thuật và tấn công. Sở dĩ như vậy vì F-15K là máy bay chiến đấu duy nhất của Hàn quốc có khả năng triển khai mẫu tên lửa đáng gờm Taurus.
Ban đầu, Hàn Quốc đã đặt mua 170 tên lửa Taurus từ các nhà sản xuất Đức và Thụy Điển, công tác chuyển giao lô đầu tiên được hoàn thành trong năm 2017.
Tên lửa Taurus (hay KEPD-350K) dài 5m, có tốc độ cận âm và có thể tấn công các mục tiêu cách xa khoảng 500km - đủ xa để tấn công bất cứ vị trí nào trên lãnh thổ Triều Tiên khi được phóng từ không phận Hàn Quốc.
Để tránh bị phát hiện, tên lửa Taurus bay cách mặt đất 90m và trang bị các hệ thống kháng nhiễu, tàng hình trước radar.
Tên lửa này sử dụng 4 hệ thống dẫn đường khác nhau (GPS, quán tính, hồng ngoại và hệ thống dẫn đường theo địa hình), có thể được lập trình để quét hình ảnh 3 chiều về mục tiêu khi gần tới đích và có thể hủy bỏ lệnh tấn công mà không gây ra thiệt hại xung quanh nếu không tìm thấy mục tiêu.
Tên lửa Taurus có thể xuyên 6m bê-tông - đây chính xác là khả năng cần có để phá hủy các trận địa pháo và tên lửa kiên cố có thể gieo rắc cái chết xuống Hàn Quốc.
Tên lửa Taurus. Nguồn: bemil.chosun.com
Tới tháng 12/2016, Hàn Quốc tiếp tục đặt mua thêm 90 tên lửa KEPD-350 trong bối cảnh Triều Tiên ngày càng gia tăng các vụ thử tên lửa. Ngoài ra, Seoul đang có ý định triển khai phiên bản nhẹ hơn của tên lửa Taurus với tầm bắn 400km, có thể được trang bị trên các máy bay huấn luyện-tấn công hạng nhẹ FA-50 Golden.
Tất nhiên, trong trường hợp xảy ra xung đột với Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ nhận được sự hỗ trợ hỏa lực quy mô lớn từ phía các máy bay chiến đấu và ném bom của Không quân Mỹ, cùng như các tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến và tàu ngầm chiến lược lớp Ohio của Washington.
Tuy nhiên, hỏa lực này chỉ có thể giảm bớt, chứ không thể ngăn Triều Tiên gây ra thương vong cho hàng nghìn dân thường trong những ngày đầu của cuộc xung đột.
Mặc dù một số hệ thống pháo và tên lửa của họ được triển khai cố định tại các vị trí phòng ngự kiên cố nhưng các hệ thống khác có thể di động, nhanh chóng thay đổi vị trí để tránh hỏa lực trả đũa của Mỹ-Hàn và khiến cho lực lượng tình báo không biết đâu mà lần.
Mỹ từng tìm cách săn lùng các bệ phóng tên lửa đạn đạo di động Scud của Iraq năm 1991 nhưng dường như không thành công. Lực lượng tình báo không thể xác nhận chắc chắn đã có bệ phóng Scud nào bị phá hủy từ trên không hay chưa.
Tất nhiên, kể từ đó đến nay, lĩnh vực công nghệ và chiến thuật đã có nhiều bước tiến nhưng không có lý do gì để loại trừ những khó khăn mà Mỹ từng gặp phải.
Slam Eagle, cùng các máy bay của Mỹ chỉ có thể hy vọng sẽ giảm nhẹ được mức độ tàn phá của Triều Tiên, chứ không loại trừ được hoàn toàn mối đe dọa này ngay từ đầu.
Không ai nên tự lừa dối mình rằng một cuộc tấn công phủ đầu hay phản công chớp nhoáng sẽ hạn chế số lượng thương vong ở mức chấp nhận được. Song, điều này không làm cho vai trò của các máy bay F-15K kém phần quan trọng.
Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, tốc độ vô hiệu hóa các tổ hợp tên lửa của Triều Tiên sẽ tác động tới hàng nghìn mạng sống ở Hàn Quốc, và thậm chí cả Mỹ.
Hàn Quốc hiện có kế hoạch trang bị 40 tiêm kích tàng hình F-35 khi loại biên các máy bay F-4 Phantom. Seoul còn có kế hoạch sản xuất 200 tên lửa hành trình tự thiết kế để trang bị trên các máy bay chiến đấu KF-X khi/nếu mẫu phi cơ này được hoàn thiện.
Cho tới khi các máy bay mới đã sẵn sàng thì Slam Eagle vẫn sẽ là máy bay chiến đấu hàng đầu của Hàn Quốc, đóng vai trò đặc biệt quan trong trong chiến lược phòng thủ quốc gia.
***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của chuyên gia Sébastien Roblin, thạc sĩ về Giải quyết xung đột từ Đại học Georgetown (Mỹ).