Hàn Quốc "nín thở" trước biểu hiện lạ từ Triều Tiên
Đài KBS (Hàn Quốc) ngày 4/12 đưa tin, liên quan tới những biến động vừa diễn ra ở Hàn Quốc sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật, phía Triều Tiên vẫn chưa có phản ứng hay động thái cụ thể nào. Truyền thông Triều Tiên thậm chí không đưa tin về vụ việc.
Song, đây lại là điều khiến Hàn Quốc lo lắng. Trước đó, theo hãng tin CNN (Mỹ), mọi sự chú ý lúc này đang đổ dồn về Triều Tiên. Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có thể muốn tận dụng tình hình hỗn loạn tại Hàn Quốc để giành lợi thế.
Cùng ngày, lãnh đạo phe đối lập Hàn Quốc, Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) Lee Jae Myung đã cảnh báo nguy cơ rằng sau khi áp đặt thiết quân luật thất bại, Tổng thống Yoon "có thể tìm cách áp đặt lại một lần nữa hoặc thậm chí khiêu khích Triều Tiên để đưa tình hình biên giới đến chỗ đụng độ quân sự".
Theo KBS, tính đến 20h ngày 4/12, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên Rodong Sinmun và hãng thông tấn nhà nước KCNA, cũng như đài truyền hình trung ương Triều Tiên KCTV đều không đả động gì tới các tin tức liên quan tới việc Tổng thống Yoon Seok Yeol ban bố thiết quân luật, sau đó dỡ bỏ.
Đáng lưu ý, trong tuyên bố khẩn ban bố thiết quân luật tối 3/12, ông Yoon đã đề cập trực diện tới Triều Tiên khi đặt mục tiêu "xóa sổ các lực lượng thân Triều Tiên đang chống lại nhà nước Hàn Quốc". Theo logic thông thường, Bình Nhưỡng sẽ phản ứng.
KBS lưu ý, Triều Tiên có độ trễ thời gian nhất định khi phản ứng với các tin tức về chính trị Hàn Quốc.
Khi dự luật luận tội cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun bị bác bỏ vào tháng 5/2004, Triều Tiên đã phản ứng trong vòng 2 ngày. Tuy nhiên, khi phán quyết luận tội cựu Tổng thống Park Geun Hye được đưa ra vào tháng 3/2017, Bình Nhưỡng đã đưa tin nhanh hơn hẳn so với bình thường, chỉ trong khoảng 2 giờ 20 phút.
Phản ứng của Bình Nhưỡng trở nên khó dự đoán hơn sau khi Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố Hàn Quốc là "quốc gia xa lạ và thù địch". Phía Triều Tiên sau đó cho nổ nhiều đoạn đường nối với Hàn Quốc vào tháng 10 năm nay.
Một chuyên gia Hàn Quốc về Triều Tiên thừa nhận, hiện "khó có thể đưa ra dự đoán nào về phản ứng của Triều Tiên đối với tình hình ở Hàn Quốc", đồng thời lưu ý rằng, trong quá khứ, Triều Tiên từng hiểu sai tình hình ở Hàn Quốc do mức độ kiểm soát thông tin nghiêm ngặt. Cuối cùng, họ đã phải điều chỉnh chiến lược của mình để hiểu rõ hơn về tình hình thực tế.
KBS dự đoán, truyền thông Triều Tiên có khả năng sẽ chờ đợi kết quả bỏ phiếu của Quốc hội Hàn Quốc về thủ tục luận tội Tổng thống Yoon rồi mới đưa ra phản ứng.
Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân các lực lượng vũ trang Hàn Quốc Kim Myung Soo yêu cầu quân đội Hàn Quốc tiếp tục duy trì trạng thái sẵn sàng để phía Triều Tiên "không đưa ra những phán đoán sai lầm".
Tại cuộc gặp gỡ với các chỉ huy quân đội Hàn Quốc, ông cũng đồng thời ra lệnh duy trì kỷ luật và cảnh giác đối với Triều Tiên.
Mệnh lệnh tham chiến và cuộc gọi "vén màn" tình hình biên giới liên Triều
Trong một diễn biến liên quan, tuần báo Good Morning Chungcheong (GMCC - Hàn Quốc) ngày 4/12 tiết lộ, vào lúc 20h ngày 3/12, đơn vị đặc nhiệm 707 Hàn Quốc đã nhận được một chỉ thị khẩn: "Tình hình liên quan tới Triều Tiên rất nghiêm trọng, vì vậy hãy chuẩn bị triển khai ngay bằng trực thăng".
Cùng với yêu cầu chuẩn bị các băng chứa đạn thật để sẵn sàng chiến đấu, chỉ thị này còn lưu ý đây là "mệnh lệnh đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng".
Đáng lưu ý, theo GMCC, đơn vị 707 là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất Hàn Quốc, được giao nhiệm vụ bảo vệ quan chức cấp cao, ứng phó với các động thái của Triều Tiên và thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố. Chỉ thị tối ngày 3/12 được gửi tới đơn vị này như thể "giao phó một nhiệm vụ ngăn chặn hành động của Triều Tiên".
Một nguồn tin của GMCC cho biết, vào lúc 22 giờ 30 phút tối 3/12 - thời điểm Tổng thống Yoon tuyên bố thiết quân luật, điện thoại di động của các binh sĩ nhận lệnh triển khai đã bị tịch thu để ngăn chặn nguy cơ rò rỉ kế hoạch và ngăn không cho họ nắm được tình hình chính xác.
10 phút sau, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun triệu tập một cuộc họp với tất cả các chỉ huy có mặt, ra lệnh đặt quân đội trong tình trạng báo động và sẵn sàng cao độ.
23 giờ ngày 3/12, Bộ Tư lệnh Thiết quân luật được thành lập tại hầm của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, với Tham mưu trưởng Lục quân Park An Soo làm chỉ huy, và Thiết quân luật số 1 được ban bố ngay lập tức, hạn chế các hoạt động chính trị và quyền tự do ngôn luận và xuất bản.
Đơn vị đặc nhiệm 707 trên thực tế được điều động đến Yeouido, nhận lệnh giải tán phiên họp toàn thể của Quốc hội nhằm dỡ bỏ thiết quân luật, và bắt giữ những nhân vật chủ chốt của các đảng. Tham gia cùng với họ còn có Lữ đoàn đặc nhiệm dù số 1 ở Gangseo-gu, Seoul.
Trong khi đó, Lữ đoàn dù số 3 ở Icheon, tỉnh Gyeonggi được giao nhiệm vụ chặn Gwacheon, cửa ngõ vào Seoul. Trực thăng cùng xe bọc thép được huy động. Hành động quân sự chớp nhoáng này diễn ra chỉ trong 30 phút.
Một cựu trợ lý của Tổng thống Yoon cho biết, ngay sau nghi nghe tuyên bố về thiết quân luật, ông đã gọi điện cho các đầu mối liên lạc trong văn phòng ông Yoon và các nhánh khác của chính phủ Hàn Quốc, nhưng không ai trong số họ biết trước những gì sắp xảy ra.
Ngay cả các nhà lãnh đạo cấp cao trong đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền của Tổng thống Yoon cũng chỉ biết về tuyên bố thiết quân luật thông qua các phương tiện truyền thông.
Cựu tướng Hàn Quốc Kim Byung Joo tiết lộ ông đã gọi cho các tướng lĩnh quân đội phụ trách khu vực gần biên giới với Triều Tiên để xem thực hư ra sao, nhưng không ai biết chuyện gì.
Các chỉ huy quân đoàn tiền tuyến đã phải theo dõi tình hình qua tivi để hiểu xem tại sao việc này lại xảy ra. Họ cho biết "không có hoạt động bất thường nào từ Triều Tiên".
"Thế trận an ninh ứng phó Triều Tiên vẫn ổn định" - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Kim Myung Soo nêu trong một tuyên bố trước sáng 4/12.
Tạp chí Newsweek (Mỹ) dẫn lời các chuyên gia nhận định, với những gì đang diễn ra, Triều Tiên trước mắt sẽ giành được "chiến thắng tuyên truyền" bằng cách sử dụng tình hình hỗn loạn ở Hàn Quốc như một minh chứng cho các thông điệp của mình.
Tuy nhiên, tờ này cho rằng Bình Nhưỡng đang bận tâm với những mối quan tâm riêng như việc điều quân hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraine, và "không ở một vị thế tốt để phản ứng tức thì với tình hình Hàn Quốc".