“Kinh nghiệm từ cuộc xung đột Ukraine” được coi là cơ sở dẫn đến quyết định này, vì trong quá trình thực chiến, nhiều trường hợp trực thăng tấn công bị bắn hạ đã làm nảy sinh ý kiến lo ngại từ các nhà phân tích về sự “vô dụng” của chúng trên chiến trường hiện đại.
"Bộ Quốc phòng, Quân đội và Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng đã đưa ra đánh giá toàn diện về tính khả thi của việc mua 36 trực thăng tấn công Apache, bao gồm cả kế hoạch giảm số lượng đơn vị được mua".
"Các quan chức quân sự và công nghiệp quốc phòng đang đồng thời xem xét tính hữu ích của trực thăng tấn công, liên quan đến việc phát triển các hệ thống vũ khí không người lái".
"Để phù hợp với những thay đổi trong chiến tranh hiện đại, Quân đội Hàn Quốc cũng có ý định thực hiện kế hoạch thay thế súng cối 81 mm hiện và giao nhiệm vụ tấn công cho máy bay không người lái", tờ báo lớn nhất Hàn Quốc Chosun Ilbo cho biết.
Trích dẫn một nguồn tin quân sự cấp cao giấu tên, ấn phẩm nói rõ: "Ít nhất, có quan điểm mạnh mẽ rằng Quân đội Hàn Quốc khó lòng xác nhận sự cần thiết phải mua toàn bộ lô 36 máy bay trực thăng thuộc lô bổ sung.
Tùy thuộc vào diễn biến của cuộc thảo luận, nhưng khả năng cao là quyết định mua sắm sẽ bị đảo ngược hoàn toàn".
Quân đội Hàn Quốc đã có 36 chiếc Apache đang được biên chế, bàn giao vào năm 2017 - 2018 và ngay sau đó đã có quyết định bổ sung số lượng nhằm tăng quy mô phi đội.
Việc mua sắm bổ sung từng được xem là hợp lý sau khi chính quyền Tổng thống Moon Jae-in phê duyệt cái gọi là "kế hoạch tấn công mới" nhằm chấm dứt chiến tranh sau hai tuần trong trường hợp nổ ra chiến sự với Triều Tiên.
Một trong những yếu tố then chốt giúp Seoul có thể chiến thằng là việc sử dụng ồ ạt trực thăng để gửi lực lượng đặc biệt đến Bình Nhưỡng. Tuy nhiên dự án này trên thực tế đã bị bỏ dở.
Nhưng đến nay tình hình đã thay đổi, không chỉ liên quan đến căng thẳng mới diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên. Tác động của cuộc xung đột Ukraine, xét về cường độ, rất có thể so sánh với khả năng nối lại cuộc chiến giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
Ngoài ra không thể bỏ qua sự thật đó là ở Ukraine, trực thăng tấn công thường bị bắn hạ bởi các tổ hợp tên lửa di động và đôi khi bao gồm cả máy bay không người lái.
Câu hỏi đã được đặt ra cho các quan chức Seoul về việc liệu có cần thiết phải chi 70% ngân sách hàng năm của quân đội để mua thiết bị quân sự mới, trong đó bao gồm những phương tiện chưa thực sự cần thiết như trực thăng Apache hay không.
"Đặc biệt cần lưu tâm đế thực tế là khi bản kế hoạch mua những chiếc Apache đầu tiên được trình bày, đơn giá là 32,2 triệu USD, nhưng giá dự kiến của chiếc trực thăng từ lô sản xuất mới đã tăng lên 53,5 triệu USD và rất có thể sẽ còn tăng hơn nữa trong tương lai", tờ Chosun Ilbo chỉ ra.
Sau khi bày tỏ mong muốn từ chối phụ thuộc vào trực thăng tấn công, Quân đội Hàn Quốc trên thực tế đã lặp lại lập luận của Nhật Bản.
Kể từ cuối năm 2022, tại Tokyo, một quyết định gần như tương tự đã xuất hiện, được thúc đẩy tương tự bởi “kinh nghiệm về cuộc chiến Ukraine”.
Nhưng có một sắc thái quan trọng: người Nhật xây dựng các phi đội máy bay trực dựa trên các mẫu thiết kế do chính họ sản xuất – điển hình như chiếc Fuji-Bell UH-1B Hiyodori (phiên bản sản xuất theo cấp phép từ nguyên mẫu trực thăng đa dụng UH-1 của Mỹ); và Kawasaki OH-1 Ninja.
Theo giới quan sát, khó có khả năng nhà sản xuất trực thăng Apache là Tập đoàn McDonnell Douglas sẽ dễ dàng chấp nhận việc “giảm nhẹ” “danh mục đơn hàng” trị giá vài tỷ đô la của mình.
Vì vậy ý tưởng thay đổi kế hoạch mua trực thăng chiến đấu Apache chỉ được các chính trị gia "hạng hai" bàn luận, trong khi Tổng thống Yun Seok-yeol lại muốn giữ im lặng về vấn đề này.
Trực thăng tấn công AH-64 Apache của Quân đội Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận.
Theo Chosun Ilbo