Trong vụ đối đầu kéo dài 6 giờ hôm 3-1, hơn 100 cảnh sát cầm theo lệnh bắt đã không thể tiếp cận Tổng thống đang bị đình chỉ chức vụ Yoon Suk-yeol do thái độ kiên quyết bảo vệ của Cơ quan An ninh Tổng thống (PSS) tại tư dinh của ông.
Lòng trung thành cá nhân?
Đội an ninh đã dựng hàng rào người và dùng xe cản đường, không cho nhóm điều tra thực thi lệnh bắt giữ.
PSS sau đó còn lên tiếng chỉ trích Văn phòng Điều tra tham nhũng đối với quan chức cấp cao (CIO). "Chúng tôi lấy làm tiếc khi CIO và Văn phòng Điều tra Quốc gia đã đột nhập khu vực an ninh và cơ sở quân sự mà không được phép, huy động lực lượng cảnh sát khi không có cơ sở pháp lý" - PSS nhấn mạnh.
Điều tra viên thuộc cơ quan chống tham nhũng nhà nước vào tư dinh của Tổng thống Yoon Suk-yeol tại Seoul ngày 3-1 để thực hiện lệnh bắt giữ. Ảnh: Yonhap.
Thành lập từ năm 1963, PSS là cơ quan độc lập, là lực lượng tương đương với Mật vụ Mỹ, chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh đạo hàng đầu của Hàn Quốc, gồm tổng thống và thủ tướng, cùng các văn phòng, dinh thự và gia đình của họ, cũng như nguyên thủ nước ngoài đến thăm Hàn Quốc.
Tiền thân của PSS là Lực lượng Cảnh sát An ninh Tổng thống, được thành lập năm 1949 và sau đó đổi tên thành Cảnh sát Tổng thống Nhà Xanh. Đơn vị này đổi tên thành PSS vào năm 1963.
Lực lượng này được tuyển mộ từ cảnh sát, quân đội và cơ quan tình báo. Người đứng đầu PSS luôn do tổng thống trực tiếp chỉ định.
Người đầu tiên đảm nhiệm vai trò lãnh đạo PSS dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol là ông Kim Yong-hyun, bạn học cũ của ông Yoon, sau này trở thành Bộ trưởng Quốc phòng. Hiện ông Kim đang bị tạm giam vì vai trò chủ chốt trong vụ ban bố thiết quân luật.
Dù đã bị quốc hội bỏ phiếu luận tội, ông Yoon vẫn được hưởng chế độ bảo vệ an ninh. Giới chuyên gia nhận định rằng hành động của PSS có thể xuất phát từ lòng trung thành cá nhân với ông Yoon hơn là trách nhiệm bảo vệ tổng thống.
Một số ý kiến cho rằng ông Yoon đã cài cắm nhân sự trung thành trong tổ chức này, bao gồm cả Giám đốc PSS đương nhiệm Park Jong-joon, được chính tổng thống bổ nhiệm vào tháng 9 năm ngoái. Chính ông Park đã từ chối, không cho nhóm điều tra tiếp cận dinh thự tổng thống sáng 3-1 với lý do các khu vực bên trong là khu vực an ninh, bị hạn chế.
Nguy cơ đụng độ lớn?
Do ông Yoon đã bị đình chỉ, PSS lẽ ra nên nhận chỉ thị từ quyền Tổng thống Choi Sang-mok. "Có thể họ chưa nhận được chỉ thị rút lui từ quyền Tổng thống Choi hoặc họ từ chối lệnh của ông ấy" - PGS Mason Richey thuộc Đại học Đối ngoại Hankuk tại Seoul nói với BBC.
Có chuyên gia cho rằng quyền Tổng thống Choi Sang-mok, người kế nhiệm tạm thời sau khi Quốc hội thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống kiêm Thủ tướng Han Duck-soo, nên ra lệnh cho PSS rút lui. Nếu ông Choi không làm điều này, chính ông có thể phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội.
PSS không chỉ có quyền lực lớn mà còn được trang bị vũ khí hạng nặng, khiến việc thực thi lệnh bắt giữ ông Yoon có thể càng gặp khó khăn. Một số nhà quan sát đặt câu hỏi về tình huống nào xảy ra nếu PSS tiếp tục chống lại các lệnh bắt giữ và sử dụng vũ khí để ngăn chặn?
Trong cuộc đụng độ ngày 3-1, các quan chức CIO tiết lộ với Yonhap rằng có vẻ phía PSS đem theo vũ khí nhưng không sử dụng.
Hiện cảnh sát đã mở cuộc điều tra đối với Giám đốc PSS và cấp phó của ông vì hành vi cản trở pháp luật.
Lệnh bắt giữ ông Yoon sẽ hết hiệu lực vào ngày 6-1, buộc điều tra viên phải nhanh chóng hành động. Nỗ lực bắt giữ mới có thể diễn ra vào cuối tuần, nhưng khả năng đông đảo người ủng hộ ông Yoon tụ tập có thể khiến tình hình thêm phức tạp.