Toan tính của Hàn Quốc
Đại Hàn Dân Quốc (ROK) đã chính thức phê duyệt chương trình thiết kế và đưa ngân sách đóng tàu sân bay mang mật danh LPX-II vào kế hoạch quốc phòng trung hạn giai đoạn 2020-2024.
Hyundai Heavy Industries đã giành được hợp đồng thiết kế vào cuối năm ngoái, lấy thiết kế trước đó của Hanjin Heavy Industries and Construction làm điểm khởi đầu, và sẽ đưa LPX-II vào vận hành vào cuối thập niên 2020. Tàu sân bay của Hàn Quốc phù hợp với mục tiêu chiến lược hiện có của nước này - phòng thủ và đẩy lùi cuộc xâm lược giả định của Triều Tiên.
Theo kế hoạch hiện tại, một khi chiến sự bùng nổ, lính thủy đánh bộ Mỹ và Hàn Quốc sẽ mở mặt trận thứ hai, có nhiệm vụ đổ bộ đánh chiếm thủ đô Bình Nhưỡng.
Tàu sân bay có thể vận chuyển hơn một chục máy bay chiến đấu F-35B trên một nền tảng di chuyển mà Triều Tiên sẽ không dễ dàng nhắm mục tiêu trong thời chiến, có thể yểm trợ trên không cho lực lượng đổ bộ đó.
Ban đầu, LPX-II được cho là một tàu đổ bộ mới cùng dòng với lớp Dokdo (UDC) - tức là một tàu đổ bộ trông giống như tàu sân bay, nhưng mục đích chính là vận chuyển lính thủy đánh bộ vào bờ, thay vào đó, LPX-II sẽ là một tàu sân bay thực sự có các máy bay chiến đấu cánh cố định.
Theo các chuyên gia, với tàu này, khả năng cơ động và tấn công từ những nơi khác nhau sẽ mang lại lợi thế trong trường hợp xung đột giả định với Triều Tiên leo thang.
Được đậu ở biển Nhật Bản hoặc Hoàng Hải, LPX-II sẽ có thể sử dụng máy bay F-35B tấn công Triều Tiên từ phía tây hoặc phía đông, buộc Bình Nhưỡng phải cảnh giác đối phó với các mối đe dọa không chỉ từ phía nam mà cả phía tây và phía đông.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Triều Tiên có thể sẽ sử dụng pháo, tên lửa tầm xa, lính dù, đặc công và các phương tiện khác để “khóa” các căn cứ không quân của Hàn Quốc - một nguồn chính tạo nên ưu thế quân sự ngày càng tăng của nước này.
Máy bay bố trí trên boong sẽ tận dụng các điểm mù trong hệ thống phòng không của Triều Tiên có cơ sở hạ tầng quân sự cũ kỹ tạo ra khoảng trống trong phạm vi phủ sóng radar, và tàu sân bay cũng sẽ tạo ra nền tảng an toàn trên biển cho lực lượng Không quân Hàn Quốc.
Một căn cứ không quân nổi sẽ là bất khả xâm phạm đối với tất cả trừ cuộc tấn công của tàu ngầm, trong khi Triều Tiên có số lượng tàu ngầm lớn, nhưng đã lỗi thời và dễ bị phát hiện.
Theo Schuster - một cựu thuyền trưởng Hải quân và là cựu Giám đốc Trung tâm Tình báo Liên hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ - lợi thế chính mà một tàu sân bay nhỏ mang lại cho Hàn Quốc là việc sử dụng nó như một sân bay di động.
Nếu Triều Tiên nhắm vào các căn cứ không quân của Hàn Quốc trên bờ, thì việc có thể cơ động và tấn công từ các địa điểm luôn thay đổi có lợi thế về chiến thuật và chiến dịch.
Tàu sân bay có thể hoạt động như một soái hạm của hải quân nước xanh với tầm hoạt động trong khu vực, nhưng Seoul cũng có thể vươn tới tận Ấn Độ Dương để cạnh tranh ảnh hưởng ở tây Thái Bình Dương với Trung Quốc và Nhật Bản.
Ngoài bất kỳ vai trò chiến đấu nào có thể, theo giới chức quân sự Hàn Quốc, tàu sân bay mới "cũng sẽ hoạt động như một căn cứ quân sự đa năng trên biển trong các tình huống phi quân sự như hoạt động cứu hộ công dân khi xảy ra thảm họa hoặc tai nạn.
Nó sẽ cho phép quân đội ngăn chặn hiệu quả hơn các mối đe dọa và điều động lực lượng và vật liệu đến một khu vực tranh chấp trên biển bằng cách đóng vai trò như một tàu kiểm soát của lực lượng hải quân…".
Tàu sân bay hạng nhẹ LPX-II
Kế hoạch quốc phòng 5 năm mới của Hàn Quốc bao gồm việc chế tạo "LPH-II mui phẳng” - một biến thể của tàu sân bay trực thăng lớp Dokdo. Tàu sân bay đầu tiên của Hàn Quốc sẽ dựa trên nền tảng mở rộng của tàu tấn công đổ bộ đa năng lớp Dokdo, có thể so sánh với các tàu lớp Wasp của Mỹ hoặc Canberra của Australia.
Giới chức Seoul trước đây đã xác định, LPH-II sẽ có chiều dài 199m, chiều rộng 31m, lượng choán nước khoảng 30.000 tấn, gấp đôi so với Dokdo; chứa tối đa 20 máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng thế hệ thứ năm F-35B, cùng một số lượng không xác định máy bay trực thăng.