Thỏa thuận mới nói trên cần được quốc hội Hàn Quốc thông qua, theo đó tăng đóng góp của phía Seoul từ 960 tỉ won năm 2018 lên 1,03 ngàn tỉ won (gần 917 triệu USD) năm nay.
Ngoài ra, thỏa thuận mới sẽ hết hạn sau một năm, khác với thời hạn 5 năm của các thỏa thuận trước đó. Điều này có thể buộc các quan chức hai nước trở lại bàn đàm phán vài tháng sau khi thỏa thuận mới có hiệu lực.
"Đây là tiến trình rất dài, nhưng rốt cuộc đã khép lại rất thành công" - Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha nhận định. Quan chức này cũng thừa nhận vẫn có ý kiến chỉ trích trong nước đối với thỏa thuận nhưng khẳng định phản ứng chung cho đến giờ là "tích cực".
Trong khi đó, ông Timothy Betts, cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định số tiền gia tăng nói trên tuy không nhiều nhưng thể hiện sự ủng hộ quan trọng của Hàn Quốc đối với liên minh.
Thỏa thuận ngắn hạn mới nhất đạt được sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Hàn Quốc chi thêm tiền.
Khoảng 10 vòng đàm phán đã diễn ra kể từ tháng 3-2018 nhưng hai bên không đạt được kết quả đột phá. Giới chức Hàn Quốc muốn hạn chế đóng góp ở mức 1 ngàn tỉ won và thời hạn thỏa thuận là ít nhất 3 năm
Một nhà lập pháp đảng cầm quyền ở Hàn Quốc vào tháng rồi cho biết quá trình thương thảo rơi vào bế tắc sau khi Mỹ bất ngờ đưa ra yêu cầu "không thể chấp nhận" rằng Seoul chi hơn 1,4 ngàn tỉ won/năm.
Khoảng 70% đóng góp tài chính của Hàn Quốc là để trả lương cho 8.700 nhân viên người Hàn Quốc cung cấp các dịch vụ cho quân đội Mỹ, như hành chính, kỹ thuật...
Bất đồng trên làm dấy lên nỗi lo ông Trump có thể quyết định rút một số binh sĩ khỏi Hàn Quốc. Tuy nhiên, một số quan chức Hàn Quốc hôm 10-2 cho hãng tin Yonhap biết phía Mỹ xác nhận không thay đổi mức quân số ở nước này.
Khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc, nơi Washington duy trì sự hiện diện quân sự kể từ cuộc chiến Triều Tiên năm 1950-1953.