Hàn Quốc là một trong những đất nước phát triển bậc nhất thế giới với nền kinh tế thăng tiến vượt bậc, trình độ con người và khoa học kỹ thuật tiên tiến, đời sống hiện đại.
Ngành công nghiệp giải trí phát triển cũng giúp quảng bá hình ảnh của xứ sở kim chi đến với mọi người nhiều hơn.
Tuy nhiên, “ở trong chăn mới biết chăn có rận", đối với dân Hàn thì đất nước họ chưa bao giờ là nơi đáng sống vì áp lực đến từ mọi phía, dẫn đến tỷ lệ tự tử được xếp vào loại cao hàng đầu thế giới.
Cái chết của nữ thần tượng Sulli vào ngày 14/10 vừa qua khiến dư luận Hàn và thế giới không khỏi bàng hoàng.
Người ta tin rằng chính căn bệnh trầm cảm đã giết chết cựu thành viên f(x). Nó đến từ áp lực khi cô trở thành người nổi tiếng, phải gánh chịu ánh mắt soi mói của mọi người.
Sâu xa trong đó là nguyên nhân đến từ cách hành xử thô lỗ của cộng đồng mạng, chính họ cũng là nạn nhân chịu áp lực từ xã hội đến nỗi chỉ có thể tìm đến mạng xã hội để trút giận lên người nổi tiếng.
Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, có 13.670 người tự sát trong năm 2018, trung bình 37 người/ngày. Tờ Chosun Ilbo đưa, trong 100.000 người thì có 26,6 người tự vẫn, tăng 9,5% so với năm 2017.
Trầm cảm được đánh giá là nguyên nhân chính khiến người Hàn tự kết liễu đời mình nhưng mọi người ở đây có vẻ như vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm của nó.
Hàn Quốc phát triển là thế nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao.
Người dân nơi đây từ khi bập bẹ biết chữ và đi học đã được bố mẹ vạch sẵn cho con đường phía trước, rằng bằng mọi cách phải đậu vào trường đại học danh tiếng mong có cơ hội tìm được việc làm với mức lương tốt.
Trẻ con Hàn Quốc mỗi ngày đến trường là 1 cuộc chiến, chúng xem mọi người xung quanh là kẻ thủ thay vì bạn bè.
Điều này không chỉ khiến tỷ lệ bạo lực học đường tăng cao mà còn tạo nên áp lực đè nặng lên giới trẻ, càng thôi thúc chúng hình thành tâm lý tự tử.
Từ năm 2015, Hàn Quốc đã nổi lên chủ trương sống “Sampo Generation” có nghĩa là từ bỏ 3 thứ bao gồm không hẹn hò, không kết hôn, không sinh con.
Điều này cũng khá dễ hiểu bởi áp lực công việc đã quá đủ, họ không muốn gánh thêm bất kỳ trách nhiệm nào đối với người khác.
Rồi chỉ vài năm sau, người Hàn bước vào “thế hệ Opo", gạt bỏ thêm các mối quan hệ xã hội và dự định mua nhà.
Gần đây, họ chẳng còn bất cứ hy vọng nào trong cuộc đời này, chỉ đơn giản là từ bỏ mọi thứ và buông xuôi tất cả, đó là “thế hệ N-po".
Áp lực ở nơi làm việc khiến người Hàn Quốc càng dễ dàng ghen tị với nhau và người nổi tiếng chính là mục tiêu để họ mang ra so sánh.
Hàn Quốc đặt nặng lễ giáo và xem trọng giá trị truyền thống, vậy nên bất kỳ ai đi lệch các chuẩn mực cũng không tránh khỏi bị lên án, kỳ thị.
Đây là trường hợp của Sulli, cô sống theo bản năng, chân thật với bản thân nên tất nhiên nhận về không ít điều tiếng.
Vì người nổi tiếng là phải sống chuẩn mực, không được phạm sai lầm và lúc nào lên TV hay sân khấu cũng phải thật lung linh. Sulli không làm được như vậy.
Cô cặp kè bạn trai lớn tuổi, không mặc áo ngực khi ra đường, xuất hiện trên livestream với gương mặt đờ đẫn, lúc thì khóc lóc…
Và vì vậy nên Sulli trở thành đối tượng công kích của nhiều thành phần nhân danh “công lý" trên mạng mà thật chất họ chỉ đang ghen tị với cô.
Vì Sulli xinh đẹp, nổi tiếng và có cuộc sống giàu sang, không phải chạy ăn từng bữa như người thường nên bị ghen ăn tức ở.
Một trong những lý do đẩy người Hàn đến con đường tự tử còn là tư tưởng không tin có kiếp sau cũng như không có cảm giác tội lỗi khi tự đoạt mạng mình.
Họ chịu nhiều ảnh hưởng từ Nho giáo, rằng chết là hết và việc cúng bái tổ tiên cũng chỉ thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn đối với người đã khuất chứ không có nghĩa là người chết vẫn sống ở một thế giới khác.
Vì từng trải qua giai đoạn nghèo khó nên người Hàn Quốc rất ám ảnh cái bần hèn. Mỗi ngày mở mắt ra, điều họ nghĩ đến đầu tiên là công việc và vật chất.
Họ tập trung chạy theo các giá trị bên ngoài, hòa vào một xã hội bận rộn nên ít khi có cơ hội sống chậm lại, chiêm nghiệm về những giá trị thật sự của cuộc sống.
Từ đó, căn bệnh tâm lý càng dễ dàng xâm chiếm người Hàn, đến nỗi chính bản thân họ cũng không hề hay biết.
Hàn Quốc xem trọng diện mạo bên ngoài nên nền công nghiệp thẩm mỹ tại đất nước này vô cùng phát triển Những người không có được ngoại hình xinh đẹp thì xác định phải chật vật lắm mới kiếm được việc làm.
Điều này dẫn đến người Hàn Quốc ngại thể hiện chính mình, nếu không phù hợp với số đông, nhất là căn bệnh tâm lý lại càng bị giấu kín hơn.
Người có ý định tự tử bởi chịu nhiều áp lực từ xã hội, học tập và công việc thường tìm đến các chương trình "trải nghiệm cái chết" để vực dậy tinh thần.
Theo phỏng vấn mới đây của kênh Youtube Asian Boss, chính người Hàn thừa nhận rằng ở đất nước họ, xã hội không hề mở lòng với những người mắc bệnh liên quan đến thần kinh.
Hầu hết người gặp phải vấn đề bệnh lý này không dám chia sẻ với ai và cũng không có ý định đến bệnh viện thăm khám nên khiến bệnh tình càng thêm nặng.
Đến một lúc nào đó, họ không thể chịu nổi nữa thì đành phải chọn cách tự tử để giải thoát cho chính mình.
Trong bài phỏng vấn người đi đường khác của Asian Boss, người Hàn cũng tỏ ra bất ngờ khi người ngoại quốc lại chọn sang đất nước của họ sinh sống.
Trong khi thời gian gần đây, người dân xứ kim chi lại thi nhau di dân sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, mong có được cuộc sống dễ thở hơn.
Cuối cùng, Hàn Quốc là đất nước hiện đại với mức sống cao bậc nhất khu vực nhưng cuộc sống nơi đây lại không hề hào nhoáng như trên phim ảnh.
Con người thiếu sự kết nối, bị cuốn vào xã hội bận rộn đến nỗi không có thời gian quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau. Ai cũng phải đối mặt với cuộc chiến của riêng mình.
Thế mới thấy, ở Hàn Quốc, sự thịnh vượng chưa bao giờ đồng hành với niềm hạnh phúc.