Cạnh tranh trong ngành thiết bị bán dẫn đang diễn ra quyết liệt
Kế hoạch xây tổ hợp được công bố từ năm 2019, với mục tiêu trở thành dự án lớn nhất trong lịch sử ngành thiết bị bán dẫn, báo chí Hàn Quốc cho biết.
Dự án được SK Hynix phụ trách, với vốn đầu tư lên đến 100 tỷ USD, dự kiến sẽ sản xuất 800.000 đĩa bán dẫn mỗi tháng trên khu tổ hợp rộng 4 triệu mét vuông.
Khoảng 50 nhà cung cấp vật liệu, linh kiện và thiết bị sẽ chuyển đến đây. Sau khi hoàn thành, khu tổ hợp Yongin sẽ tập trung sản xuất chip DRAM và các loại chip thế hệ mới khác. Tập đoàn SK, công ty mẹ của SK Hynix, sẽ đầu tư 110 tỷ USD trong 5 năm tới cho đại dự án này.
Đó là một trong những mắt xích của vành đai công nghiệp ấn tượng nhất thế giới: Siêu hành lang thiết bị bán dẫn trải từ phía nam Seoul đến thành phố Pyeongtaek bên bờ Hoàng Hải, nằm cách 65km về phía nam.
Đi lên từ con số 0, Hàn Quốc đã thách thức Nhật Bản trong nhiều ngành công nghiệp, giờ quyết tâm ngăn Trung Quốc giành ngôi vương trong ngành thiết bị bán dẫn.
Giống như các ngành đóng tàu, xe điện và thiết bị điện tử, câu hỏi hiện nay là mất bao lâu, hay liệu Hàn Quốc có thể duy trì vai trò dẫn đầu.
Cuộc đua khốc liệt
Vành đai thiết bị bán dẫn của Hàn Quốc bắt đầu ở Cheongju, tỉnh Chungbuk ở miền nam, đến Icheon ở phía đông và Pyeongtaek ở phía tây nam. Vành đai này có hệ sinh thái gần như vô song, với các trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhà cung cấp thiết bị và thiết kế, ra đời và phát triển trong 3 thập kỷ qua. Các trường đại học ở Seoul và Daejeon gần đó cung cấp nhân lực cho các công ty.
Tổ hợp này có khởi đầu rất khiêm tốn. Năm 1984, Samsung bắt đầu sản xuất DRAM 256 kilobit đầu tiên ở Yongin. Chỉ vài năm sau, Samsung và Hyundai Electronics – tiền thân của SK Hynix – giành được chiếc vương miện trong ngành thiết bị bán dẫn từ Nhật Bản. Ngày nay, Hàn Quốc là nhà cung cấp dẫn đầu thế giới về bộ nhớ.
Không hài lòng với vị thế đó, các công ty Hàn Quốc giờ chuyển quan tâm sang chip không nhớ, một ngành có giá trị gia tăng cao mà công ty TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) đang thống trị.
Để cạnh tranh với Đài Loan (Trung Quốc), Samsung lên kế hoạch đầu tư hàng tỷ đô la vào ngành thiết bị bán dẫn không bộ nhớ cho đến năm 2030.
Theo số liệu về thị phần toàn cầu trong quý 1 năm nay mà hãng nghiên cứu TrendForce thống kê, TSMC đang chiếm 53,6% thị phần toàn cầu, Samsung đứng thứ hai với 16,6%. Hãng SMIC của Trung Quốc giữ vị trí số 5, với 5,6% thị phần. Gộp chung lại, các công ty Trung Quốc đại lục đang chiếm 10,2% thị phần toàn cầu.
Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) thống trị lĩnh vực đĩa bán dẫn trong hơn 1 thập kỷ qua. Các công ty phương Tây mất vị trí trong ngành này, vì thế chuyển sang tập trung vào thiết kế.
Nhiều chính phủ trên thế giới muốn tạo nên một chuỗi cung ứng chip nội địa bằng cách đầu tư hàng tỷ đô la để bảo hộ, nhưng không có gì bảo đảm rằng tham vọng đó sẽ thành công.
Chiến lược để đạt được vị trí thống trị trong ngành chip là xây dựng hàng loạt cơ sở sản xuất, tối đa hóa hỗ trợ của chính phủ và thu hút nhân tài từ nước ngoài. Chiến lược này được Nhật Bản sử dụng để giành vương miện từ Mỹ, sau đó lại bị Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) chiếm mất.
Giờ đây, Trung Quốc đang quyết liệt áp dụng mọi chiến thuật, khiến các chuyên gia Hàn Quốc lo ngại.
“Trong trường hợp của Trung Quốc, họ đầu tư rất nhiều vào ngành thiết bị bán dẫn, thậm chí vượt Hàn Quốc trong một số khía cạnh. Ví dụ, về đào tạo và thu hút nhân tài, Trung Quốc đang làm rất mạnh”, ông Cho Kyeong-soon, giáo sư ngành kỹ thuật điện tử tại ĐH Hankuk, đánh giá.
Trong quý 1 năm nay, một công ty của Trung Quốc lần đầu tiên bước vào top 10 công ty thiết kế thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới, trong khi các công ty Hàn Quốc không có tên, báo Guancha của Trung Quốc đưa tin.
Bài viết của Guancha cho rằng dù Trung Quốc bị coi là thua kém Hàn Quốc về chất lượng chip, một số nhà phân tích tin rằng ngành thiết bị bán dẫn của Trung Quốc sẽ phát triển nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và cơ hội lớn từ thị trường nội địa khổng lồ.
Theo AT