Hàn Quốc: Binh sĩ Triều Tiên xâm phạm biên giới, phải nổ súng cảnh cáo

Hữu Hiển |

Quân đội Hàn Quốc đã nổ súng cảnh cáo sau khi binh sĩ Triều Tiên vượt biên giới đất liền trong một thời gian ngắn, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết.

Theo hãng tin AP, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 11/6 cho biết, vào lúc 12:30 trưa hôm Chủ nhật (9/6), một số binh sĩ Triều Tiên đang tham gia vào công việc không xác định ở phía bắc biên giới đã vượt qua đường phân giới quân sự chia cắt bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc: Binh sĩ Triều Tiên xâm phạm biên giới, phải nổ súng cảnh cáo- Ảnh 1.

Rào chắn được đặt gần Cầu Thống nhất, dẫn đến Panmunjom trong Khu phi quân sự ở Paju, Hàn Quốc vào ngày 11/6/2024. Ảnh: AP

JCS cho biết, những người lính Triều Tiên mang theo công cụ xây dựng - một số có trang bị vũ khí - đã ngay lập tức quay trở lại lãnh thổ của mình sau khi quân đội Hàn Quốc bắn cảnh cáo và phát thanh cảnh báo. JCS cho biết Triều Tiên không tiến hành bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào khác.

Lee Sung Joon - người phát ngôn của JCS - nói với các phóng viên rằng, quân đội Hàn Quốc đã đánh giá rằng các binh sĩ Triều Tiên dường như không cố ý vượt qua biên giới vì địa điểm này là một khu vực nhiều cây cối rậm rạp và các biển báo ở đó không được nhìn thấy rõ ràng.

Ông Lee không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc đưa tin, khoảng 20-30 binh sĩ Triều Tiên đã tiến vào lãnh thổ Hàn Quốc khoảng 50 mét có thể do lạc đường. Các báo cáo cho biết hầu hết binh sĩ Triều Tiên đều mang theo cuốc và các công cụ xây dựng khác.

Theo AP, Khu phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên dài 248 km, rộng 4 km là biên giới được trang bị vũ khí mạnh nhất trên thế giới. Ước tính có khoảng 2 triệu quả mìn rải rác bên trong và gần biên giới; nơi đây cũng được bảo vệ bằng hàng rào dây thép gai, bẫy xe tăng và lực lượng chiến đấu của cả hai bên. Đó là di sản của Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, kết thúc bằng hiệp định đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình.

Ngày 9/6, Hàn Quốc đã nối lại các chương trình phát sóng tuyên truyền chống Bình Nhưỡng từ các loa phóng thanh ở biên giới để đáp trả việc Triều Tiên gần đây thả bóng bay chở phân và rác qua biên giới.

Triều Tiên cho biết chiến dịch thả bóng bay gần đây của họ là để đáp trả việc các nhà hoạt động Hàn Quốc cũng từng thả bóng bay để thả truyền đơn chống chế độ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, thẻ nhớ USB chứa các bài hát K-pop và các chương trình truyền hình Hàn Quốc cũng như các thứ khác xuống Triều Tiên.

Vào tối ngày 9/6, Kim Yo Jong - em gái của ông Kim Jong Un đã cảnh báo về "một phản ứng mới" nếu Hàn Quốc tiếp tục phát loa và từ chối chấm dứt các chiến dịch thả truyền đơn.

Quân đội Hàn Quốc ngày 10/6 cho biết họ cũng đã phát hiện các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang lắp đặt loa phóng thanh của riêng mình.

Triều Tiên đã sử dụng loa phóng thanh dọc biên giới từ những năm 1960, thường phát đi những lời ca ngợi gia tộc Kim, nhưng đã ngừng sử dụng vào năm 2018 khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên nồng ấm hơn.

Theo AP, việc "ăn miếng trả miếng" qua loa và bóng bay – đều là chiến tranh tâm lý theo phong cách Chiến tranh Lạnh – đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên khi các cuộc đàm phán về tham vọng hạt nhân của Triều Tiên vẫn bị đình trệ trong nhiều năm.

'Một cuộc khủng hoảng mới'

Chính phủ Hàn Quốc trong tháng này đã đình chỉ hiệp ước giảm căng thẳng liên Triều năm 2018 và bắt đầu lại các chương trình phát thanh tuyên truyền bằng loa dọc biên giới để đáp trả những quả bóng bay rác, khiến Triều Tiên tức giận và cảnh báo Seoul đang tạo ra "một cuộc khủng hoảng mới".

Hàn Quốc: Binh sĩ Triều Tiên xâm phạm biên giới, phải nổ súng cảnh cáo- Ảnh 3.

Binh sĩ Triều Tiên đứng gần trạm gác quân sự của họ khi lá cờ Triều Tiên tung bay trong gió, nhìn từ Paju, Hàn Quốc, vào ngày 9/6/2024. Ảnh: AP

AFP dẫn lời các chuyên gia cho biết, quyết định đình chỉ hiệp ước năm 2018 và khởi động lại chương trình phát thanh bằng loa của Hàn Quốc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Các hành động tuyên truyền ăn miếng trả miếng trước đây đã gây ra những hậu quả thực tế đối với quan hệ liên Triều.

Năm 2020, Bình Nhưỡng chỉ trích hoạt động truyền đơn của Seoul và đã đơn phương cắt đứt mọi liên lạc chính trị và quân sự chính thức với Hàn Quốc, cũng như cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều ở biên giới.

Triều Tiên trước đó cũng đe dọa sử dụng pháo binh tấn công vào các đơn vị loa phóng thanh của Hàn Quốc.

Theo AP, vào năm 2018, trong giai đoạn quan hệ liên Triều được cải thiện, lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí "chấm dứt hoàn toàn mọi hành động thù địch", trong đó có việc dừng thả truyền đơn.

Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua luật vào năm 2020 hình sự hóa việc thả truyền đơn tới Triều Tiên; nhưng các nhà hoạt động không dừng lại, và luật này đã bị Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc bác bỏ vào năm ngoái vì coi đó là hạn chế quá mức đối với quyền tự do ngôn luận.

Hiệp ước năm 2018 là một thành tựu nổi bật của cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đã gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nhiều lần trong nỗ lực cải thiện quan hệ trên bán đảo.

Việc đình chỉ hiệp ước cũng cho phép Hàn Quốc tiếp tục các cuộc tập trận bắn đạn thật dọc biên giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại