Tàu của Triều Tiên bị phát hiện đi qua đường biên giới biển liên Triều lúc khoảng 6h40 sáng ngày 26/11 (tức 4h40 sáng theo giờ Hà Nội). Đây là khu vực gần một hòn đảo của Hàn Quốc ở ngoài khơi bờ biển phía tây, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Hàn Quốc cho hay. Quân đội Hàn Quốc đã phát đi cảnh báo và bắn một loạt phát đạn cảnh cáo xuống mặt nước gần con tàu để xua đuổi nó ra khỏi khu vực.
"Đến thời điểm này, chúng tôi xác nhận rằng chiếc tàu của Triều Tiên đã trôi dạt về phía khu vực đó do thời tiết xấu và hỏng động cơ. Nó hiện đang trên đường quay trở về phía Triều Tiên”, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Đây là lần thứ hai Hàn Quốc nổ súng cảnh cáo về phía một tàu Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên cầm quyền hồi tháng Năm năm 2017, một quan chức quân sự cho hay. Ông Moon đã cam kết sẽ nối lại các cuộc đàm phán với nước láng giềng Triều Tiên.
Trước đó, hồi tháng 9, Hàn Quốc cũng đã nổ súng cảnh cáo một chiếc tàu và sau đó cử lực lượng kỹ sư của Hải quân đến giúp con tàu này sửa động cơ.
Hành động nổ súng của phía Hàn Quốc cho thấy nước này giữ một lập trường cứng rắn trước bất kỳ động thái xâm phạm biên giới nào. Diễn biến mới nhất cũng gây lo ngại bởi thủy thủ của hai bên Hàn Quốc và Triều Tiên từng có không ít lần đụng độ đổ máu với nhau ở vùng lãnh hải ngoài khơi bờ biển phía tây của bán đảo Triều Tiên.
Diễn biến trên diễn ra vào thời điểm quan hệ liên Triều đang ấm dần lên sau một loạt các hoạt động ngoại giao dồn dập, bao gồm ba hội nghị thượng đỉnh trong năm ngoái. Trong những cuộc gặp quan trọng đó, Tổng thống Moon và Chủ tịch Kim Jong Un đã nhất trí với nhau về việc cải thiện quan hệ song phowng và khôi phục lại các dự án kinh tế đang bị đình trệ lại.
Tuy nhiên, chưa có sự tiến bộ đáng kể nào trong mục tiêu tháo gỡ cuộc khủng hoảng tên lửa, hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đến nay, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục bị thắt chặt.
Tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên cũng đang rơi vào bế tắc.
Mối quan hệ giữa hai miền liên Triều đã được cải thiện rất nhiều kể từ năm ngoái khi ông Kim tham gia vào các cuộc đàm phán với Mỹ về số phận kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Có thể nói, quan hệ Mỹ-Hàn cũng như quan hệ Hàn Quốc-Triều Tiên hồi năm ngoái và đâu năm nay đã ở trong trạng thái tốt đẹp chưa từng có.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa hai miền liên Triều hồi cuối tháng 4/2018, và cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có giữa Mỹ và Triều Tiên hồi tháng 6/2018, chưa bao giờ người ta lại có nhiều hy vọng về một cái kết tốt đẹp cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên kéo dài dai dẳng bao thập kỷ qua.
Trước đó, bán đảo Triều Tiên đã có nhiều tháng ở trong giai đoạn căng thẳng cao độ, tiến gần sát đến bờ vực của một cuộc chiến tranh bùng nổ khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa, khiến các nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sôi sục tức giận. Hàng loạt những lời cảnh báo đáng sợ và những động thái quân sự “gây giật mình” đã được tung ra, khiến bán đảo Triều Tiên luôn ở trạng thái sẵn sàng bùng nổ bất kỳ lúc nào.
Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un ở Singapore hồi tháng Sáu năm 2018 đã đem lại rất nhiều kỳ vọng. Trong cuộc gặp lịch sử này, hai bên đã ký được một văn bản chung mà theo đó Triều Tiên cam kết sẽ tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để đổi lại sự đảm bảo về an ninh từ phía Mỹ. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc ở gần biên giới Triều Tiên.
Cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên đã diễn ra ở Hà Nội hồi đầu năm nay. Cuộc gặp lần này từng được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm một trong những cuộc khủng hoàng nghiêm trọng nhất trên thế giới liên quan đến vấn đề tên lửa và vũ khí hạt nhân nhưng kết quả không được như mong đợi. Trong khi đó, cuộc gặp mới nhất vừa rồi giữa ông Kim và ông Trump được đánh giá chỉ là mang tính biểu tượng và chưa đem lại bất kỳ kết quả cụ thể khả quan nào.
Gần đây, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang đi theo xu hướng xấu khi Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa, tập trận và đưa ra nhiều cảnh báo. Trong khi đó, Mỹ vẫn kiên quyết không tháo gỡ các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên.